Giao lưu văn hoá Việt Nam - Ấn Độ qua chầu văn, vũ kịch |
Việt Nam mong muốn hợp tác trong các lĩnh vực thế mạnh của Ấn Độ |
Theo Đại sứ, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ đã ghi nhận những bước tiến mạnh mẽ với nhiều thành tựu đáng chú ý trong năm 2023, đặt nền tảng cho các hoạt động hợp tác trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Về quan hệ đối ngoại nhân dân, Đại sứ Sandeep Arya cho rằng, quan hệ này thể hiện được sự thân thiết, tôn trọng và đánh giá cao của người dân hai nước đối với di sản Phật giáo; yoga, du lịch, văn hóa và giáo dục; cũng như tình đoàn kết bền chặt giữa hai quốc gia trong suốt 7 thập kỷ qua.
Tiết mục biểu diễn của đoàn ca nhạc Ấn Độ tại đêm giao lưu văn hóa Ấn Độ - Sóc Trăng, ngày 14/8/2023. (Ảnh: Lao động) |
Riêng trong năm 2023, đã có hơn 10 chuyến thăm và làm việc của các phái đoàn địa phương hai nước đã diễn ra, nhiều hoạt động giao lưu giữa các đoàn nghệ thuật hai nước cũng đã được tổ chức.
Trong khuôn khổ sáng kiến Hợp tác Mekong-Sông Hằng (MGC), Chính phủ Ấn Độ thực hiện 10 dự án cộng đồng từ cấp chính phủ đến cấp địa phương tại Việt Nam mỗi năm. Đến nay, 37 dự án đã hoàn thành, 9 dự án đang được triển khai ở những giai đoạn hoàn thiện nâng cao.
Hàng năm, chính phủ Ấn Độ cấp khoảng 200 suất học bổng ở các lĩnh vực khác nhau cho Việt Nam thông qua Chương trình hợp tác kinh tế và kỹ thuật Ấn Độ (ITEC).
Đại sứ Sandeep Arya nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành du lịch và văn hóa trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo thống kê, Ấn Độ xếp thứ 9 trong 10 thị trường khách quốc tế hàng đầu đến Việt Nam năm 2023.
Ông cũng cho rằng Việt Nam và Ấn Độ có nhiều điểm tương đồng trong cách thúc đẩy phát triển du lịch thông qua khai thác thế mạnh, quảng bá các sản phẩm địa phương; ví dụ Ấn độ có Sáng kiến "Mỗi quận, mỗi huyện một sản phẩm" - ODOP, tương tự Việt Nam có Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm."
Theo Đại sứ, hai nước nên chú trọng quảng bá các ngành nghề thủ công và nghệ thuật truyền thống của mỗi địa phương, trong đó có cả các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống trong lộ trình phát triển quốc gia.
Việc hỗ trợ các địa phương tăng cường tiếp cận và kết nối với các quốc gia sẽ gia tăng sự đóng góp của ngành văn hóa vào sự phát triển của nền kinh tế. Các ngành điện ảnh, truyền hình, âm nhạc cũng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển văn hóa trong mối tương quan với phát triển kinh tế ở mỗi quốc gia.
Hai quốc gia Việt Nam và Ấn Độ đều có truyền thống coi trọng quan hệ gia đình, giáo dục trong gia đình, tư tưởng tôn giáo, và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Thế hệ trẻ hai nước đều năng động, sáng tạo, có nhiệt huyết, cùng nhiều hoài bão và khát vọng trên con đường khởi nghiệp. Đại sứ bày tỏ tin tưởng mối tương quan này là nền tảng giúp tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ.
Trao đổi với báo chí trước đó, Đại sứ Sandeep Arya cũng bày tỏ ngạc nhiên trước sự tương đồng về hệ giá trị văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, truyền thống của hai nước.
Ông chia sẻ, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm nay, ông sẽ thưởng thức một số món ăn truyền thống Việt Nam, trong đó có bánh chưng. Ông cũng sẽ thử nấu một số món truyền thống của Việt Nam tại nhà và cùng gia đình đi lễ chùa để thắp hương, cầu nguyện những điều tốt đẹp cho năm mới.
Chuyên gia Ấn Độ: "Ngoại giao cây tre" của Việt Nam là khái niệm chiến lược trong quan hệ quốc tế |
Đại sứ Ấn Độ Sandeep Arya: Tôi sẽ lễ chùa, nấu món Việt dịp Tết |