Trẻ em Hà Giang háo hức tìm hiểu Tết cổ truyền
|
Tết cổ truyền đến với những người lính mũ nồi xanh
|
Khi mùa Xuân gõ cửa, niềm cảm xúc rạo rực lại trào dâng trong mỗi người rằng Tết sắp về. Không chỉ người Việt mong Tết, những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam cũng háo hức chờ đón dịp lễ quan trọng nhất trong năm.
Tết Giáp Thìn năm nay, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có dịp cùng các Đại sứ đi sắm Tết và tìm hiểu phong tục đón Tết nguyên đán truyền thống của người Việt. Họ đều đã từng được trải nghiệm Tết tại Việt Nam. Vậy là, giữa sắc hoa rực rỡ, dưới mái nhà Việt cổ hay trong không khí tưng bừng của phố xá ngày Xuân, những cảm xúc về Tết Việt được các nhà ngoại giao hào hứng chia sẻ.
Khi được hỏi kế hoạch đón Tết năm nay, Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil nở nụ cười tươi và hào hứng cho hay ông luôn muốn trải nghiệm Tết nguyên đán tại Hà Nội thay vì đi du lịch nơi khác.
“Tết tại Việt Nam đối với tôi thật đặc biệt, là thời điểm mà tôi yêu thích nhất trong năm. Từ thời điểm cận Tết, không khí lễ hội đã tràn ngập khắp nơi, phố xá tấp nập, có thể thấy mọi người bán đào quất trên đường, mọi người đều đi mua sắm chuẩn bị cho Tết, đèn trang trí lung linh… Cuộc sống thực sự trở nên sôi động,” Đại sứ chia sẻ.
Đại sứ Shawn Steil đã cùng phu nhân ra tận vườn để chọn một cành đào thật đẹp và lang thang phố cổ Hà Nội để mua sắm đồ trang trí cũng như các phong bao lì xì để mừng tuổi trẻ nhỏ theo đúng phong tục Việt Nam.
“Gia đình các cán bộ làm việc tại Đại sứ quán Canada đều có trẻ nhỏ và chúng tôi sẽ cùng đón năm mới. Tôi rất vui khi được mừng tuổi cho các cháu. Người dân Canada cũng có truyền thống đón năm mới. Đó là lúc chúng tôi quây quần bên gia đình, bạn bè, cùng hy vọng về một năm mới tốt đẹp hơn. Nguồn năng lượng tốt lành từ thời khắc đó sẽ là một khởi đầu mới thực sự thú vị,” Đại sứ chia sẻ.
Đại sứ cho rằng Việt Nam và Canada đã có một năm thành công trong quan hệ ngoại giao. Năm 2024, ông Shawn Steil khẳng định hợp tác giữa hai nước sẽ còn phát triển hơn nữa về mặt thương mại và nhiều lĩnh vực khác.
“Tôi mong mọi người dân Việt Nam được vui vẻ, mạnh khỏe, có thời gian nghỉ ngơi trong dịp Tết. Tôi biết rằng người dân Việt Nam luôn làm việc rất chăm chỉ, bằng chứng là nền kinh tế của các bạn đang phát triển rất nhanh. Nhưng tôi mong rằng Tết là dịp mọi người có thể sống chậm lại một chút, để kết nối lại với gia đình, bạn bè và hãy tận hưởng những thành quả mà mình đã làm được trong năm qua. Chúc mừng năm mới tất cả các bạn,” Đại sứ chia sẻ.
Trước Tết ít ngày, Đại sứ Na Uy Hilde Solbakken cùng phu quân và con gái đã có những trải nghiệm tìm hiểu văn hóa và truyền thống đón Tết cổ truyền tại làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội.
Ngay từ khi bước qua cổng làng Mông Phụ, khi thăm chùa Mía, tìm hiểu nghệ thuật sơn mài truyền thống hay học cách làm chè lam…, Đại sứ cùng gia đình đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
“Tôi đã từng có nhiệm kỳ công tác tại Myanmar, đất nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về văn hóa nghệ thuật. Tôi đã từng thấy nhiều tác phẩm sơn mài ở Myanmar, cũng đã thăm nhiều ngôi chùa ở đó, song sơn mài Việt Nam và chùa Mía ở Đường Lâm thật sự rất đặc biệt,” Đại sứ Na Uy hào hứng.
