Kinh tế - Xã hội

Thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và ESCAP

2024-12-20 19:30:12
Xây dựng quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng và các địa phương của Áo
Thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Tổ chức mạng lưới Tình nguyện Pháp

Nhận lời mời của Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Thư ký điều hành của Ủy ban Kinh tế - Xã hội Châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (ESCAP) Armida Salsiah Alisjahbana, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam sẽ tham dự Khóa họp thường niên lần thứ 78 của ESCAP trong 2 ngày 22 - 23/5 tại trụ sở của tổ chức này ở thủ đô Bangkok, Thái Lan.

Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan kiêm nhiệm Đại diện thường trực của Việt Nam tại ESCAP Phan Chí Thành đã có những chia sẻ về ý nghĩa và nội dung chính của Khóa họp, những hỗ trợ của ESCAP dành cho Việt Nam và đóng góp của Việt Nam trong hoạt động của ESCAP thời gian qua.

Đại sứ Phan Chí Thành trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.

Bối cảnh và nội dung chính của Khóa họp

Theo Đại sứ Phan Chí Thành, Khóa họp thường niên ESCAP lần thứ 78 là hội nghị lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm xem xét và thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội và thúc đẩy hợp tác khu vực, đẩy mạnh tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) ở mỗi quốc gia thành viên và trên phạm vi toàn khu vực.

Khóa họp năm nay sẽ diễn ra từ ngày 23 - 27/5, trong bối cảnh các nước chuyển sang giai đoạn sống chung với Covid-19, nỗ lực thực hiện các chính sách, biện pháp phục hồi kinh tế hậu đại dịch. Trong khi đó, tình hình thế giới và khu vực đang có những bất ổn, xung đột; các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh trở thành gánh nặng với nhiều nước trong khu vực, nhất là các nước đang phát triển và kém phát triển, khiến việc thực thi các mục tiêu phát triển bền vững găp nhiều khó khăn.

Đại sứ Phan Chí Thành cho biết với chủ đề “Chương trình nghị sự chung nhằm thúc đẩy phát triển bền vững tại châu Á - Thái Bình Dương”, Khóa họp lần thứ 78 của ESCAP được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 75 năm thành lập ESCAP (1947 - 2022), là dịp để nhìn lại những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và định hình tương lai hợp tác, liên kết khu vực để ứng phó với các thách thức, thúc đẩy Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và thực hiện cam kết không ai bị bỏ lại phía sau.

Với mục tiêu đó, nội dung của Khóa họp sẽ tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi hiện nay của khu vực như phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững; thúc đẩy thương mại, đầu tư, bảo đảm kết nối và chuỗi cung ứng bền vững; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và tận dụng các cơ hội từ công nghệ số; hiện thực hóa các cam kết chống biến đổi khí hậu…

Hỗ trợ của ESCAP dành cho Việt Nam

Đại sứ Phan Chí Thành cho biết hoạt động của ESCAP chủ yếu là trợ giúp chính phủ các nước về kỹ thuật, tư vấn chính sách, nghiên cứu và phân tích đánh giá tình hình kinh tế - xã hội ở khu vực và các nước thành viên, huấn luyện và đào tạo chuyên gia, phổ biến thông tin và kinh nghiệm phát triển. Trong những năm qua, sự hỗ trợ của ESCAP tập trung vào 9 lĩnh vực chính gồm: chính sách kinh tế vĩ mô, giảm nghèo và hỗ trợ tài chính cho phát triển; thương mại, đầu tư và sáng tạo; giao thông; môi trường và phát triển; công nghệ thông tin - truyền thông và giảm thiểu rủi ro thiên tai; phát triển xã hội; thống kê; hoạt động tiểu khu vực hướng nhằm thúc đẩy phát triển bền vững; năng lượng.

Với sứ mệnh đó, thời gian qua, ESCAP đã có nhiều hỗ trợ tích cực và thiết thực cho Việt Nam trên hai phương diện chính là hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cán bộ thông qua các khóa đào tạo, hội thảo chuyên đề do ESCAP tổ chức trên nhiều lĩnh vực như chính sách kinh tế vĩ mô, các vấn đề xã hội, phát triển nông nghiệp, giao thông vận tải, thông tin - truyền thông, thống kê, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường...

