Đại sứ Ngô Thị Hòa trình Quốc thư lên Nhà vua Hà Lan Willem Alexander tháng 1/2017. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan |
Đại sứ: vinh quang và trách nhiệm
Với gần 30 năm theo nghề ngoại giao, từng trải qua hai nhiệm kỳ công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Philippines và Campuchia, song đây là lần đầu tiên Đại sứ Ngô Thị Hòa giữ cương vị người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, một trọng trách đầy vinh quang nhưng cũng không kém phần thử thách.
Nói về những công việc của một Đại sứ, bà chia sẻ: Một Đại sứ phải gánh trên vai hai nhiệm vụ: đối ngoại và đối nội. Họ là đại diện của Bộ Ngoại giao ở nước ngoài song cũng đồng thời là lãnh đạo của một cơ quan với cán bộ, nhân viên thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, như văn hóa, thương mại, quân sự...
Trong môi trường làm việc đặc thù như vậy, nhiệm vụ của Đại sứ là đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các cán bộ và với Đại sứ để hoàn thành tốt những công việc chung.
Đại sứ Ngô Thị Hòa cùng các Đại sứ ASEAN tại Hà Lan gặp làm việc với Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Người sử dụng lao động Hà Lan. Ảnh: Hồng Hạnh |
Để làm được điều này, Đại sứ cần nắm bắt được những tố chất, khả năng của mỗi cán bộ để phân công công việc phù hợp, khéo léo, đảm bảo các cán bộ phát huy tối đa thế mạnh của mình.
Bên cạnh đó, trong một tập thể không phải tất cả đều thuộc lĩnh vực đối ngoại, thì Đại sứ chính là người phải đảm đương nhiệm vụ “đào tạo”, kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn họ về các quy tắc, cách hành xử phù hợp trong môi trường ngoại giao, Đại sứ Ngô Thị Hòa cho biết.
Sát sao là thế, song nhiệm vụ của một Đại sứ vẫn chưa dừng tại đây, mà còn phải bao gồm cả việc quan tâm, chăm lo tới đời sống riêng của cán bộ và gia đình họ. Cuộc sống ở nơi đất khách “lạ nước lạ cái” dễ nảy sinh nhiều lo toan, từ chuyện học hành của con cái cho đến nhà ở, việc thích nghi với môi trường mới. Khi ấy, Đại sứ lại đóng vai trò là người san sẻ những nỗi niềm rất đời thường ấy, vì “cuộc sống có thuận lợi, cán bộ mới có thể yên tâm làm việc”.
Phái đẹp làm ngoại giao
“Để làm tròn thiên chức của người phụ nữ đã không đơn giản, với phụ nữ làm ngoại giao lại càng khó hơn, do đặc thù nghề nghiệp phải xa nhà thường xuyên, đi công tác nước ngoài dài ngày và nhất là đi luân chuyển trong vài năm,” Đại sứ Ngô Thị Hòa chia sẻ.
Chính bản thân Đại sứ Ngô Thị Hòa cũng từng trải qua những thử thách để cân bằng giữa công việc và gia đình, nhất là ở hai nhiệm kỳ luân chuyển trước khi các con còn rất nhỏ.
Đại sứ Ngô Thị Hòa chia sẻ: Thời kỳ công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Philippines, tôi phải gửi con gái đầu lòng khi đó mới 6 tuổi về nước sống cùng bố để có điều kiện học tập phù hợp. “Bây giờ, cháu đã trưởng thành, mẹ con cũng ở bên nhau, nhưng mỗi khi nhớ lại quãng thời gian ấy, tôi vẫn cảm thấy con mình thực sự phải chịu thiệt thòi khi sống xa mẹ ở tuổi nhỏ”.
Ở nhiệm kỳ luân chuyển sau đó, Đại sứ Ngô Thị Hòa mang theo cô con gái thứ hai ở tuổi mẫu giáo. Tuy nhiên, ở nhiệm kỳ này, người mẹ làm ngoại giao lại gánh trên vai một trọng trách lớn hơn: Công sứ (người thứ hai sau Đại sứ). Công việc ở Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cũng rất nặng nề, nên để thường xuyên được ở bên con cũng không dễ dàng.
“Nhiều chuyến công tác xa, tôi phải gửi con sang hàng xóm (các cán bộ Đại sứ quán – pv). Mỗi lần trở về đón con, các cô chú thường nói với tôi: Cháu rất ngoan, nhưng lúc nào cũng buồn vì nhớ mẹ!” Biết được nỗi lòng con trẻ, bà quyết định thay vì gửi con sẽ đưa con đi cùng mình trong mỗi chuyến công tác.
“Khi đi cùng mẹ trong những chuyến công tác như vậy, cháu cũng phải nghỉ học. Tuy nhiên, rất may là vì khi đó cháu còn ở lớp 1, 2 nên việc theo kịp chương trình học cũng ít khó khăn”, Đại sứ tâm sự.
Gia đình là điểm tựa
Nhiều năm đã trôi qua, với sự chia sẻ, hỗ trợ từ “hậu phương”, đặc biệt là người chồng rất hiểu và thông cảm cho công việc của vợ, giờ đây hai cô con gái của Đại sứ Ngô Thị Hòa đã khôn lớn. Trong nhiệm kỳ tại Hà Lan, bà có thể toàn tâm toàn ý lo cho công việc. “Chính các con còn là trợ thủ của mẹ trong hoạt động đối ngoại của Đại sứ quán như tham gia dạy tiếng Việt cho con em kiều bào, tổ chức các sự kiện ngoại giao,” bà tự hào kể.
Gần 30 năm theo nghề ngoại giao, một hành trình có cả hoa hồng và chông gai, đối với Đại sứ Ngô Thị Hòa, đây là công việc đặc biệt và hết sức cao quý, vì “nhà ngoại giao là sứ giả của Việt Nam trên trường quốc tế.”
Đại sứ Ngô Thị Hòa (áo hoa) tại chương trình kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam của Đại sứ quán năm 2018. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan |
Theo Đại sứ Ngô Thị Hòa, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của các cán bộ ngoại giao đang ngày càng trở nên quan trọng, và vai trò của cán bộ ngoại giao nữ đang ngày càng được khẳng định. Trí tuệ, bản lĩnh và sự tự tin sẽ là chìa khóa thành công cho những nhà ngoại giao nữ của Việt Nam.
“Lợi thế của phụ nữ làm ngoại giao là sự khéo léo, tinh tế, chu đáo. Lợi thế này cần được phát huy không chỉ trong công việc chuyên môn mà còn trong cuộc sống riêng. Đối với nữ cán bộ ngoại giao, việc cân bằng giữa công việc và gia đình là thách thức lớn nhất. Khi đó, chính sự khéo léo, tinh tế của người phụ nữ sẽ giúp họ nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ những thành viên trong gia đình, “hậu phương vững chắc” sát cánh bên họ cùng chăm sóc tổ ấm”, Đại sứ Ngô Thị Hòa khẳng định.