Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie: Bánh chưng rất ngon và đào, quất ăn ảnh |
Chiến sĩ gìn giữ hòa bình hướng dẫn bạn bè quốc tế gói bánh chưng Việt Nam |
Bánh chưng gói là bàng vuông là một đặc sản của Trường Sa đến nay vẫn còn được lưu giữ để nhắc nhở các chiến sỹ nhớ về thời gian khó của cha anh kiên cường bám trụ giữ đảo. |
Trong chuyến đi cùng đoàn công tác trên chuyến tàu 561 chở Tết ra các đảo: Đá Lớn, Cô-Lin, Len Đao, Sinh Tồn, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan và Phan Vinh, dễ dàng cảm nhận được không khí háo hức, nhộn nhịp, khẩn trương và tình cảm hướng về những người đang thực hiện nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió.
Những thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ… được cất giữ ở những nơi thoáng đãng, những cành đào, chậu quất, chậu mai mang hương vị Tết cũng được các chiến sỹ hậu cần chốc chốc lại kiểm tra chăm sóc trong suốt hải trình dài nhằm mang không khí Tết nhất đến với những người lính đảo. Nhiều phần quà từ đất liền gửi ra cũng nhanh chóng được chuyển lên đảo. Những cây quất, hoa giấy, hoa lan kiên cường với gió biển suốt mấy ngày qua vẫn tươi sắc, đem hơi thở mùa xuân đến với quân dân trên đảo. Khắp đảo tràn ngập trong sắc màu của mùa xuân.
Tất nhiên không thể thiếu được những chiếc bánh chưng cổ truyền của dân tộc. Người Trường Sa nói, quanh năm suốt tháng ở lại trên đảo, nhưng chỉ nhìn thấy bánh chưng là thấy Tết rồi. Điều đặc biệt trong cái Tết ở Trường Sa, bên cạnh những chiếc bánh chưng gói là dong truyền thống được tàu mang ra thì người Trường Sa cũng có loại bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông biểu tượng.
Bàng vuông là cây chịu nắng, gió, phát triển tốt trên đất cát, tạo bóng mát chở che và là biểu tượng sống trường tồn của người lính đảo. Hoa bàng vuông chỉ nở về đêm, kiêu hãnh dưới ánh trăng, lung linh trong gió biển mặn mòi. Nói đến bàng vuông, mọi người liền nghĩ đến Trường Sa thân yêu.
Những người lính đảo tâm sự, nhiều năm trước, tàu tiếp tế đi lại khó khăn, chưa đưa được lá dong ra, lính đảo chủ yếu gói bằng lá bàng vuông. Giờ đây, có lá dong rồi nhưng do lá chuyển từ đất liền ra đảo trải qua hành trình dài, khi đến đảo lá đã chuyển màu vàng. Bởi thế, để bánh chưng xanh, cán bộ, chiến sĩ dùng lá bàng vuông còn tươi xanh lót bên trong lá dong. Chính từ sự kết hợp hài hòa này, bánh chưng sẽ mang mùi thơm của lá bàng vuông quyện cùng lá dong để làm nên vị bánh đặc trưng ở Trường Sa.
Cán bộ, chiến sỹ, nhân dân đảo Sinh Tồn (Trường Sa) quây quần gói bánh chưng. |
“Bánh chưng ăn vào rất ngon và bánh mang hương vị đặc trưng của Trường Sa, không nơi đâu có được. Hàng năm, cứ đến Tết là các cán bộ, chiến sỹ cùng bà con lại xum vầy cùng nhau gói bánh chưng để tạo ra một không khí tết thật nhất giống như trong đất liền. Tết hải đảo tuy vẫn còn nhiều cái thiếu nhưng lại rất đủ đầy về tình cảm, tình quân dân” – Thiếu tá Phùng Văn Hoàn (Quân y đảo Sinh Tồn) chia sẻ.
Lá bàng vuông để gói bánh phải được chọn từ những cây bàng đang độ trưởng thành, lá bàng to và dày. Lá sau khi hái về, để giữ lá tươi lâu không được rửa lá mà chỉ vảy nước đủ ướt hai mặt lá, rồi sau đó lau sạch và xếp chồng lên nhau khoảng chục lá một. Đối với các chiến sỹ có kinh nghiệm nhiều năm gói bánh, do lá bàng giòn hơn và không dẻo như lá dong nên để gói được bánh, các chiến sỹ sau khi làm sạch lá xong sẽ quấn chúng vào ống tre để lá không thoát nước nhanh, mềm và giữ được màu xanh mướt.