Nhiều chương trình hợp tác với ESCAP có ý nghĩa quan trọng, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, trong đó nổi bật là việc xây dựng hệ thống dữ liệu và thống kê về tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở cấp quốc gia.

Đại sứ Phan Chí Thành cũng cho biết vừa qua, sau khi Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan hỗ trợ kết nối, ESCAP và Quốc hội Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác, trong đó ESCAP đang hỗ trợ các cơ quan trực thuộc Quốc hội Việt Nam nâng cao năng lực và vai trò trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Đóng góp của Việt Nam trong hoạt động của ESCAP

Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực, thực chất, đa dạng và có trách nhiệm trong tất cả các hoạt động và cơ chế của Ủy ban, không chỉ tham gia đóng góp, xây dựng văn kiện và định hướng hợp tác của ESCAP mà còn đưa ra nhiều đề xuất giải pháp mang tính tổng thể và dài hạn đối với những vấn đề cấp bách trong phát triển bền vững tại khu vực hiện nay, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển bền vững tại khu vực.

Việt Nam và ESCAP duy trì thường xuyên đối thoại cấp cao. Đoàn Việt Nam tham dự các khóa họp hàng năm thường do một lãnh đạo Bộ Ngoại giao làm trưởng đoàn. Năm 2021, tại Khóa họp lần thứ 77 của ESCAP, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã gửi thông điệp ghi hình trước tới Khóa họp. Lãnh đạo và đại diện các bộ liên quan cũng thường xuyên tham dự các Hội nghị Bộ trưởng/Diễn đàn cấp cao chuyên ngành do ESCAP tổ chức.

Các bộ, ngành Việt Nam hiện đang tích cực tham gia các hoạt động của các trung tâm/cơ chế khu vực trực thuộc ESCAP như Trung tâm Phát triển hệ thống quản lý thông tin thiên tai châu Á-Thái Bình Dương (APDIM), Trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp bền vững (CSAM), Trung tâm đào tạo châu Á-Thái Bình Dương về công nghệ thông tin và liên lạc vì phát triển (APCICT), Trung tâm chuyển giao kỹ thuật (APCTT), Viện thống kê châu Á-Thái Bình Dương (SIAP). Đặc biệt, từ năm 2018-2022, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò là Chủ tịch Hội đồng điều hành CSAM, được các nước đánh giá cao.

Đại sứ Phan Chí Thành khẳng định: “Việc Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự Khóa họp lần này là cấp tham dự trực tiếp cao nhất của Việt Nam trong nhiều năm gần đây, có ý nghĩa quan trọng với cả hai bên trong bối cảnh năm nay không chỉ kỷ niệm 75 năm thành lập ESCAP mà còn kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc.

Đây là thông điệp quan trọng của Chính phủ Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả với Liên Hợp Quốc nói chung và ESCAP nói riêng trong 45 năm qua, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ đưa quan hệ với Liên Hợp Quốc và ESCAP thời gian tới đi vào chiều sâu và thực chất hơn, từ đó đẩy mạnh hơn nữa tiến trình đối thoại, hợp tác với các nước thành viên, phát huy hiệu quả sự hỗ trợ của ESCAP để thực hiện các chiến lược, mục tiêu phát triển của Việt Nam, đặc biệt là quá trình phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch Covid-19, cũng như triển khai các cam kết của ta tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26)".

Theo Đại sứ Phan Chí Thành, sự tham gia tích cực và ở cấp cao của Việt Nam tại ESCAP phù hợp với đường lối đối ngoại của Đại hội XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, khẳng định sự chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong các thể chế, cơ chế đa phương, đặc biệt là Liên Hợp Quốc, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam cũng như đóng góp vào thúc đẩy môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển của khu vực và thế giới.

Quốc hội luôn ủng hộ và thúc đẩy hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam - Lào
Đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hy Lạp ngày càng phát triển
Top