Khuyến nghị cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc

2024-12-20 18:50:16
Chuyện của những tổ ấm Việt - Trung
Tương thông về văn hoá nhận thức giữa Việt Nam và Trung Quốc: Tài sản quý báu vun đắp tình hữu nghị của nhân dân hai nước

Ông Đỗ Nam Trung – Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc): thiên thời, địa lợi, nhân hòa

Về thiên thời, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất đặc biệt là sau hai chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc và chuyến thăm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sang Việt Nam. Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) Việt Nam được hưởng các thuế quan rất ưu đãi.

Sau đại dịch Covid-19, kinh tế Trung Quốc có một số khó khăn, một trong những ưu tiên của Trung Quốc là thúc đẩy tiêu dùng, đây là cơ hội cho nông sản Việt Nam tiêu thụ tại Trung Quốc. Trong giai đoạn phát triển hiện nay, tầng lớp trung lưu của Trung Quốc chiếm tỉ lệ tương đối. Đây là đối tượng chính để sử dụng nông sản chất lượng cao từ các nước trong đó có Việt Nam.

Tổng lãnh sự Đỗ Nam Trung (bên trái) giới thiệu, quảng bá những sản phẩm nổi bật của Việt Nam trên truyền hình.

Trung Quốc đang coi trọng thị trường 100 triệu dân của Việt Nam, hai Tổng Bí thư cũng đã phát biểu coi trọng việc xuất khẩu nông sản sang nhau. Trung Quốc muốn xuất khẩu sang Việt Nam những mặt hàng cá tầm, nông sản chất lượng cao. Vì thế, Việt Nam có thế trong việc đàm phán trao đổi nông sản.

Về địa lợi, trên thị trường nông sản ở Trung Quốc, đối thủ trực tiếp và khốc liệt của nông sản Việt Nam có thể nói là Thái Lan. Thái Lan khoảng cách gần nhưng vẫn mượn đường để xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc đi qua đường sắt Trung - Lào. Sầu riêng của Thái Lan chủ yếu là sầu riêng đông lạnh và bóc múi chứ không phải sầu riêng nguyên quả như Việt Nam. Ngay sát biên giới Việt Nam có các chợ đầu mối nông sản, đây cũng là địa lợi để Việt Nam tăng cường xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.

Về nhân hòa, Trung Quốc và Việt Nam có những điểm tương đồng về văn hóa ẩm thực, văn hóa ứng xử, văn hóa doanh nghiệp. Trong kinh doanh giống nhau đến từ khía cạnh tích cực cho đến chưa tích cực, hiểu nhau để thúc đẩy hợp tác với nhau.

Tuy nhiên, nông sản Việt Nam cũng gặp khó khăn. Về thị trường, Trung Quốc không còn là một thị trường dễ tính. Trung Quốc đang hướng tới tiêu chuẩn cao như EU, những hàng rào kĩ thuật ngày càng cao. Ngoài các chợ, siêu thị, thương mại điện tử đang phát triển tại Trung Quốc. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải hiểu về văn hóa tiêu dùng của người Trung Quốc.

Về chất lượng, sản lượng sản phẩm, một số doanh nghiệp Trung Quốc có chia sẻ rằng, mặt bằng chung về sự đồng đều nông sản Việt Nam kém Thái Lan. Đây là vấn đề căn cơ, chiến lược và lâu dài. Chúng ta nâng cao chất lượng sản phẩm và chiếm lĩnh tại thị trường Trung Quốc.

Tốc độ lưu thông, nông sản coi trọng sự tươi ngon, trong khi đó hệ thống logitic Việt Nam, các cửa khẩu chưa chuyên nghiệp, do đó cần phải nâng cao yếu tố này.

Về uy tín thì một số doanh nghiệp nông sản Việt Nam chưa xây dựng được nhiều uy tín trong kinh doanh. Hiện tượng gian lận để xuất khẩu, tem mác, sâu bệnh chưa chuẩn. Chúng ta phải nâng cao uy tín thì mới vững chân lâu dài và bền vững ở thị trường Trung Quốc.

TS Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc: Nghiên cứu nhu cầu và thị hiếu của người Trung Quốc

Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam muốn sang thị trường Trung Quốc cần phải nghiên cứu nhu cầu và thị hiếu của thị trường này.

