Dự án văn hóa mang tên “Tôi xê dịch”, được thành lập tháng 6/2012. Sứ mệnh của “Tôi xê dịch” là khuyến khích người trẻ đi nhiều hơn, sống sâu hơn, chia sẻ tình yêu quê hương, đất nước, con người xung quanh.
Tìm về chốn bình dị
Những ai được tham gia vào chuyến đi mang tên “Tiếng vọng ngàn năm” của “Tôi xê dịch” đều rất bất ngờ khi được chứng kiến một chiếu chèo cổ thực thụ. Ngay tại sân đình Kim Liên, Hà Nội, hàng trăm người ngồi khoanh chân trên chiếc chiếu cói đỏ, cùng thưởng thức nhiều điệu chèo nức tiếng với những Thị Màu, Thị Kính… trong tiếng trống, tiếng thanh la, sáo, nhị, đàn bầu…
Chiếu chèo sân đình
Không có sân khấu nào, chỉ có duy nhất tấm mành điều là nơi thay trang phục. “Bức tường” giữa người nghệ sỹ và khán giả dường như bị xóa bỏ. Tiếng đế chèo – yếu tố sân khấu tưởng chừng đã biến mất trong các buổi diễn xướng của nghệ thuật này, chốc chốc vang lên rộn rã.
Đến hẹn lại lên, cứ mỗi tháng, “Tôi xê dịch” lên kế hoạch cho một chuyến du lịch mới. Những hành trình của “Tôi xê dịch” với tên gọi Windy Days không chỉ dừng lại ở việc thăm quan, chiêm ngưỡng các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh mà điều quan trọng hơn là người trẻ được trò chuyện với chuyên gia văn hoá cũng như tìm hiểu, khám phá nhiều câu chuyện văn hóa thú vị.
Chương trình thu hút đông đảo công chúng mọi lứa tuổi
Không chỉ trong “Tiếng vọng ngàn năm”, các tour của dự án đều được thiết kế với ý tưởng lấy văn hóa là trọng tâm, làm nổi bật những giá trị truyền thống. Có thể kể đến các cuộc hành trình như: “Thăm quan Hoàng thành Thăng Long và tìm hiểu văn hóa Hà Nội”, “Tìm hiểu Văn miếu Quốc Tử Giám và nền Nho học”, “Kiến trúc và trang phục của người Hà Nội xưa”, “Thăm quan phủ Tây Hồ và tìm hiểu về đạo Mẫu”, “Ca trù – Vang bóng một thời”, “Cầu rồng kể chuyện”, chuyến đi về làng tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) với tên gọi “Màu dân tộc”…
Từ việc được cung cấp cái nhìn tổng quan về phong tục, tập quán của các tầng lớp xã hội, người xem còn được tận mắt chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc độc đáo, tiếp cận với kiến thức cụ thể như phân biệt được đâu là rồng thời Lý, Trần hay Nguyễn; thăm quan triển lãm hình ảnh, hiện vật, xem phim về cầu Long Biên; thực hành làm tranh Đông Hồ…
Chương trình góp phần khơi dậy tình yêu nghệ thuật truyền thống ở người trẻ
Trong chuyến đi mang tên “Cầu rồng kể chuyện”, dự án tổ chức một đoàn người đi bộ dài hàng trăm mét trên cầu Long Biên, vừa đi vừa nhìn ngắm và nghe những câu chuyện lịch sử cây cầu trăm tuổi. Nhờ cuộc hành trình có vẻ như kỳ lạ này, chương trình kết nối nhiều đối tượng từ học sinh, sinh viên đến người đi làm, khách du lịch nước ngoài. Từ đó, “Cầu rồng kể chuyện” hướng đến mục đích bảo tồn, gìn giữ cầu Long Biên – một nhân chứng lịch sử đồng hành cùng người dân Thủ đô trong hai cuộc kháng chiến oai hùng của dân tộc.
