Ảnh Internet
Nuôi gà 70 ngày lời 1 ly trà đá
Trước đó, ông Đỗ Văn Hoan - Phó trưởng phòng chăn nuôi gia súc nhỏ thuộc Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho hay, giá thành sản phẩm thịt gia cầm, giống đang chiếm tới 15%, chi phí thức ăn chiếm 70%. Các chi phí khác như điện, nước, công lao động chiếm khoảng 10%. Còn công lao động của người trực tiếp chăn nuôi rất thấp trong 10% này.
"Hiện nay, chuỗi sản xuất của Việt Nam chưa hoàn chỉnh, trong đó người trung gian đóng vai trò quan trọng. Thương lái không đầu tư bao nhiêu nhưng thu nhập chiếm tới 21%, đó là điều bất cập. Người bán sỉ, cơ sở giết mổ cũng bị ảnh hưởng. Nếu không có thương lái thu gom, lợi nhuận của người ta rất lớn”, ông Hoan nói.
Câu chuyện này cũng diễn ra tương tự với những người làm ruộng. Theo đánh giá chung, đời sống của những người nông dân trồng lúa vẫn hết sức khó khăn và có thu nhập thấp nhất so với các nghề khác. Nhiều nông dân sở hữu diện tích ruộng lớn nhưng vẫn không thoát nghèo.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các địa phương vùng ĐBSCL, từ nhiều năm qua, sản lượng lúa tăng nhanh, từ 14 triệu tấn/năm lên đến 25 triệu tấn/năm, sản lượng gạo xuất khẩu cũng không ngừng tăng theo. Tuy nhiên, giá trị không tăng tương ứng, theo đó người trồng lúa không thể giàu lên được.
"Nếu tính đủ 30% lợi nhuận cho người trồng lúa, mỗi nhân khẩu sản xuất lúa ở ĐBSCL có thể đạt mức lãi 3,8 triệu đồng/năm (khoảng 317.000 đồng/tháng), tức dưới cả ngưỡng nghèo (400.000 đồng/tháng)”, cơ quan này cho biết.
Nhiều hộ nông dân trồng lúa chia sẻ, thu nhập từ trồng lúa chỉ đủ sống. Ví dụ như với diện tích đất trồng 2,5 ha, sau khi trừ đi chi phí, một hộ gia đình có thể thu về khoảng 50 triệu đồng/năm, chia đều cho 6 nhân khẩu trong nhà tính ra bình quân mỗi người thu nhập 9 triệu đồng/năm, tương đương 25.000 đồng/ngày.
Một báo cáo của OXFAM - Tổ chức phi chính phủ quốc tế chuyên về chống nghèo đói, bất công ở nông thôn và Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn từng công bố cũng cho thấy, với diện tích bình quân 3,3ha/hộ, thu nhập hàng năm của hộ trồng lúa chỉ đạt 27 triệu đồng, tính ra mỗi người lao động chỉ được 550.000 đồng/tháng.
Bất đắc dĩ trở thành thị dân
Cùng với quá trình phát triển công nghiệp hoá, các khu công nghiệp mọc lên như nấm cũng thu hút một lượng lớn những người nông dân nghèo khó, thu nhập không đủ nuôi sống gia đình chứ chưa nói tới mục tiêu làm giàu phải từ bỏ ruộng vườn, chăn nuôi để lên thành phố gia nhập vào tầng lớp công nhân. Mặc dù thu nhập có cải thiện phần nào nhưng theo PGS.TS Vũ Trọng Khải, những sai lầm trong chiến lược phát triển công nghiệp và đô thị cũng khiến người nông dân rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Theo PGS Khải, quá trình phát triển công nghiệp và đô thị trong những năm qua chỉ tạo ra một nền công nghiệp gia công, lắp ráp, có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng thấp, dựa vào khai thác tài nguyên tự nhiên và sử dụng sức lao động cơ bắp với giá rẻ, chấp nhận ô nhiễm môi trường. Người nông dân rời bỏ đồng ruộng vào làm việc ở các khu công nghiệp với mức lương không đủ sống, nên thường xuyên phải làm tăng ca, thêm giờ với cường độ lao động cao. Do vậy, họ không thể trở thành người lao động công nghiệp chuyên nghiệp, gắn bó cả đời với công nghiệp.
"Họ sẽ bị giới chủ sa thải khi không còn đủ sức khỏe làm việc ở tuổi đời chưa già và cũng không còn trẻ để chuyển đổi nghề nghiệp. Họ đành phải trở về nông thôn, chia lại mảnh ruộng và công việc vốn đã ít ỏi. Khi đó, những vấn đề kinh tế, xã hội nghiêm trọng sẽ nảy sinh, không thể giải quyết được”, ông Khải nói.
Theo vị chuyên gia, việc phát triển các khu công nghiệp mới chỉ tạo ra việc làm, mà không tạo ra đời sống đô thị “an cư, lạc nghiệp” cho người lao động. Bởi vì, người ta đã không xây dựng các khu dân sinh với các tiện ích công cộng của một đô thị văn minh bên cạnh các khu công nghiệp. Người công nhân phải sống trong các khu nhà ổ chuột, không được hưởng các dịch vụ công như dân đô thị gốc, trở thành công dân hạng hai, họ phải gửi con về quê cho ông bà nuôi dạy.
"Tất cả điều đó phản ánh sự thất bại của chiến lược phát triển công nghiệp và đô thị. Người nông dân đã không có đủ điều kiện tối thiểu để trở thành thị dân”, ông Khải nhấn mạnh.
Về giải pháp, ông Khải cho rằng, cần xây dựng các khu đô thị vừa và nhỏ ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái, bao gồm khu công nghiệp và dịch vụ để tạo công ăn việc làm, cung cấp dịch vụ đầu vào - đầu ra cho sản xuất nông nghiệp, khu dân sinh có các tiện ích và dịch vụ công cộng văn minh, tạo lập cuộc sống “an cư lạc nghiệp” cho cư dân, để họ có thể vĩnh viễn rời bỏ đồng ruộng, trở thành thị dân.
"Điều đó tạo ra nguồn cung đất nông nghiệp cho thị trường đất đai, thúc đẩy tiến trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, tạo ra các trang trại xản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, áp dụng công nghiệp cao, tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng”, ông nói thêm.
Theo Dân Trí
Nguồn bài viết : Tra Cứu XS