Ngày 8/7, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Trần Châu chủ trì cuộc họp với một số sở, ngành trong tỉnh để giải quyết những vấn đề liên quan đến Nhà máy đường Bình Định (thuộc Công ty cổ phần đường Bình Định - Bisuco).
Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành do ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định làm trưởng đoàn, tháng 7/2018, lãnh đạo Bisuco thông báo cho người lao động tạm nghỉ nhưng đến nay vẫn không giải quyết bất kỳ khoản chế độ nào, trong khi ông chủ người Ấn Độ trốn khỏi Việt Nam.
Hiện Bisuco đang nợ 327 người lao động tại công ty hơn 19 tỷ đồng, gồm tiền lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; nợ tiền thuế đến ngày 31/5/2019 là 27,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn nhiều khoản nợ khác liên quan đến giao dịch làm ăn trong thời gian Nhà máy Đường Bình Định hoạt động.
Ông Trần Văn Đồng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Bisuco cho biết người lao động tạm thời nghỉ việc từ tháng 7/2018 nhưng không được công ty thanh toán khoản tiền nào nên gặp nhiều khó khăn, bức xúc.
Công đoàn cơ sở Bisuco và người lao động đã gửi đơn kiện đến Tòa án Nhân dân huyện Tây Sơn để đòi quyền lợi, yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp.
Tòa án Nhân dân huyện Tây Sơn đã chuyển hồ sơ thụ lý vụ việc phá sản này đến Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Định để giải quyết theo thẩm quyền do doanh nghiệp bị yêu cầu tuyên bố phá sản có giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định cấp, là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trước đó, ngày 30/1/2018, Tòa án Nhân dân huyện Bến Lức (tỉnh Long An, nơi Bisuco đặt trụ sở) ra quyết định công nhận thỏa thuận giữa Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên Standard Chartered (SCB Việt Nam) và Bisuco.
Bisuco phải trả cho SCB Việt Nam 131,46 tỷ đồng (trong đó 103,91 tỷ đồng nợ gốc và 27,54 tỷ đồng nợ lãi) và khoản lãi phát sinh chậm thi hành án.
Do Bisuco không tự nguyện trả nợ, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tây Sơn đã lập thủ tục cưỡng chế, kê biên tài sản là Nhà máy đường Bình Định.
[Giải quyết bồi thường dân sự ngay trong vụ “Cố ý làm trái” tại BHXH]
Tuy nhiên, sau khi người lao động của Bisuco có đơn khởi kiện, yêu cầu tuyên bố phá sản nên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tây Sơn đã ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án đối với Bisuco.
Tại cuộc họp, ông Trần Châu cho rằng vụ việc rất phức tạp, quyền lợi của hàng trăm lao động đang bị “treo,” trong khi ông chủ người Ấn Độ bỏ trốn khỏi Việt Nam, nhiều thủ tục pháp lý không thực hiện được.
Ông Trần Châu yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh, trước mắt, ưu tiên giải quyết, nghiên cứu đào tạo nghề, tạo việc làm mới cho người lao động tại Bisuco. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh khẩn trương có văn bản xin ý kiến Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) về việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn, không có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động.
Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Định tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết các chế độ, quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, Sở Công Thương và Bảo hiểm Xã hội tỉnh trực tiếp xuống địa phương gặp người lao động tại Bisuco, tư vấn, hướng dẫn thực hiện các chính sách đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Tháng 6/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Bisuco số tiền 1,9 tỷ đồng về hành vi gây ô nhiễm môi trường, đồng thời đình chỉ hoạt động bốn tháng rưỡi đối với Nhà máy đường Bình Định để khắc phục vi phạm.
Ngay sau đó, Bisuco cho công nhân tạm nghỉ việc, chủ doanh nghiệp rời khỏi Việt Nam, nhà máy rơi vào tình trạng "vô chủ," xuống cấp nghiêm trọng./.
Nguồn bài viết : GEM Điện Tử