Xu hướng mới cho người cao tuổi ở đô thị

2025-01-17 20:38:19

Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Thiên Đức (Ảnh: Thanh Phương)

Xin ông cho biết, lí do các gia đình đưa người cao tuổi vào sống tại Trung tâm?

Có rất nhiều lí do các cụ vào sống tại Trung tâm của chúng tôi. Đó là những cụ già yếu, bệnh tật nhưng không có người chăm sóc chuyên nghiệp tại nhà. Đó là những cụ có con cái bận công việc, không thể chăm sóc toàn diện từ giấc ngủ tới bữa ăn. Họ có nhu cầu gửi bố mẹ đến một nơi tốt hơn ở nhà, có các y bác sĩ quan tâm chăm sóc, các cụ được ăn uống đúng giờ, đảm bảo chế độ dinh dưỡng.

Là người đầu tiên đi tiên phong trong lĩnh vực này, ông nhận thấy xu hướng đưa người cao tuổi vào sống trong các trung tâm dưỡng lão hiện nay như thế nào?

Từ năm 2001 tôi đã bỏ việc tại bệnh viện Thanh Nhàn để tìm tòi, xây dựng mô hình nhà dưỡng lão dịch vụ đầu tiên tại Hà Nội. Đến nay tôi được biết trên địa bàn Hà Nội có 12 nhà dưỡng lão tư nhân để đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Cụ thể, đối với Thiên Đức, số lượng các cụ vào đây sống tăng đáng kể, từ 5 cụ (năm 2001) đến nay đã có 250 cụ ở trung tâm. Trong số đó có khoảng 95% các cụ sống tại đô thị. Các cụ được chăm sóc tại Thiên Đức gồm cả người khỏe mạnh và minh mẫn (10%); người yếu (60%); rất yếu (10%) và mất trí nhớ (20%). Có những gia đình cả cụ ông, cụ bà đều sống ở đây. Có những gia đình cụ bà đã từng sống và mất, sau này đến cụ ông cũng vào đây ở.

Hoạt động vui chơi của các cụ cao tuổi. (Ảnh: Thanh Phương)

Nhiều người quan niệm, đưa cha mẹ vào sống trong nhà dưỡng lão là những người con bất hiếu. Là người làm nghề lâu năm, ông nghĩ sao về điều này?

Tôi đã từng nghe về điều này rất nhiều lần. Thật ra ở nước ngoài, xu hướng các cụ vào sống tại Nhà dưỡng lão là xu hướng tiến bộ và phù hợp với sự phát triển về kinh tế. Nhưng ở Việt Nam mình điều này còn tương đối mới. Chúng ta đã có các trung tâm chăm sóc người cao tuổi, người có công, người lang thang không nơi nương tựa... nhưng đó là các trung tâm của nhà nước.

Còn Nhà dưỡng lão tư nhân, người dân tự bỏ tiền ra để đưa bố mẹ vào ở là mô hình mới mẻ tại Việt Nam. Từ các cụ cho đến con cháu đều khá băn khoăn, lo lắng. Các con sợ xã hội dị nghị. Các cụ lại có những suy tư không biết vào đây sống như thế nào, có phù hợp không...

Thế nhưng trải qua hơn chục năm, quan niệm này dần dần được thay đổi. Nhiều bậc con, cháu đi tìm hiểu, nghiên cứu mô hình này và quyết định đưa ông bà, bố mẹ vào đây sống để có được cuộc sống tốt nhất.

Nhiều người đã thay đổi quan niệm. Họ nhận thấy nếu để cha mẹ cô quạnh trong bốn bức tường suốt cả ngày, không thể chăm sóc được đến nơi đến chốn, khiến các cụ cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, bên cạnh những người ruột thịt của mình... như thế còn bất hiếu hơn.

Tôi thấy rằng, thực ra sống ở Nhà dưỡng lão các cụ được hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn. Các cụ được chăm sóc, theo dõi sức khỏe, có cơ hội bầu bạn với những người cùng hoàn cảnh; được tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa văn nghệ... Nhiều cụ vào đây sống sức khỏe tốt hơn, vui vẻ hơn rất nhiều. Đặc biệt, quan niệm của con cháu, của bản thân các cụ đã thay đổi. Đơn cử như việc nhiều cụ không còn nghĩ tết đến phải về sống cùng con cháu, sum họp gia đình. Nhiều cụ đã ở lại Trung tâm ăn tết, còn con cái vẫn đến thăm các cụ thường xuyên.

Ngoài việc chăm sóc về sức khỏe, các cụ còn được chăm sóc về tinh thần (Ảnh: Thanh Phương)

Nhiều người cao tuổi chia sẻ rất muốn vào sống tại nhà dưỡng lão nhưng kinh phí cao, các cụ không có điều kiện về kinh tế. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Thật ra đây cũng là băn khoăn, trăn trở của chúng tôi. Đã có nhiều trường hợp các cụ và con cái đến chỗ chúng tôi tìm hiểu nhưng cơ sở không còn chỗ để các cụ ở. Cũng có nhiều trường hợp các cụ muốn vào sống tại đây nhưng mức phí cao hơn khả năng chi trả. Hiện nay, đối với cơ sở ở Đông Ngạc, Từ Liêm chúng tôi chỉ đáp ứng được 135 cụ (với mức giá 5,5 – 13 triệu đồng/cụ/tùy trường hợp).

Tôi rất mong muốn được đón thêm, chăm sóc nhiều cụ hơn nữa nhưng điều kiện hiện tại chưa cho phép. Mức giá các cụ phải trả khi vào sống ở trong các nhà dưỡng lão tương đối cao vì khi thực hiện mô hình này, chúng tôi chưa nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền. Tiền thuê đất, đầu tư, thuế dịch vụ gia tăng, điện, nước... chúng tôi đều phải chịu mức cao nên sẽ phải tính vào chi phí của các cụ.

Theo tính toán của tôi, nếu các chi phí về thuê đất, thuế giá trị gia tăng... được hỗ trợ thì mức chi phí sẽ giảm đi rất nhiều, có thể chỉ khoảng 2 – 3 triệu đồng/cụ/tháng. Và như vậy, tôi nghĩ rằng sẽ có thêm nhiều người đầu tư vào mô hình này và nhiều cụ được vào sống trong nhà dưỡng lão.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Phương

Nguồn bài viết : Xổ số miền Bắc thứ Hai

Top