Hơn một tuần trở lại đây, nhiều người bán hàng online liên tục than vãn trên mạng xã hội vì sàn thương mại điện tử Shopee thay đổi chính sách khi sắp sửa thu phí của người bán trên mỗi đơn hàng.
Theo chia sẻ của những người đang mở gian hàng trên Shopee, từ ngày 1/4 tới, Shopee sẽ tính phí thanh toán. Đây là khoản phí giao dịch tính cho nhà bán hàng trên tổng giá trị mà người mua đã thanh toán khi đơn hàng thành công (gồm tổng tiền hàng và phí vận chuyển).
Tùy vào phương thức thanh toán mà người mua chọn, đơn hàng sẽ được áp dụng mức khấu trừ cho nhà bán hàng khác nhau. Cụ thể, mức phí bắt đầu áp dụng từ ngày 1/4 là 1% nếu khách hàng thanh toán bằng thẻ ATM nội địa (Internet banking) hoặc thanh toán khi nhận hàng (COD). Còn hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng/ghi nợ có mức phí là 2% và đã áp dụng từ ngày 20/2.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện Shopee xác nhận việc áp dụng phí thanh toán này tại Việt Nam trong thời gian tới. Sàn thương mại điện tử này cũng cho biết phí thanh toán cũng đang được triển khai ở các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á.
Một phần trong thông báo thu phí thanh toán Shopee gửi tới người bán. Ảnh: Shopee. |
"Trước đây không thu gì. Giờ lại tính phí trên cả phí vận chuyển. Quá vô lý!", chị Thảo Trang, một người bán mỹ phẩm trên Shopee gần một năm nay, than phiền ngay sau khi nhận được thông báo.
Nhiều người bán hàng trên Shopee cho biết lý do chọn sàn thương mại điện tử này vì từ trước đến nay không phải chịu khoản phí dịch vụ nào. Vì vậy, việc phải đóng phí thanh toán trên mỗi đơn hàng khiến họ rất hụt hẫng.
"Mua hàng của người ta rồi bán lại nên bình thường lời đã chẳng bao nhiêu giờ còn bị tính thêm phí. Một đơn hàng mấy triệu là mất mấy chục nghìn", chị Trâm, một người kinh doanh áo quần trên Shopee, cho hay.
Tuy nhiên, cũng có một số người tỏ ra không quá bất ngờ với việc thu phí này. "Thu phí là chuyện sớm muộn thôi vì chẳng ai có thể chịu lỗ hoài, kể cả Shopee", chị Thu, chủ một gian hàng trên sàn này, chia sẻ.
Phản ứng chung của nhiều người kinh doanh trên Shopee là dự định tăng giá để bù vào phần phí thanh toán phải chịu từ 1/4 tới.
"Shopee thu phí 1% nên các sản phẩm bán trên Shopee sắp tới của mình cũng sẽ tăng giá một ít", anh Hoàng, một người bán phụ kiện điện thoại trên Shopee, cho hay và tiết lộ đang rủ khách quen của mình tranh thủ mua hàng trong tháng 3.
Tuy nhiên, theo chị Trang, việc tăng giá, dù là rất nhỏ, cũng sẽ ảnh hưởng đến lượng khách của nhiều gian hàng trên Shopee. "Khách hàng trên Shopee nhiều người thích giá rẻ nên cứ thấy rẻ nhất thì mua. Chỉ cần lên giá là khách mất hút", chị Trang nói.
Nhiều người bán hàng đánh giá nhiều khách mua hàng trên Shopee quan tâm đến giá nhiều nhất. |
Một giải pháp khác được nhiều chủ gian hàng trên trang thương mại điện tử này chia sẻ là hướng dẫn khách sử dụng dịch vụ giao nhận bên ngoài, thay vì mua qua Shopee.
"Từ ngày 1/4 tới hàng của nhà em trên Shopee giá sẽ cao hơn một chút. Bù lại, ai mua tại nhà hoặc qua kênh khác, ship ngoài em sẽ ưu đãi hơn. Từ nay em không chỉ khách lên Shopee mua nữa", chị Ngọc Anh, hiện kinh doanh túi xách, viết trên trang cá nhân.
Một số người thậm chí còn tuyên bố sẽ dừng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử này hoặc chuyển hẳn sang kênh bán hàng khác. "Vì vụ tăng phí nên chắc mình nghỉ bán trên Shopee luôn. Dịch vụ ngày càng chán", chị Thanh, người đã bán hàng thực phẩm trên Shopee hơn một năm nay, cho biết.
Bước chân vào Việt Nam từ tháng 8/2016, Shopee bắt đầu soán ngôi dẫn đầu thị trường thương mại điện tử Việt Nam của Lazada từ quý III/2018.
Theo báo cáo "Bản đồ Thương mại điện tử Việt Nam quý IV/2018" của iPrice Group, Shopee hiện dẫn đầu thị trường thương mại điện tử Việt Nam về số lượt truy cập website mỗi tháng với hơn 41 triệu lượt. Shopee cũng dẫn đầu về xếp hạng ứng dụng di động trên hai hệ điều hành Android và iOS.
Cuộc đua giữa các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian tới hứa hẹn sẽ còn quyết liệt hơn khi kết thúc năm 2018, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 6 trong 10 thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới với tổng doanh thu 2,26 tỷ USD, lượng khách hàng đạt gần 50 triệu người, theo Statista. Trong năm 2019, tổng số người mua hàng trên các kênh thương mại điện tử tại Việt Nam được dự báo có thể vượt 51 triệu người.
Nguồn bài viết : TK giải đặc biệt