Với hơn 700 camera rải khắp các khu vực giao thông trọng yếu của Thành phố Hồ Chí Minh, các nhân viên dễ dàng quản lý, điều hành giao thông đô thị ở trong “phòng máy lạnh.”
Điều này có được nhờ hệ thống quản lý giao thông thông minh của Trung tâm Giám sát và điều khiển giao thông đặt tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn thuộc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ đầu năm 2019, Trung tâm Giám sát và điều khiển giao thông được chính thức đưa vào hoạt động và trở thành trung tâm điều khiển giao thông thông minh đầu tiên của cả nước.
Hiện Trung tâm có hệ thống màn hình tường hiển thị độ nét cao, hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại gồm hệ thống mạng, hệ thống phân tải, hệ thống tường lửa, máy chủ xử lý, máy chủ cơ sở dữ liệu, máy chủ dự phòng…
Hệ thống này triển khai theo mô hình trung tâm tích hợp dữ liệu, thực hiện các chức năng giám sát giao thông, điều khiển giao thông, cung cấp thông tin giao thông, hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Theo ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, chức năng giám sát giao thông được thực hiện với 762 camera giám sát giao thông ở nút giao thông trọng điểm, các vị trí thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông… kết nối về Trung tâm.
Nhân viên vận hành sẽ ghi nhận tình hình giao thông tại các địa điểm để thông báo cho các lực lượng Cảnh sát giao thông, các đơn vị quản lý hạ tầng về tình hình giao thông, kịp thời xử lý các tình huống gây ùn tắc giao thông cũng như thông tin các sự cố tai nạn giao thông trên địa bàn.
[Từ 1/5, “phạt nguội” qua camera trên cao tốc Nội Bài-Lào Cai]
Nhờ việc giám sát và thông tin kịp thời này, nhiều vụ tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông được phát hiện và xử lý bởi cơ quan chức năng, giúp các vụ ùn tắc được giải tỏa nhanh chóng.
Các thông tin này hiện cũng được chia sẻ với Công an Thành phố, kênh VOV Giao thông, Trung tâm Điều hành đô thị thông minh Thành phố, Cảng vụ hàng không miền Nam, các quận huyện…
Theo ông Nguyễn Văn Trung, Đội trưởng Đội vận hành điều khiển giao thông (Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn), mỗi ca trực tại Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông có 9 thành viên (có 3 ca).
Cùng với các nhân viên này, cán bộ cảnh sát giao thông cũng túc trực và quan sát màn hình camera từ đường hầm sông Sài Gòn chuyển về để phân tích và xử lý các trường hợp vi phạm khi lưu thông qua hầm như lỗi tốc độ, sai làn được, không bật đèn...
Các vi phạm sẽ bị xử lý bởi lực lượng cảnh sát giao thông túc trực ở hai đầu hầm hoặc xử phạt nguội.
Bên cạnh hệ thống camera giám sát giao thông, hệ thống đo đếm lưu lượng cũng đã được đầu tư lắp đặt với 136 camera đo đếm lưu lượng chuyên dụng, giúp tính toán tốc độ lưu thông trung bình, mật độ dòng phương tiện, từ đó hệ thống sẽ tự động đưa ra những cảnh báo cho nhân viên vận hành.
Ngoài ra, Trung tâm đang tiếp nhận dữ liệu giám sát hành trình khoảng 37.000 phương tiện kinh doanh vận tải trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ hệ thống máy chủ của Tổng cục đường bộ Việt Nam.
Trên cơ sở dữ liệu này, Trung tâm đã xây dựng những giải pháp tính toán tốc độ lưu thông các tuyến đường.
Trong khi đó, việc điều khiển giao thông cũng được vận hành dễ dàng tại Trung tâm thông qua hệ thống giám sát giao thông, theo kịch bản được xây dựng sẵn.
Theo ông Đoàn Văn Tấn, các thông tin về tình hình giao thông trên địa bàn sẽ được so sánh đồng thời với lớp dữ liệu tình trạng giao thông được tính toán từ dữ liệu giám sát hành trình.