Về thị hiếu: Tự cổ chí kim, người Hoa luôn quan niệm màu đỏ là màu của cát tường và may mắn; họ cũng yêu thích số 6 (âm Hán Việt là Lục - đại diện cho Lộc), 8 (Bát - Phát), 9 (Cửu - Vĩnh cửu). Tặng quà thường tặng theo cặp chứ không tặng con số lẻ...

Nghiên cứu xu hướng thị hiếu của thị trường: Việt Nam hay xuất khẩu nông sản và thực phẩm sang Trung Quốc, nên bỏ thời gian và kinh phí khảo sát, nghiên cứu sâu về xu hướng người tiêu dùng của quốc gia này. Ví dụ, cà phê, nước ngọt, bánh, trái cây sấy khô, sấy dẻo... thì cần phải nắm rõ, giới trẻ Trung Quốc hiện không thích đồ béo và đồ ngọt, nên các sản phẩm cần phải giảm ngọt, giảm béo, và ghi chú rõ "không biển đổi gen"...

Thị trường Trung Quốc rất lớn, nếu muốn khai thác, đưa sản phẩm Việt vào khu vực phía Tây Bắc Trung Quốc (như tỉnh Thanh Hải, tỉnh Tân Cương, tỉnh Ninh Hạ hay TP Tây An của tỉnh Thiểm Tây...) cần phải có chứng nhận Halal.

TS Trà My (áo vàng), Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc giới thiệu hàng Việt Nam tại Trung Quốc.

Về bao bì: Trung Quốc là quốc gia đặc biệt quan tâm đến mẫu mã cũng như màu sắc của bao bì, để làm quà tặng, và cần phải to, phải "hoành tráng". Đặc biệt lưu ý với giới doanh nghiệp Việt Nam, sản phẩm khi xuất khẩu ra bất cứ thị trường quốc gia nào, cũng nên in hoa - in đậm ở phần cuối trên bao bì là "MADE IN VIETNAM".

Về bảo hộ thương hiệu: Sau khi nghiên cứu thị trường, chọn ra những sản phẩm xuất khẩu phù hợp, các doanh nghiệp cần phải đăng kí để bảo vệ thương hiệu tại Trung Quốc trước. Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc thường hỗ trợ và đồng hành chia sẻ, giúp đỡ doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này, tránh bị mất bản quyền thương hiệu hàng Việt tại Trung Quốc.

Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực tham gia triển lãm có chất lượng tại Trung Quốc để tìm nhà phân phối. Cụ thể: Hội chợ triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc (CIIE - thường tổ chức vào tháng 11 hàng năm). Đây là hội chợ quốc tế chất lượng và có hiệu quả nhất hiện nay, được tổ chức thường niên với quy mô lớn nhất khu vực do Bộ Thương mại Trung Quốc phối hợp với Ủy ban Thương mại Thượng Hải tổ chức. CIIE là nền tảng kết nối giao thương quan trọng, thúc đẩy đầu tư, giao lưu văn hóa và hợp tác mở tại khu vực; Hay hội chợ triển lãm Quốc tế Nam Ninh (thường tổ chức vào tháng 9 hàng năm).

Thứ ba, trước khi giao dịch với các công ty Trung Quốc nên ký kết hợp đồng đúng luật thương mại quốc tế; cần kiểm tra trước tín dụng của đối phương; cần giao dịch 1 vài chuyến hàng với nhiều đối tác để chọn ra nhà phân phối tiềm năng làm độc quyền, chứ không vội quyết ngay khi chưa giao dịch.

Thứ tư, các doanh nghiệp tích cực kết nối với các cơ quan đại diện Cơ quan ngoại giao, Bộ công thương Việt Nam tại Trung Quốc để tìm hiểu thông tin và thị trường.

Thứ năm, các doanh nghiệp có thể tận dụng kênh kiều bào và chuyên gia trí thức Việt Nam tại Trung Quốc, hoặc Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc... Đây là cánh tay nối dài, những tổ chức và cá nhân rất sẵn lòng giúp đỡ hàng Việt đến với thị trường Trung Quốc.

Nhân viên y tế bệnh viện Nam Khê Sơn (Trung Quốc): Chia giọt máu, chung niềm vui với Việt Nam
Để những kỷ niệm xưa tạo sinh trong hiện tại và tương lai

Top