Cùng dựng xây gia đình hạnh phúc

2024-12-21 13:21:06
Quảng Nam tổ chức Tọa đàm về “Xây dựng gia đình hạnh phúc”
Ra mắt CLB Gia đình hội viên phụ nữ nói “không” với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và bạo lực gia đình

Ðể xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững cần nhiều yếu tố từ nhận thức, kinh tế gia đình cùng sự yêu thương, sẻ chia, vun đắp giữa các thành viên… Vì vậy Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Mường Ảng gắn việc xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững với Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Mỗi tiêu chí đều có những hoạt động khác nhau, được triển khai sâu rộng. Từ đó giúp định hướng rõ những việc làm cụ thể, để phụ nữ phấn đấu phát huy vai trò, trách nhiệm của mình.

Ðặc biệt quan tâm đến tiêu chí không đói nghèo, bà Nguyễn Thúy Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Hàng năm, cán bộ hội được phân công rà soát danh sách hộ nghèo, tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận các chương trình sinh kế, hỗ trợ về nhà ở, nước sạch, giáo dục... Ðồng thời, giao chỉ tiêu cho các cơ sở hội giúp đỡ hộ nghèo có địa chỉ; đề xuất, tạo cơ hội gắn kết hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ trong các chương trình, dự án sinh kế với nhiều kế hoạch hoạt động; vận động phụ nữ tích cực tham gia các tổ chức kinh tế tập thể, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn như thành lập 3 tổ liên kết (trồng rau an toàn, nuôi giun quế), 50 nhóm “Tài chính tự quản cộng đồng”...

Ngoài ra trong 5 năm thực hiện dự án, hội phụ nữ các cấp đã phối hợp, nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội và một số tổ chức tài chính vi mô hỗ trợ phụ nữ tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn. Hiện đã có hơn 5.000 lượt hội viên được vay vốn, dư nợ gần 80 tỷ đồng. Qua cuộc vận động, đến nay toàn huyện đã có 5.167/10.952 hộ đạt tiêu chí “gia đình 5 không, 3 sạch”, góp phần vun đắp những gia đình đầm ấm, văn minh.

Gia đình với người mẹ, người vợ và những đứa trẻ luôn là chốn về bình yên. Trong ảnh: Gian bếp truyền thống của người dân tộc Thái Ðiện Biên. Ảnh: Anh Tuấn (Hội VHNT Điện Biên)

Với đặc thù là tỉnh vùng cao, không chỉ điều kiện kinh tế mà nhận thức, hiểu biết của người dân trên địa bàn cũng còn hạn chế. Nhiều phụ nữ sống cam chịu, nhiều tổ ấm không hạnh phúc bởi các thành viên chưa hiểu đúng, đủ về trách nhiệm, quyền lợi của mình và sự bình đẳng trong gia đình. Vì vậy mô hình/câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững” được ra đời ở các thôn, bản, tổ dân phố.

Chị Cà Thị Duyên, Chủ nhiệm câu lạc bộ tại bản Giản - Co Ké, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) là một trong những người tiêu biểu được Hội LHPN tỉnh khen thưởng nhờ những đóng góp cho công tác này. Trước đây, việc chồng chửi mắng vợ, thậm chí đánh đập vợ trong bản diễn ra khá phổ biến. Nhiều chị em coi đó là điều bình thường, nghĩ rằng gia đình có lúc hòa thuận, lúc không, nên những tổn thương tinh thần, thể chất ngày càng lớn, khiến không ít mái ấm dần nguội lạnh.

Tháng 9/2018, Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững bản Giản - Co Ké được thành lập; vận động được 25 hội viên tham gia. Chị Duyên đã áp dụng kiến thức tích lũy và tham khảo từ các cấp hội để xây dựng chương trình sinh hoạt định kỳ hàng quý, tuyên truyền theo từng chủ đề cho chị em cùng trao đổi kinh nghiệm chăm sóc con cái, làm kinh tế, vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Ðặc biệt chị dành nhiều thời gian cho nội dung nhận dạng và phòng chống bạo lực gia đình, bao gồm cả bạo lực tinh thần, bạo lực thân thể, bạo lực kinh tế, bạo lực tình dục. Chủ đề nhạy cảm, riêng tư nên ban đầu chị em ngại đề cập, nhưng sau nhiều buổi gặp mặt, đa số thành viên đã thoải mái tâm sự vấn đề của gia đình mình và xin tư vấn của Câu lạc bộ.

Chị Duyên cho biết: “Chủ yếu chúng tôi chia sẻ cho chị em biết cách nắm bắt tâm lý chồng mình để trò chuyện, san sẻ, hòa giải, giữ hạnh phúc gia đình. Ðồng thời cũng tuyên truyền để chị em hiểu quyền cơ bản của mình, biết cách phản kháng, tự bảo vệ bản thân và con cái nếu gặp phải bạo lực. Có chị trước đây thường xuyên bị chồng đánh chửi, không cho mặc đẹp, không cho đi chơi, chỉ biết cam chịu, gia đình gần như đổ vỡ. Sau khi tham gia câu lạc bộ, chị vừa nhẹ nhàng tâm sự vừa thẳng thắn nói chuyện với chồng, yêu cầu sự tôn trọng của chồng. Dần dần anh chồng biết chia sẻ công việc, các vấn đề với vợ, gia đình hòa thuận, vun vén cuộc sống khấm khá hơn”.

Không chỉ tại bản Giản - Co Ké mà sau 5 năm thực hiện Dự án Hỗ trợ Xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững, toàn tỉnh có 240 mô hình câu lạc bộ với trên 6.000 thành viên. Nội dung sinh hoạt xoay quanh đời sống gia đình, chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế; chăm lo, nuôi dạy con cái; chia sẻ niềm vui, khó khăn trong cuộc sống để mọi người có hướng giải quyết, giúp đỡ kịp thời.

Cùng với mô hình này, việc xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững được các cấp hội phụ nữ toàn tỉnh tích cực tuyên truyền, tập huấn, triển khai lồng ghép có hiệu quả trong các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, các nhiệm vụ của hội và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương...

Ngoài việc trang bị kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, Hội LHPN các cấp đã có nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Từ đó khơi dậy tinh thần trách nhiệm của từng hội viên, phụ nữ và gia đình chủ động, tự lực phát triển kinh tế, khắc phục tình trạng trông chờ, phụ thuộc, nâng cao vị thế và sự tiến bộ, bình đẳng của phụ nữ trong gia đình, xã hội.

Người thân trong gia đình gây ra hơn 70% vụ bạo hành trẻ em
Việt Nam tăng hai bậc trong bảng xếp hạng những quốc gia hạnh phúc trên thế giới
Top