‘Bố mẹ bắt em phải làm dâu nhà người lúc 13 tuổi’

2025-01-17 20:38:19
Những đứa trẻ sinh ra còi cọc với tờ giấy khai sinh không được mang họ bố, những ánh mắt vội vã đầy u buồn của những ông bố, bà mẹ nhỏ tuổi bên căn nhà sập sệ là nỗi buồn sắt lòng khi chúng tôi chứng kiến hậu quả, hệ lụy của nạn tảo hôn đang xảy ra ở không ít xã vùng cao của huyện Sa Pa (Lào Cai).

Lời ru buồn

Trở lại câu chuyện ở Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Suối Thầu, hôm nay, Vàng Mẩy Líu, lớp trưởng lớp 9A, cùng một số bạn đưa chúng tôi đến thăm nhà của Vàng Mẩy Lai ở thôn Suối Thầu Dao.

Vốn là nhóm bạn chơi thân với nhau thuở đọc sách i tờ, nhưng đến đầu năm học lớp 8, Vàng Mẩy Lai (sinh năm 2000) đành phải tạm biệt các bạn, gác chuyện học hành để ở nhà sinh con.

Trước sân của ngôi nhà không lấy gì làm khá giả chỉ cách cổng trường học khoảng 50m, Mẩy Lai một tay bế con mới 10 tháng tuổi, một tay nhặt vội những cành củi vừa phơi vào trong bếp để lo bữa cơm chiều.

Nhìn cách nựng con vụng về của em, chúng tôi không khỏi đau lòng. Mới 15 tuổi, Mẩy Lai đã về làm dâu nhà người được 2 năm. Khi ấy, em mới học lớp 7.

Em Chảo Mẩy Mắn bỏ học từ năm lớp 8 sau khi lấy chồng và sinh con.

Thời gian đầu sau khi lấy chồng, em vẫn gắng duy trì việc học, mặc dù có những khi phải nghỉ học vì nhà chồng có việc giỗ, tết. Rồi đến năm lớp 8 thì Mẩy Lai nghỉ hẳn ở nhà sinh con.

Nhìn các bạn ngày ngày đi qua ngõ, ríu rít rủ nhau đi học, Mẩy Lai buồn lắm. Bởi lẽ, em vẫn muốn đến trường cùng thầy cô và các bạn, nhưng chỉ bởi bố mẹ bắt ép lấy chồng, mà việc học đành dang dở.

Đôi mắt buồn rầu nhìn xa xăm, Mẩy Lai tâm sự: Khi có người đến hỏi cưới em, bố mẹ em ưng ngay, còn em thì không. Khóc không được, van nài không được, em bèn trốn đến nhà bạn ở thôn trên, được 3 ngày thì bố mẹ tìm ra, bắt về lấy chồng.

Nhìn đứa bé ngồi trong lòng Mẩy Lai xanh xám, còi cọc, tôi hỏi: - Cháu được mấy cân rồi? - Cháu được gần 7 cân ạ! Tôi và bạn đồng nghiệp cùng quay đi, nén tiếng thở dài.

Những đứa trẻ không được mang họ bố

Một hệ lụy đau lòng khác từ vấn đề tảo hôn là những đứa trẻ được sinh ra nhưng khi đăng ký khai sinh không được mang họ của bố.

Từ các cuộc hôn nhân sớm, những đứa trẻ ra đời, nhưng bố mẹ chúng chưa được đăng ký kết hôn, chưa được pháp luật công nhận quan hệ vợ chồng, nên ngay cả chúng cũng không được thừa nhận là con của người cha có dòng dõi, máu mủ với mình. Và nghiễm nhiên chúng trở thành những đứa con ngoài giá thú!

Không biết gia đình các em nghĩ gì, nhưng đó có thể là một thiệt thòi, tổn thương không hề nhỏ về tinh thần đối với các em.

Cũng vì chuyện lấy nhau là do bố mẹ hai bên ép buộc, tuổi còn trẻ, suy nghĩ chưa chín chắn, nên không ít cặp vợ chồng “trẻ con” sau khi về ở với nhau một thời gian đã sớm chia tay. Hậu quả là những đứa trẻ sinh ra không được chăm sóc chu đáo và từ nhỏ đã bị vết thương trong tâm hồn…

Theo thống kê của UBND xã Suối Thầu, năm 2014, xã có 58 trường hợp trẻ em đăng ký khai sinh, thì 11 trường hợp khai sinh mang họ mẹ, do bố mẹ chưa đủ tuổi kết hôn.

