Tự do phát triển năng khiếu
Ngoài các môn học chính khóa, các học sinh trung học phổ thông ở Canada, luôn được tạo điều kiện tham gia các lớp học nghệ thuật, năng khiếu như nhảy, múa, âm nhạc, vẽ, thể thao, nhiếp ảnh, thiết kế… hoặc hoạt động ngoại khóa như cưỡi ngựa, dã ngoại… Học sinh được khuyến khích làm những gì mình thích và tự do phát triển khả năng của mình.
Với học sinh Canada, trường giống như một câu lạc bộ, đội nhóm mà các em thích đến mỗi ngày để sinh hoạt và thể hiện khả năng của mình.
Ở trường trung học Queen Margaret (tỉnh British Columbia), các bạn nữ được học cưỡi ngựa như một môn thể thao phổ biến. Nếu bạn yêu thích môn vẽ thì sẽ được học trong những phòng học trang trí nghệ thuật, thả hồn theo điệu nhạc không lời du dương suốt buổi học và cứ thế mải mê sáng tạo theo đúng ý mình.
Bên cạnh học chính khóa, học sinh Canada luôn được tạo điều kiện tham gia các lớp học nghệ thuật, năng khiếu.
Laila Mazir, học sinh trường trung học Union Ville (tỉnh Ontario) mới 16 tuổi nhưng đã tham gia những chuyến tham quan và biểu diễn tại Ý và New York (Mỹ). Từ khi bước vào trường Union Ville, Laila và các bạn đã được tự chọn các bộ môn năng khiếu mà các em thích. Laila chọn chơi kèn saxophone.
Chuyến đi mang lại nhiều kinh nghiệm và cả những kỷ niệm đáng nhớ cho Laila. Quan trọng hơn, em thấy mình phù hợp với sân khấu và biểu diễn. Cô bé nghĩ đến chuyện sẽ tiếp tục học nhạc tại học viện âm nhạc sau khi tốt nghiệp trung học.
Mỗi tuần, Laila và bạn có ít nhất bốn buổi sinh hoạt ở lớp phát triển âm nhạc. Các em được học chơi các loại nhạc cụ vào cuối tuần, giáo viên sẽ dẫn những học sinh chơi tốt nhất đến các rạp hát, sân khấu ở địa phương để thực hành và nhận cả những show diễn ở nước ngoài. Đó là cơ hội để những học sinh đam mê âm nhạc được cọ xát như những nghệ sĩ thực thụ.
Các bạn nữ được học cưỡi ngựa như một môn thể thao phổ biến.
Các môn nghệ thuật, năng khiếu luôn được chú trọng để các em tự do phát triển và làm những gì mình thích. Hàng tuần, giáo viên đều có buổi nói chuyện với phụ huynh về sự phát triển năng khiếu của từng học sinh, qua đó cùng bàn bạc, định hướng về tương lai của các em.
Ở trường Union Ville, ngoài âm nhạc, học sinh còn có nhiều lựa chọn khác về các lớp năng khiếu như kịch nghệ, múa, vẽ, thể thao, thiết kế, nhiếp ảnh, nặn tượng...
Điều thú vị là ngôi trường này được xây dựng như một ngôi làng nhỏ thân thiện với những hàng hoa anh đào nở trắng. Khuôn viên dành cho lớp học nằm thu gọn ở một khu vực nhỏ, phần còn lại dành cho sân tập thể thao, khu cưỡi ngựa, sân khấu và cả những lớp thực hành ngoài trời. Trường học không chỉ là nơi để học mà là một không gian sống, không có chút áp lực học tập nào, trái lại, là nơi để học sinh tận hưởng những khoảng thời gian thoải mái nhất của thời trung học. Từ đây những ý tưởng mới, sự sáng tạo bắt đầu nảy nở.
Vừa học nghề vừa làm thêm
Khi bước vào trường trung học Notre Dame (Ottowa - Ontario), thầy cô hỏi Christina muốn trở thành người thế nào trong tương lai. Em nói muốn làm giáo viên dạy tiếng Anh và Lịch sử. Giáo viên lập tức cho em một danh sách các môn học hiệu quả, phù hợp. Được tự do chọn môn học nhưng Christina cũng phải "khoanh vùng" ít nhất là tám môn. Ngoài ra, cô bé còn hướng đến các hoạt động ở lớp kịch nghệ và âm nhạc vì nghĩ rằng những khả năng về nghệ thuật sẽ làm cho công việc của mình sau này thuận lợi hơn.
Ở trường trung học các em tham gia các kỳ thực tập với các công việc thực tế.
Hàng tuần, Christina đều có ít nhất ba buổi làm trợ giảng cho giáo viên tại các lớp hệ mầm non và tiểu học trong trường. Nhiệm vụ của Christina là chơi cùng em nhỏ, tập cho chúng vẽ và viết, nặn đồ chơi và tổ chức các trò chơi tập thể. Mới lớp 8 nhưng Christina đã tỏ ra rất lành nghề khi quản lý một lớp học.
Tương tự như Christina, những học sinh muốn trở thành bác sĩ được thực hành ở các nhà thương trong địa phương. Việc thực hành có khi chỉ dừng lại ở quan sát, phụ trợ trong các ca cấp cứu.
Khoảng 70% học sinh Canada thường xuyên làm việc bán thời gian ở các nông trại, các cửa hàng tạp hóa, siêu thị, nhà hàng… và nhận lương đều đặn hàng tháng.
Từ những công việc được thực tập các em có định hướng cho nghề nghiệp tương lai của mình.
Khi bắt đầu lên lớp 10, hoạt động hướng nghiệp được thực hiện dày hơn với các chương trình thực tập. Mỗi năm, học sinh sẽ có 3 - 4 tháng làm việc tại một công ty, có lương, có thử thách, cạnh tranh, sa thải, lên chức... như một công việc thật sự. Kết quả của kỳ thực tập cũng sẽ được tính trong kết quả cuối năm học và trong bản giới thiệu về khả năng của các học sinh khi ra trường.
Điều quan trọng mà học sinh nhận được qua việc làm thêm và thực tập không đơn giản là lương mà là các em nhận ra “mình có thực sự thích công việc đó? liệu nó có phù hợp với mình hay không?” và tiếp tục với lựa chọn từ trước hoặc chuyển hướng kịp thời.
Đỗ Hương
Tổng hợp
Nguồn bài viết : 2 điểm XSMT