Khu vườn tại gia ở nước Úc của gia đình chị Tú Anh có vẻ đẹp xanh tươi, tràn đầy sức sống khiến nhiều người ngắm nhìn không thể rời mắt. Các loại rau trong vườn, các loại quả đang độ chín tới, các loài hoa đua nhau khoe sắc..., tất cả gom góp lại, tạo nên một bức tranh thật đẹp dành tặng cho những người thân yêu trong gia đình chị.
Ngôi nhà của chị chỉ cần mở cửa thật rộng vào mỗi sáng mai là có thể thu trọn vẻ đẹp của khu vườn vào trong tầm mắt. Chị lựa chọn cuộc sống giản dị ấy và luôn cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn với sự lựa chọn của mình.
Chị Tú Anh chọn lựa cuộc sống xanh bên gia đình và con gái. |
Khu vườn được người mẹ trẻ trồng đa dạng rau củ quả. |
Niềm vui thu hoạch. |
Niềm hạnh phúc khi đồng hành cùng con gần gũi với thiên nhiên. |
Một góc vườn thơ mộng. |
Chị Tú Anh (31 tuổi) hiện đang làm công việc bào chế mỹ phẩm hữu cơ. Vốn là người yêu thích thiên nhiên, hướng về cuộc sống thuận thiên, chị luôn thích thú với việc trồng rau củ quả trong vườn. Chị cũng coi đó là khởi nguồn cho việc tìm các nguồn nguyên liệu sạch cho việc bào chế mỹ phẩm của mình.
Chị Tú Anh chia sẻ: "Từ khi sinh con gái đầu lòng, với tình yêu của người mẹ dành cho con, tôi muốn con được lớn lên trong môi trường thiên nhiên nhiều cây cối, rau quả. Thứ nhất là để đảm bảo nguồn thực phẩm sạch cho gia đình. Thứ hai, con có điều kiện để khám phá thiên nhiên xung quanh".
Khu vườn của gia đình chị Tú Anh rộng khoảng 2000m2. Chị dành phần lớn diện tích để trồng cây ăn quả và hoa để làm nguyên liệu chưng cất mỹ phẩm như hoa hồng, oải hương, hương thảo... Cây ăn quả có mận, nho, chanh, cam, việt quất, olive, xoài, ổi... Một phần diện tích chị chọn trồng các loại rau trái của Việt Nam và Úc để phục vụ nhu cầu ăn uống trong gia đình. Một phần vì xa quê nên chị cố gắng trồng nhiều loại rau Việt Nam để vơi bớt nỗi nhớ nhà.
Các loại rau thơm được trồng trong vườn như thì là, diếp cá, ngải cứu, lá lốt; các loại rau củ quả như su hào, bắp cải, cải thìa, cà rốt, xà lách, củ dền, cà chua, khoai tây, tần ô, cà tím, bí ngô… Bên cạnh đó, chị Tú Anh còn trồng các loại rau bản địa như cải kale, bắp cải mini, rau chân vịt, bí ngòi…. Mỗi loại chị trồng một ít để đa dạng sinh thái trong vườn.
Để có được vườn rau sạch như hiện tại đối với chị Tú Anh là cả một quá trình rất dài. Thời gian đầu chị trồng cũng gặp phải nhiều thất bại do không hiểu đặc tính đất và các loại cây. Đất ở Úc khô cằn, chủ yếu là cát hoặc sét nên chị phải đầu tư nhiều công sức cho khoản làm đất ban đầu.
Chị đổ khoảng 3 xe tải đất trồng bao gồm đất cát, đất mùn trộn phân ngựa, phân dê, cừu đã được ủ trong 1 năm. Chị cũng tìm hiểu dặc tính từng loại cây để trồng vì có loại thích hợp nơi nhiều nắng, có loại thích bóng râm. Khi trổng rau và hoa, cũng có lúc hó khăn khi phải đối phó với các loại rệp. Chị thường dùng dung dịch tỏi ớt pha với rượu trắng để xịt cũng như phòng trừ sâu bệnh.