Từ đó, nhân viên vận hành thực hiện điều khiển các kịch bản đèn tín hiệu giao thông phù hợp tại 188 nút giao thông quan trọng trên 78 tuyến đường và 28 nút giao thông trên tuyến Võ Văn Kiệt-Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống…
Với định hướng xây dựng một trung tâm dữ liệu ngành giao thông tập trung, Trung tâm Giám sát và điều khiển giao thông bước đầu đáp ứng được phần nào nhu cầu về kết nối, lưu trữ và chia sẻ thông tin cho người tham gia giao thông và các cơ quan đơn vị phối hợp.
Trung tâm sẽ liên tục cung cấp thông tin về những điểm đông xe, hoặc ùn tắc trên 67 bảng thông tin giao thông điện tử tại một số khu vực giao thông trọng điểm, cửa ngõ ra vào thành phố... giúp người dân lựa chọn hướng lưu thông phù hợp.
Ngoài ra, Trung tâm Giám sát và điều khiển giao thông đang thực hiện kiểm soát tốc độ phương tiện tự động 9 vị trí trên các tuyến đường: đường hầm sông Sài Gòn, cầu Phú Mỹ, cầu vượt Cát Lái, Quốc Lộ 1, Xa lộ Hà Nội, đường Nguyễn Văn Linh; kiểm soát tải trọng tại 6 trạm kiểm soát tải trọng (4 trạm tự động).
Toàn bộ dữ liệu được chia sẻ với Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an Thành phố, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tra cứu trực tuyến và xử lý các phương tiện vi phạm.
Hiện nay, Trung tâm cũng đã kết nối, chia sẻ dữ liệu hình ảnh camera quan sát giao thông về Trung tâm Điều hành đô thị thông minh Thành phố; triển khai số hóa dữ liệu hạ tầng giao thông, cùng công cụ thu thập, phân tích, lưu trữ và cung cấp thông tin theo thời gian thực, tích hợp vào hệ thống bản đồ số.
Theo ông Đoàn Văn Tấn, nhằm tối ưu hóa các chiến lược quản lý, phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, Trung tâm đã hoàn thành mô hình Visum (mô hình mô phỏng giao thông) dựa trên cơ sở thu thập dữ liệu về phát sinh và thu hút chuyến đi, góp phần định hướng xây dựng các chính sách và kế hoạch quản lý giao thông đô thị.
Mô hình này giúp dự báo tình hình giao thông toàn thành phố phục vụ quy hoạch, đánh giá tác động các dự án ngành giao thông trước khi triển khai thực hiện; phát triển công cụ hỗ trợ trong việc lưu trữ, cập nhật cơ sở dữ liệu, tính toán, phân tích và dự báo tình trạng giao thông hiện tại và tại các thời điểm trong tương lai.
Mô hình cũng xác định các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông trong phạm vi dự án phục vụ công tác xây dựng các chiến lược điều khiển giao thông hiệu quả và tối ưu.
Ở giai đoạn 2, Trung tâm Giám sát và điều khiển giao thông tiếp tục được nâng cấp, mở rộng. Hệ thống giao thông thông minh có thể ghi nhận và xử lý hơn 2.000 tình huống giao thông cùng lúc.
Trung tâm sẽ quản lý trực tiếp toàn bộ hệ thống điều khiển giao thông và cung cấp thông tin dữ liệu, phục vụ cho việc xử lý các vi phạm; giám sát, đảm bảo an ninh trật tự đô thị; xử lý các sự cố khẩn cấp; phòng chống cháy nổ, ngập lụt; quản lý bến bãi.
Theo ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Sở cũng đang làm việc với Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) để đề nghị phối hợp thực hiện Dự án hỗ trợ kỹ thuật về xây dựng quy hoạch Trung tâm điều hành giao thông thông minh Thành phố từ nguồn vốn hỗ trợ của USTDA.
Thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải sẽ tối ưu hóa mạng lưới đèn của 188 chốt đèn tín hiệu giao thông khu vực trung tâm thành phố; tăng cường sử dụng mô hình mô phỏng giao thông trong việc dự báo nhu cầu giao thông; tăng cường xử phạt “nguội” các hành vi vi phạm an toàn giao thông qua các thiết bị chuyên dụng.
Với những định hướng này, việc quản lý giao thông sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn trong mô hình đô thị thông minh của Thành phố./.
Nguồn bài viết : baccarat trực tuyến