Bà bày tỏ sự trân trọng khi thấy người Việt trân quý giá trị truyền thống, luôn ghi nhớ lịch sử của mình và sẵn sàng chia sẻ tri thức đó với du khách nước ngoài.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Đại sứ Na Uy cho hay bà rất thích Tết. Bà đã cảm nhận được không khí Tết tưng bừng khi tháng Chạp Âm lịch vừa đến, mọi người rục rịch đi chọn cành đào hoặc cây quất để trang trí nhà cửa.
“Điều tôi yêu thích nhất ở Tết Việt đó là sự gắn kết trong gia đình. Tết là dịp mà mọi người đều hướng về gia đình và người thân của mình. Tôi ngưỡng mộ những người phụ nữ Việt Nam vì biết rằng họ đã tất bật đảm nhiệm nhiều việc như dọn dẹp nhà cửa, sắm Tết và nấu những món ăn ngon ngày Tết cho gia đình,” Đại sứ bày tỏ.
Trên cương vị một nhà ngoại giao, bà Hilde Solbakken hào hứng cho hay năm 2024, Việt Nam và Na Uy sẽ tăng cường hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu ô nhiễm nhựa.
Cụ thể, Chính phủ Na Uy sẽ trợ giúp về mặt công nghệ để ngành xi măng Việt Nam nâng cao năng lực xử lý chất thải nhựa không thể tái chế, giảm tiêu thụ than, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz bắt đầu nhiệm kỳ từ tháng 9/2022 và cũng đã được đón Tết cổ truyền Quý Mão. Trải nghiệm đó đã để lại ấn tượng tích cực và sâu sắc đối với ông.
“Dù là người nước ngoài thì cũng không khó để chúng tôi có thể cảm nhận được niềm vui khi các gia đình đoàn tụ, tưởng nhớ tổ tiên, và cầu mong sức khỏe và thịnh vượng trong năm mới. Trong dịp Tết, tôi đã được trải nghiệm rất nhiều món ăn truyền thống, đặc biệt là bánh chưng,” Đại sứ chia sẻ.
Với ông Nicolai Prytz, Tết Giáp Thìn là cơ hội để ông tìm hiểu sâu hơn về phong tục tập quán và đời sống văn hóa của người dân Việt Nam.
Đại sứ kỳ vọng Xuân mới năm nay sẽ mở ra một chặng đường mới trong hợp tác giữa hai nước. Nhà ngoại giao đang có rất nhiều kế hoạch trong nhiệm kỳ của mình, đặc biệt là các hoạt động thúc đẩy chương trình Đối tác Chiến lược Xanh (GSP) giữa Đan Mạch và Việt Nam.
“Ở cấp độ chính trị, chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm các chuyến thăm cấp cao giữa Đan Mạch và Việt Nam, giúp tăng cường đối thoại chính sách giữa hai nước về các vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu. Hai nước đã có nền tảng vững chắc qua nhiều năm hợp tác hiệu quả trong năm lĩnh vực chiến lược: Năng lượng, thực phẩm và nông nghiệp, y tế, giáo dục, và thống kê. Hợp tác trong những lĩnh vực này rõ ràng sẽ tiếp tục và được tăng cường hơn nữa nhờ Đối tác Chiến lược Xanh,” Đại sứ cho biết.
Việt Nam là quốc gia thứ năm mà Đan Mạch thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh, cùng với Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Nam Phi. Trong khuôn khổ GSP, Đan Mạch sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt cả hai mục tiêu là trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
“Khi nói tới Chuyển đổi Xanh, chúng ta có thể có xuất phát điểm khác nhau và đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau, nhưng điều đó không làm thay đổi thực tế là cả Đan Mạch và Việt Nam đều hướng tới mục tiêu chung là một thế giới xanh, công bằng và bền vững,” Đại sứ khẳng định.
“Giữ lửa” Tết cổ truyền Việt Nam trong các gia đình tại Australia
Bằng nhiều cách khác nhau, những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam trong ngày Tết vẫn được những người Việt Nam đang sống tại Australia gìn giữ và phát huy giá trị.
|
Khách quốc tế trải nghiệm Tết cổ truyền Việt Nam ở làng cổ Đường Lâm
Ngày 20/1, 157 khách quốc tế đến từ các đại sứ quán, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế và khách các nước hiện đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội cùng đông đảo doanh nghiệp lữ hành Thủ đô, đã trải nghiệm “Tết làng Việt” 2024 tại làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
|