Tết Dương lịch 2020, người lao động hưởng lương, thưởng ra sao? |
Nhật Bản tiếp nhận trên 70.000 lao động Việt Nam trong 11 tháng |
Hàng trăm lao động Việt Nam tại Hàn Quốc được tư vấn về nước đúng thời hạn |
Bộ Tư pháp Hàn Quốc vừa thông báo chính sách mới áp dụng đối với người lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Theo đó, những đối tượng này sẽ được hưởng nhiều ưu đãi nếu chủ động khai báo, tự nguyện về nước.
Nội dung chính sách
• Đối với người nước ngoài cư trú bất hợp pháp:
- Cho phép người nước ngoài đang cư trú bất hợp pháp được tái nhập cảnh nếu tự nguyện về nước trong thời gian từ 11.12.2019 đến 30.6.2020. Đây là điểm khác biệt và mang tính khuyến khích người cư trú bất hợp pháp về nước vì trước đây đối tượng này nếu về nước sẽ bị cấm nhập cảnh Hàn Quốc. Với quy định này, người nước ngoài đã cư trú bất hợp pháp và xuất cảnh trong thời gian nêu trên có thể tái nhập cảnh Hàn Quốc với thị thực thăm ngắn ngày sau từ 3- 6 tháng kể từ ngày xuất cảnh.
- Miễn tiền phạt cho người nước ngoài đang cư trú bất hợp pháp khi tự nguyện về nước hoặc bị bắt và trục xuất trong thời gian từ 11/12/2019 đến 30/6/2020. Sau thời gian này, nếu người nước ngoài cư trú bất hợp pháp về nước hoặc bị trục xuất sẽ phải nộp tiền phạt.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lao động quen thuộc của Việt Nam (Ảnh minh hoạ) |
• Đối với doanh nghiệp và người lao động visa E-9 đã hết hạn hợp đồng:
- Miễn tiền phạt và miễn hạn chế tuyển dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành sản xuất chế tạo đang tuyển dụng lao động bất hợp pháp nếu khai báo trong thời gian từ 11.12.2019 đến 31.3.2020;
- Miễn tiền phạt cho người lao động bất hợp pháp (E-9) nếu khai báo trong thời gian từ 11/12/2019 đến 31/3/2020; được ở lại thêm tối thiểu 3 tháng. Nếu về nước trong thời gian ở thêm sẽ được hưởng các chính sách ân xá như đối với người tự nguyện về nước trong thời gian từ 11/12/2019 đến 30/6/2020 (được cấp visa C-3 1 lần để tái nhập cảnh, được đăng ký dự thi tiếng Hàn EPS, được xem xét cấp visa loại khác nếu đủ điều kiện như lao động thời vụ, học tiếng, đầu tư v.v…)
• Đối với chủ sử dụng và người lao động visa E-9 còn thời gian cư trú nhưng đã chuyển xưởng và không thực hiện các thủ tục chuyển:
- Nếu chủ sử dụng tự nguyện khai báo trong thời gian từ 11.12.2019 đến 31.3.2020, chủ sử dụng chỉ phải nộp 30% tiền phạt và không bị hạn chế tuyển dụng lao động nước ngoài E-9;
- Người lao động E-9 tự nguyện khai báo chỉ phải nộp 30% tiền phạt, được tiếp tục làm việc tại công ty mà mình đang làm việc. Nếu có nguyện vọng có thể đăng ký tìm việc khác với Bộ lao động – Việc làm.
• Đối với chủ sử dụng và lao động thời vụ:
- Miễn tiền phạt đối với chủ sử dụng thuê lao động bất hợp pháp trong lĩnh vực lao động thời vụ nông nghiệp, ngư nghiệp khai báo trong thời gian thi hành chính sách;
- Miễn tiền phạt cho người lao động thời vụ bất hợp pháp. Nếu người lao động thời vụ khai báo trong thời gian từ 11.12.2019 đến 15.1.2020 sẽ nhận giấy phép tuyển dụng của địa phương và nếu tự nguyện về nước sẽ tạo được cơ hội quay trở lại làm việc theo diện lao động thời vụ hợp pháp.
Chính sách mới mở ra nhiều cơ hội cho người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc (Ảnh minh hoạ) |
• Các trường hợp nhân đạo:
Chính sách cho phép một số trường hợp đặc biệt như người nước ngoài cư trú bất hợp pháp đang điều trị bệnh, mang thai, sinh con v.v…được ở lại thêm một thời gian tối đa không quá một năm.
Chính sách lần này có nhiều điểm mới, việc tạo điều kiện cho người nước ngoài đã cư trú bất hợp pháp có khả năng trở lại Hàn Quốc được cho là động lực để người cư trú bất hợp pháp quyết định trở về nước rồi quay lại Hàn Quốc với tư cách lưu trú hợp pháp. Phía Hàn Quốc cũng triển khai các biện pháp để đẩy mạnh thông tin này đến với các chủ sử dụng và người lao động; sau khoảng thời gian nêu trên, Hàn Quốc sẽ tiến hành các chiến dịch truy quét trên quy mô lớn đối với người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại đây.
Trước đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) đã công bố danh sách 40 quận/huyện tạm ngừng tiếp nhận người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS vào năm 2019, thuộc các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hoá, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh.
Theo Bộ LĐ-TBXH, các quận/huyện này là những địa phương có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên, cao nhất trong số 100 quận/huyện thuộc diện xem xét.
Bên cạnh đó, còn có 100 quận/huyện bị xem xét ngừng tuyển chọn lao động là những nơi có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước trên 30%, gồm 40 quận/huyện trên và các quận/huyện thuộc Lai Châu, Hà Tĩnh, Hà Nội, Quảng Bình, Bắc Giang, Hưng Yên.
Thủ tục tự nguyện về nước Bước 1: Khai báo trên website http://www.colab.gov.vn tại mục "Đăng ký khai báo thông tin của người lao động làm việc tại Hàn Quốc". Bước 2: Khai báo tự nguyện về nước và làm các thủ tục xuất cảnh tại Văn phòng xuất nhập cảnh ở sân bay. Liên hệ sân bay Incheon: +82-32-7407391/2; sân bay Gimhae: +82-51-979-1300. Trường hợp người lao động bị thất lạc hộ chiếu hoặc hộ chiếu đã hết hạn, liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc để xin cấp hộ chiếu/giấy thông hành theo địa chỉ: No 28-58, Samcheong-dong, Jongno-ku, Seoul, Korea (서울종로구삼청동 28-58), số điện thoại: +82-2-7347948. Để được hỗ trợ thông tin và tư vấn thủ tục tự nguyện về nước, người lao động liên hệ: 1. Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc: Điện thoại: +82-2-3641043/3641049 2. Văn phòng quản lý lao động Việt Nam theo chương trình EPS tại Hàn Quốc; Điện thoại: +82-2-3936868/69592466, email: [email protected] |