Ngoài ra, từ những năm trước đó, cũng còn không ít trẻ em là kết quả của những cuộc tảo hôn nay đã lớn, học mầm non, tiểu học, THCS.

Theo quy định, sau khi các cặp vợ chồng đi đăng ký kết hôn (khi đủ tuổi), thì con của họ sẽ được phép cải chính họ theo họ của bố đẻ. Tuy nhiên, ông Giàng A Trình, Chủ tịch UBND xã Suối Thầu xác nhận rằng, những năm qua xã vẫn chưa làm thủ tục cải chính họ cho đối tượng nào. Mà cũng không thấy ai đến yêu cầu cải chính họ cho con.

Trạm Y tế xã Suối Thầu với khuôn viên khá chật, nằm bên bờ suối. Hôm nay là ngày tiêm phòng vắcxin định kì cho trẻ, khoảng sân chờ và khu phòng tiêm chật kín người, tiếng trẻ em quấy khóc khiến không gian ồn ào.

Lướt qua một vòng, bằng mắt thường cũng có thể dễ dàng nhận thấy, phần lớn những đứa trẻ đều rơi vào ngưỡng suy dinh dưỡng thể nhẹ cân hoặc thể thấp còi.

Anh Lù Đức Thắng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho biết: “Khoa học đã chứng minh, phụ nữ chưa đến tuổi sinh đẻ, cơ thể chưa phát triển đầy đủ và điều kiện sức khỏe không đảm bảo để nuôi dưỡng thai nhi một cách tốt nhất.

Điều này dẫn đến rất nhiều trường hợp thai nhi phát triển không bình thường, người mẹ có thể bị trụy thai, hoặc trẻ bị tử vong ngay sau khi sinh ra; ảnh hưởng rất lớn đến trí não, chất lượng giống nòi và sự phát triển của đứa trẻ.

Qua khảo sát, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trong toàn xã chiếm 27%, những năm qua, tỷ lệ này không những không được cải thiện mà còn gia tăng”.


Tuy mới 16 tuổi, nhưng Thào Thị Sá đã có chồng và con nhỏ 2 tháng tuổi.

Khi được hỏi về nguyên nhân của tình trạng trẻ suy dinh dưỡng tại địa phương, anh Thắng cho biết thêm: “Có rất nhiều nguyên nhân, khiến trẻ sinh ra bị suy dinh dưỡng, như kinh tế gia đình khó khăn, phụ nữ khi mang thai, cho con bú và trẻ sơ sinh không được chăm sóc đầy đủ chất dinh dưỡng, do yếu tố di truyền… Nhưng ở Suối Thầu, việc tảo hôn, sinh con sớm là nguyên nhân căn bản dẫn đến hiện trạng này.

Tảo hôn không chỉ làm suy giảm chất lượng giống nòi, mà còn là căn nguyên của đói nghèo. Những ông bố, bà mẹ ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, vốn chỉ quen với chạy nhảy, vui đùa, giờ phải cõng trên lưng hàng núi công việc, từ chăm sóc gia đình, nghĩa vụ đối với hai bên gia đình, rồi lao động nuôi sống gia đình…

Chuyện thật mà như đùa, bởi các cặp vợ chồng trẻ còn thiếu kinh nghiệm sống và phát triển kinh tế, việc sắp đặt mọi việc sao khoa học nhất là không thể, vậy nên, cái đói, cái nghèo càng kéo nặng bước chân.

Ông Thào A Lờ, Chủ tịch UBND xã Tả Giàng Phìn cho hay, năm 2014 xã giảm được 34 hộ nghèo (đạt 70,8% kế hoạch), nhưng lại phát sinh thêm 12 hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đang ở mức 40,4%. Các cặp vợ chồng tảo hôn, hoặc những gia đình có con tảo hôn, hầu hết đều nằm trong diện nghèo của xã...

Điều đó cũng dễ hiểu, vì gia đình nhà chồng với cuộc sống mưu sinh chật vật, nay phải nuôi thêm con dâu đang thời kỳ sinh nở, chăm thêm cháu nhỏ thì càng thêm khó khăn và khi các cặp vợ chồng “trẻ con” ra ở riêng, tài sản hầu như chẳng có gì, thì sao lại không nghèo!

Theo Tuấn Ngọc – Tô Dung (LCĐT)

Nguồn bài viết : Sòng bạc

Top