Những ngày cuối tuần, chị Tú Anh thường cùng chồng làm đất, làm phân. Phân hữu cơ được ủ từ rác nhà bếp và nước thải từ giá thể trùn. Rác nhà bếp bao gồm các loại rác trừ thịt cá. Thường chị gom vỏ trứng, vỏ chuối, nước vo gạo và các loại vỏ rau củ rất giàu dinh dưỡng cho cây.
Để ủ lấy phân khô, chị Tú Anh chuẩn bị một thùng nhựa hoặc xốp đậy nắp kín, để nơi râm mát trong vườn. Thả một lớp lá khô trong vườn, giấy báo vào đáy thùng. Cứ một lớp đất, gỗ mùn thì một lớp rác nhà bếp. Mỗi lần có rác thì đổ vào, rồi lấp lớp đất để tránh lên giòi. Ở thành phố thì cứ làm đơn giản lớp đất, lớp rác. Khoảng một tháng xới trộn, khi rác hóa mùn thì đem đi bón được.
Đối với ủ lấy phân nước, chị chuẩn bị một thùng nhựa hoặc xốp đậy nắp kín, phía dưới góc thùng đục 1 lỗ dẫn nước rác thải, đặt vào khung hoặc thành ghế cao. Phía dưới chứa xô hoặc bình hứng nước thải. Rác thải nhà bếp đựng vào từng bao có đục các lỗ nhỏ li ti thấm nước. Rồi để các bao rác vào thùng, đậy kín nắp. Khi rác nhỉ nước, sẽ tự động theo lỗ thùng nhỉ vào xô, hòa thêm nước và đem đi bón.
Ngoài ra, để đất thêm nhiều dinh dưỡng giúp cây trồng tươi tốt, chị Tú Anh còn nuôi thêm trùn quế lấy phân hoặc thả trực tiếp trùn quế vào đất giúp đất được cải tạo tơi xốp.
Chị Tú Anh tâm sự: "Con gái tôi rất thích chạy nhảy, vui đùa trong vườn. Cháu thường phụ giúp mẹ, cùng mẹ tưới cây, nhổ cỏ và thu hoạch rau củ trong vườn. Nhờ tiếp xúc trong môi trường nhiều cây cỏ, sức đề kháng của bé rất tốt. Bé hoạt bát, năng động. Tôi thường xuyên thu hoạch rau củ và cùng bé đưa đi biếu hàng xóm.
Nhà tâm lý học Lý Tử Huân từng nói rằng: “Học 100 tiết khóa học mầm mon không bằng đưa con đi gần gũi với thiên nhiên”. Và tôi tin điều này đúng. Khi trẻ có điều kiện tiếp xúc với thiên nhiên, trẻ hình thành được trí tưởng tượng và khả năng quan sát sự sống vận động xung quanh. Từ đó nuôi dưỡng tình thương và lòng trắc ẩn của con với cây cỏ, loài vật".
Gia đình chị từ lâu đã theo đuổi lối sống tối giản, bớt đi những vật chất không cần thiết và tăng cường trồng nhiều cây xanh. Chị Tú Anh giải thích rằng:"Thứ nhất, khi ăn những thứ tự trồng được giúp vừa đảm bảo sức khoẻ cho gia đình, vừa thấu hiểu và biết trân trọng, không lãng phí thực phẩm. Thứ hai, khi gia đình làm mọi thứ cùng nhau, tương tác cùng nhau, mối quan hệ trở nên gắn bó và hạnh phúc hơn. Vì vậy, gia đình tôi luôn dành thời gian tối đa để làm nhiều việc cùng nhau. Đặc biệt là thời gian cuối tuần, cả gia đình chủ yếu quây quần làm vườn, đi hái trái cây ở các nông trại hoặc đi dã ngoại".