Bánh trứng kiến đặc sản của người Tày vùng Đông Bắc

2024-12-21 13:21:27
Dẻo, thơm bánh lá răng bừa “tiến vua”
10 đặc sản Việt Nam được đề xuất kỷ lục châu Á
Bánh trứng kiến đặc sản vùng Đông Bắc. Ảnh: Minh Thục

Khi nghe tên chiếc bánh này, chắc chắn sẽ khiến nhiều người cảm thấy tò mò. Bánh trứng kiến là một trong những món bánh độc đáo của người Tày vùng núi Đông Bắc nước ta, mạn Bắc Kạn, Cao Bằng.

Người Tày gọi bánh trứng kiến là Pẻng Lăng Lay, với nguyên liệu chính để làm bánh trứng kiến chính là trứng non của kiến làm nhân bánh, bột nếp nương và lá non của cây vả bọc bên ngoài. Loại bánh này thường chỉ được làm vào khoảng thời gian nhất định cuối tháng 4 và tháng 5 hằng năm bởi đây là thời gian sinh trưởng mạnh nhất của loài kiến đen rừng.

Có rất nhiều loại trứng kiến nhưng không phải trứng kiến nào cũng ăn được. Chỉ có trứng của kiến đen, loại kiến có thân nhỏ, đuôi nhọn là lành nhất, mới có thể dùng để nấu những món ăn ngon miệng. Loài kiến này thường làm tổ, đẻ trứng trên những cành cây không cao lắm như ở cây vả, cây sung, cây xoan, quế, găng, tre, nứa... Trứng kiến thường to bằng hạt gạo, có màu trắng sữa, thân mẩy và tròn.

Không phải trứng loài kiến nào cũng được lựa chọn. Người ta chỉ tìm loại kiến đen, to làm tổ trên các cành cây, vách núi cao, tránh các loại kiến sống dưới đất bởi chúng không sạch sẽ. Ảnh: Kiến Thức

Công đoạn làm bánh khó nhất ở phần làm nhân bánh. Nhân bánh được người dân sáng tạo bằng cách sử dụng trứng (ấu trùng) trong những tổ kiến đen. Trứng kiến được rang qua lửa với là hành hoặc lá hẹ thái nhỏ, muốn nhân ngon hơn người ta còn cho thêm một ít thịt lợn băm nhỏ. Khi rang trứng phải hết sức khéo léo, chỉnh độ lửa vừa phải để trứng không bị vỡ, nát, chảy sữa.

Phần bánh được làm từ gạo nếp cái hoặc nếp nương, hạt to và dẻo, đãi sạch rồi ngâm với nước lạnh qua đêm, sau đó để ráo nước, xay bằng cối đá cho thật nhuyễn và nhào nặn với nước. Bột sau khi được nhào nặn dẻo và mịn sẽ được cán mỏng cỡ nửa phân, to hình vuông cỡ bằng bàn tay, rồi ốp miếng bột nếp đó vào một chiếc lá vả, rắc nhân lên mặt bột bánh, cuối cùng là ốp miếng lá vả tiếp theo lên bề mặt nhân bánh đó.

Nguyên liệu chính để làm bánh trứng kiến chính là trứng non của kiến. Ảnh: Tinker

Đặc biệt, phần lá để gói bánh trứng kiến không phải là lá chuối, lá dong như nhiều loại bánh khác, mà dùng lá vả non để gói, gói lá sao cho phần bánh và nhân được bọc trọn vẹn không bị hở ra bên ngoài. Lá vả được chọn để bọc bánh nên lấy lá non, khi ăn sẽ ăn luôn lá vả đó, cảm giác man mát, có lợi trong việc thanh nhiệt cho con người. Bánh được hấp cách thủy khoảng 44 đến 45 phút là chín.

Bánh khi chín có màu ngả vàng, chỉ cần lột lớp lá già bên ngoài, giữ lớp lá non bên trong, cắn một miếng có đủ lá vả, vỏ và nhân bánh. Bánh ngon nhất khi ăn nóng, mùi thơm của lá vả và nếp nương nghi ngút, vị bùi của lá, mềm dẻo của nếp nương, béo ngọt của trứng kiến và gia vị đậm đà hòa quyện vào nhau, không có mùi hăng của kiến như nhiều người tưởng tượng.

Bánh được gói bằng lá vả. Ảnh: Hà Khánh

Nhưng với những người mới lần đầu thưởng thức món bánh trứng kiến cũng cần phải thử trước vài miếng nhỏ để xem mình có dị ứng với trứng kiến không. Trứng kiến không độc tuy nhiên cũng có người vì nhạy cảm nên có phản ứng phụ khi ăn món bánh này giống như người bị dị ứng khi dùng hải sản, rượu ong… còn với những người không bị dị ứng thì có thể thưởng thức thỏa mái.

Sau khi bánh chín, để cho đẹp mắt người ta sẽ cắt bánh thành những miếng vuông vức bày ra trên đĩa. Miếng bánh chứa đựng tình cảm của người làm ra nó, cũng là nét ẩm thực rất riêng của đồng bào dân tộc.

Đắm chìm trước vẻ đẹp hút hồn của biển đảo Cô Tô
Bánh giầy giã tay - đặc sản vùng đất Tổ
Top