Những chuyến xê dịch, nhiều mối cơ duyên đặc biệt ở mỗi vùng đất mà các thành viên “Tôi xê dịch” từng đi qua đem lại cho các bạn trải nghiệm mới mẻ, thú vị; tạo được cầu nối văn hoá giữa các thế hệ và đánh thức lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước. Qua đó, dự án kêu gọi sức trẻ hành động để bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống cao đẹp của dân tộc.
Đi nhiều, sống sâu
Theo Nguyễn Thị Thu Hà – người sáng lập “Tôi xê dịch”, khi thiết kế một tour du lịch thì điều quan trọng là chính người xây dựng phải hiểu và biết được hàm lượng giá trị văn hóa mà nó truyền tải. Bởi vậy, với mỗi chương trình, nhóm tìm cách tái hiện trọn vẹn, nhằm giữ gìn những nét tinh hoa, đặc trưng nhất.
Đi bộ và nghe chuyện về lịch sử cầu Long Biên
Chẳng hạn như đối với chèo, thay vì thưởng thức tại các sân khấu trang trọng, chính việc ngồi cùng nhau, có phần chen chúc lại thể hiện rõ nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa độc đáo của cư dân thời xưa.
Từ việc ngồi nghe, chép, rồi ghi âm, chụp ảnh, nhiều bạn trẻ và cả những du khách nước ngoài đã có mặt trong các cuộc hành trình. Có người thực sự ngỡ ngàng khi được tiếp xúc với những giá trị văn hóa của người Việt, tưởng chừng như đã biết và nghe đến nhưng chưa bao giờ thực sự có cơ hội tìm hiểu, thưởng thức trọn vẹn.
Bạn Nguyễn Minh Hiển, thành viên tham gia tour du lịch “Vang bóng một thời” về nghệ thuật ca trù chia sẻ: “Lần đầu tiên nghe ca trù trực tiếp, cũng là lần đầu tiên tôi thực sự cảm được nghệ thuật tưởng như khó hấp thu này. Mới chỉ dừng lại là rung cảm thôi, nhưng đã chạm đến một phần nhỏ của sự tinh túy và sâu sắc. Chương trình thực sự mở ra cho chúng tôi cánh cửa nghệ thuật truyền thống tuyệt vời”.
Các bạn trẻ tìm hiểu nghệ thuật kiến trúc
Tham gia nhiều chuyến “xê dịch” văn hóa, Nguyễn Ngọc Trâm, thành viên của dự án cho biết, cái quan trọng nhất là các tour du lịch đã đưa mọi người, ở nhiều lứa tuổi và thế hệ kết nối với nhau thông qua văn hóa bằng tình yêu đất nước, quê hương.
Trong tháng 9 này, “Tôi xê dịch” phối hợp cùng Nhà hát Chèo Việt Nam tổ chức chương trình biểu diễn “Tiếng chống chèo 2015”, với các vở: “Quan Âm Thị Kính”, “Lưu Bình – Dương Lễ” và “Kim Nham”. Chương trình gồm ba đêm diễn: tại Đình Tháp, Dịch Vọng, Cầu Giấy (5/9), tại đình Tứ Liên, Âu Cơ, Tây Hồ (12/9) và tại đình Xuân Tảo, Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm (19/9). Đêm diễn đầu tiên đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng ở mọi lứa tuổi.
Học làm tranh Đông Hồ với nghệ nhân.
Là một dự án của những người trẻ, “Tôi xê dịch” cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong vấn đề tài chính. Hầu hết các thành viên là sinh viên nên không thể dành toàn bộ thời gian cho dự án. Tuy nhiên, những người làm “Tôi xê dịch” đang nỗ lực hết sức để đưa ra các chương trình chất lượng và tiến tới phát triển đến mọi miền của đất nước.
Mạnh Phúc
Nguồn bài viết : La Victoire E-Gaming Club