Tại hội thảo về tự chủ ĐH mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng chưa thể giao hết quyền tự chủ cho trường ĐH công lập khi Hội đồng trường chưa phát huy hết vai trò, khi chiến lược phát triển và hoạt động triển khai hằng ngày của trường không được giám sát từ một Hội đồng trường đúng nghĩa.
Ảnh minh họa
Chia sẻ của lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho thấy ‘nút thắt’ cần giải quyết đối với mô hình quản trị ĐH tự chủ tại Việt Nam là cơ chế hoạt động của Hội đồng trường trong mối quan hệ với Đảng ủy, Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu nhà trường.
Hội đồng trường “hữu danh vô thực”?
Dù đã được đề cập trong nhiều văn bản quy định về điều lệ trường ĐH, CĐ, song như Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhìn nhận ngay cả 14 trường ĐH thực hiện thí điểm tự chủ này vẫn còn trường chưa có Hội đồng trường như luật định, số ít trường có hội đồng lại hoạt động hình thức, chưa trở thành cơ quan quyền lực cao nhất như mong muốn.
TS. Nguyễn Thanh Sơn (ĐH Yersin Đà Lạt) nêu thực tế về hình thức Hội đồng trường trong các ĐH công lập được giao quyền lực rất lớn nhưng không có quyền bầu và miễn nhiệm Hiệu trưởng (đây là quyền của cơ quan chủ quản), do đó, Hiệu trưởng không phải chịu trách nhiệm trước Hội đồng trường.
Bên cạnh đó Đảng ủy trường là cơ quan lãnh đạo trực tiếp, toàn diện các hoạt động của trường và chưa có quy định về mối quan hệ cụ thể với Hội đồng trường. Điều này dẫn đến tính hình thức của Hội đồng trường.
Cùng chung quan điểm của TS. Sơn, TS Lê Viết Khuyến (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cho rằng một trong những bất cập hiện nay là sự chồng chéo về chức năng giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng do cả hai đều là đại diện cho quyền sở hữu Nhà nước trong các trường ĐH công lập. Phần lớn Hiệu trưởng không muốn tiếp nhận cơ chế Hội đồng trường hoặc chỉ xem như một tổ chức tư vấn.
Ngoài ra còn có thể kể đến sự trùng lắp về chức năng nhiệm vụ giữa Hội đồng trường và Đảng ủy nhà trường khi quyết định của Hội đồng trường khác biệt với quyết định của Đảng ủy thì Hiệu trưởng không biết tuân theo quyết định nào.
Phải xóa bỏ cơ chế “cơ quan chủ quản”
Từ kinh nghiệm quản trị ĐH tự chủ trên thế giới, GS Phạm Phụ (ĐH quốc gia TPHCM) cho biết xu thế chung các nền giáo dục thường xem, giao tự chủ ĐH và trách nhiệm xã hội cho Hội đồng trường chứ không giao cho Hiệu trưởng hay trường ĐH nói chung. Chức năng của Hội đồng trường là quản trị và tạo ra sự thay đổi còn chức năng của Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu là bảo đảm những chính sách đó được thực thi. Vì vậy, việc làm rõ chức năng và phương thức làm việc giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng có ý nghĩa quyết định việc thực hiện thành công tự chủ ĐH.
“Quá trình thực hiện tự chủ ĐH thực chất là quá trình chuyển giao quyền lực, lâu nay phần lớn tập trung ở bộ, cơ quan chủ quản và Hiệu trưởng sang Hội đồng trường”, GS. Phạm Phụ nhận xét.
Làm rõ hơn quan điểm này, TS. Vũ Thị Thu Thủy (Vụ Giáo dục ĐH-Bộ GD&ĐT) cho rằng Hội đồng trường là cơ quan đưa ra các quyết định thể hiện ý chí của đại diện chủ sở hữu cho các nhóm lợi ích có liên quan của nhà trường như cơ quan chủ quản, giảng viên, cán bộ, nhân viên, sinh viên, nhà tài trợ, người đóng thuế... Đây là cơ quan dám chấp nhận những “cải cách lớn” để tạo ra sự đổi mới thực sự; tạo nên sự phù hợp giữa quyền sử dụng của người quản lý nhà trường với quyền sở hữu của các nhóm lợi ích có liên quan tới nhà trường.
“Hội đồng trường phải là một hội đồng có quyền quyết định mọi chính sách của nhà trường và có cơ chế kiểm soát độc lập đối với mọi hoạt động của nhà trường”.
GS. Nguyễn Minh Thuyết đề nghị cần bãi bỏ ngay cơ chế bộ chủ quản, chấm dứt việc giao UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học. Có như vậy thì Hội đồng trường mới thực sự có quyền lực khi được quyền bầu Hiệu trưởng, quyết định những vấn đề chiến lược, mang tính dài hạn trong phát triển ĐH. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trước Hội đồng trường, tập thể cán bộ viên chức nhà trường thay vì trước cơ quan chủ quản cấp trên.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng cần phải làm rõ hơn mối quan hệ giữa Đảng ủy và Hội đồng trường; mối quan hệ giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Hiệu trưởng, có như vậy Hội đồng trường mới thực sự có quyền và không mang tính hình thức.
Để Hội đồng trường được đặt đúng vị trí
Để giải quyết vấn đề này, trong báo cáo gửi Chính phủ về nội dung dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH công lập, Bộ GD&ĐT đề xuất quy định bắt buộc các cơ sở giáo dục ĐH phải thành lập Hội đồng trường với quyền được bổ nhiệm, miễn nhiệm một số vị trí lãnh đạo chủ chốt của trường (Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng). Theo đó, đối với nhiệm kỳ Hội đồng trường đầu tiên, các bộ chủ quản quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường lâm thời trong thời gian ngắn (6 tháng-1 năm), sau đó chỉ đạo trưởng tổ chức bầu Chủ tịch Hội đồng chính thức. Bộ chủ quản không can thiệp vào công tác bầu Chủ tịch Hội đồng trường cũng như nhân sự của nhà trường.
Về việc bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy nhà trường, PGS. TS Nguyễn Huy Vị, Ths. Lê Bạt Sơn (ĐH Phú Yên) đề xuất ngoài việc tham gia vào thành phần Hội đồng trường, Đảng ủy vẫn là cơ quan giới thiệu nhân sự các vị trí lãnh đạo chủ chốt để Hội đồng trường bầu; đồng thời phương hướng lãnh đạo, nghị quyết của Đảng ủy sẽ được quán triệt và thể hiện trong các quyết định của Hội đồng trường.
“Hội đồng trường chỉ thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất trong nhà trường khi đại diện cho cộng đồng xã hội. Phải từng bước xóa bỏ vai trò độc quyền chỉ đạo và quản lý của cơ quan chủ quản nếu không xóa bỏ cơ chế này thì dù có thành lập được Hội đồng trường thì cũng không phát huy tác dụng.
Để bảo đảm tính khách quan của các quyết nghị của Hội đồng trường (không bị chi phối bởi lợi ích cục bộ), thành phần ngoài trường phải chiếm đa số. Trừ Chủ tịch Hội đồng trường làm việc chuyên trách và có lương tất cả các thành viên của Hội đồng trường đều hoạt động theo chế độ tự nguyện, không hưởng phụ cấp”, TS. Lê Viết Khuyến khuyến nghị.
Theo Minh Khôi/Chính Phủ
Nguồn bài viết : Bảng đặc biệt tuần