Chị Lữ Kim Cúc (hộ dân tại đảo Sinh Tồn, Trường Sa) cho biết: “Tại đây, mọi người thiếu thốn nhưng cái tết luôn cố gắng lo đủ đầy. Quanh đảo hộ dân không quá nhiều, cuộc sống lại cũng thiếu, chính vì thế mà mọi người cũng quan tâm, đùm bọc nhau hơn. Tết đến, mỗi nhà có gì lại cùng san sẻ, gom góp với nhau, thế là thành Tết. Ngày mùng 1, các cán bộ trên đảo cũng tới từng nhà hộ dân chúc tết, lì xì rồi cùng nhau đi thắp hương, đi chùa đầu năm”.
Ăn Tết xa nhà, quân và dân trên đảo quây quần bên nhau gói bánh chưng, xum họp thành một gia đình, động viên và san sẻ tình yêu thương, giúp vơi đi nỗi nhớ người thân ở đất liền. Chiếc bánh chưng gói lá bàng vuông, mang hương vị đặc trưng của Trường Sa, nhắc nhở các chiến sỹ trẻ nhớ về một thời gian khó của cha anh đi trước, khi chưa có lá dong phải dùng lá bàng vuông. Những chiếc bánh như thế đã cùng với các cán bộ, chiến sĩ nơi đây làm nên một cái tết đầm ấm, yên vui ở nơi đầu sóng ngọn gió. Bánh chưng xanh thật đẹp ấy như những người lính kiên cường, đầy nhiệt huyết ngọn lửa của ý chí quyết tâm luôn coi “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”.
Những chiếc lá bàng vuông to và đẹp nhất được lựa chọn, rửa sạch sẽ để làm lớp gói bên ngoài của bánh chưng. |
Trước đây, khi chưa có lá dong, người Trường Sa dùng lá bàng vuông gói toàn bộ gạo, đỗ ở trong rồi đem luộc. Chiếc bánh mang vị chát đặc trưng cùng vị mặn mòi của biển cả. |
Những chuyến tàu thay thu quân và chúc Tết các điểm đảo Trường Sa hàng năm bên cạnh những phần quà khắp mọi miền Tổ quốc thì thường có thêm rất nhiều lá dong. |
Ngày nay, khi cuộc sống đã đủ đầy hơn, người dân Trường Sa cũng dùng lá dong. Tuy nhiên, do vận chuyển hải trình dài ngày, phần lớn lá dong đã bị héo vàng bởi gió muối của biển. Vì thế, người ở đây vẫn sử dụng thêm lá bàng vuông để gói ngoài và cũng để lưu giữ, nhớ lại những ngày gian khó thiếu thốn trước đây. |
Mỗi năm, cứ Tết đến xuân về là cán bộ, chiến sỹ, người dân các điểm đảo lại quây quần gói bánh chưng. |
Cũng vẫn là lá dong riềng xanh rờn, thịt lợn, gạo nếp, đỗ xanh… nhưng điều làm nên sự đặc biệt của bánh chưng Trường Sa đó là lá bọc bên ngoài cùng sử dụng lá bàng vuông – giống cây đặc hữu của biển đảo. |
Toàn bộ lá dong, gạo nếp, đỗ xanh đều được vận chuyển trực tiếp từ đất liền lên bởi đây là những sản vật không thể trồng được tại đảo. |
Bánh chưng được gói ngoài bằng lá bàng vuông cho bánh lên một màu xanh rất đẹp, mùi cũng rất thơm và mang màu sắc của biển đảo quê hương. |
Lần lượt là gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn được đùm lại vuông vức trong lớp lá rong và cố định lại để tạo hình bánh chưng thật vuông vắn. Người dân Trường Sa kể, khi chưa có thịt lợn, người đi trước còn dùng cá để làm nhân thay thế. |
Bánh chưng ngày tết ở hải đảo mang đầy đủ phong vị của ngày đoàn viên. Bên cạnh đó, bánh chưng lá bàng vuông ở nơi đảo xa, nơi các chiến sỹ đang ngày đêm canh gác biển trời Tổ quốc, nơi những hộ dân bám biển giữ đất càng làm ngày Tết trở nên thiêng liêng và ý nghĩa hơn |
Chiếc bánh chưng gói lá bàng vuông như nhắc nhở các chiến sỹ về một thời gian khó của các thế hệ cha anh đi trước kiên cường bám đảo, giữ gìn chủ quyền của dân tộc. |
Bánh chưng xanh chứa chan tình đồng bào cho người Việt xa quê |
Bộ đội trổ tài thi gói hàng ngàn bánh chưng cho dịp Tết Nhâm Dần |