Theo The Verge, tháng 4/2019 tàu đổ bộ Beresheet của Israel gặp phải trục trặc trước khi hạ cánh lên Mặt Trăng. Điều này khiến tàu vỡ vụn thay vì hạ cánh nhẹ nhàng. Tuy nhiên, một loài sinh vật được đưa lên tàu có thể vẫn đang tồn tại trên Mặt Trăng.
Những sinh vật có tên là tardigrades, hay còn gọi là bọ gấu nước. Chúng được đưa lên tàu Beresheet vào phút chót trong một chiếc hộp cùng nhiều loại tế bào thực vật, động vật và DNA của con người. Gần như chẳng có ai biết đến sự có mặt của những con bọ trên tàu đổ bộ. Hơn 3 tháng sau, điều này mới được tiết lộ trong bài viết của Wired.
Bọ gấu nước được coi là sinh vật "khó chết" nhất hành tinh, có thể chịu được các điều kiện cực kỳ khắc nghiệt. Ảnh: Getty. |
"Chúng tôi đã không nói với họ về những sinh vật chúng tôi đưa lên tàu. Các cơ quan không gian không thích những thay đổi vào phút chót. Do vậy, chúng tôi quyết định cứ liều thôi", ông Nova Spivack, đồng sáng lập của tổ chức phi lợi nhuận Arch Mission Foundation, tiết lộ. Đây nhóm đưa chiếc hộp chứa các bản sao "để tái tạo sự sống trên Trái Đất".
Bọ gấu nước tồn tại từ 530 triệu năm trước. Loài sinh vật này có thể chịu được những điều kiện khắc nghiệt, thậm chí có khả năng đông cứng và hồi sinh sau hàng thập kỷ.
Năm 2007, hàng nghìn bọ gấu nước được du hành trên một vệ tinh và nó đã bay trong chân không suốt một thời gian. Khi vệ tinh trên trở lại mặt đất, các nhà khoa học đã khám nghiệm lại chúng và phát hiện ra nhiều con bọ vẫn còn sống.
Thông tin về những con bọ được đưa lên Mặt Trăng gợi lên nhiều tranh cãi, và có người còn cho rằng những sinh vật từ Trái Đất sẽ làm ô nhiễm Mặt Trăng. Tuy nhiên, những người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các hành tinh thì không nghĩ vậy.
"Cùng lắm thì những con bọ gấu nước chỉ tồn tại được dưới dạng đông cứng trong một thời gian ngắn, tùy thuộc vào việc nó có tiếp xúc với môi trường, nhiệt độ và phóng xạ trên đó", bà Lisa Pratt - Giám đốc văn phòng đảm bảo an toàn các nhiệm vụ của NASA - khẳng định.
Tàu đổ bộ Beresheet của Israel trước khi được phóng lên Mặt Trăng. Ảnh: SpaceIL. |
Trong vụ việc vừa qua, không một cơ quan quản lý không gian nào biết về chiếc hộp chứa những con bọ. Arch Mission Foundation đã xin phép để được gửi lên tàu đổ bộ một thư viện điện tử, nhưng không nói gì về chiếc hộp chứa các sinh vật.
"Đây là một tiền lệ nguy hiểm, khiến người ta nghĩ rằng có thể làm những chuyện tương tự mà không cần xin ý kiến về mặt khoa học", ông Christopher Newman - Giáo sư luật và chính sách không gian tại Đại học Northumbria - cảnh báo.
Mặc dù những con bọ nhiều khả năng không thể tồn tại trên Mặt Trăng, NASA vẫn muốn kiểm soát toàn bộ sinh vật được gửi đi theo các nhiệm vụ không gian.
Tuy chưa có điều luật nào về kiểm soát, cơ quan không gian của các quốc gia đều làm theo hướng dẫn của Ủy ban Nghiên cứu Không gian Thế giới. Hướng dẫn này chỉ rõ những loại vật gì, với số lượng bao nhiêu được phép đưa lên các vùng không gian.
Năm 1967, Hiệp ước về vùng ngoại không gian được ký kết giữa 109 nước, yêu cầu các quốc gia có hoạt động trên không gian phải giám sát tất cả những tổ chức phi chính phủ.
Arch Mission Foundation là một tổ chức Mỹ, và tàu Beresheet cũng được phóng lên ở Mỹ, do vậy Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đúng ra phải được biết và cấp phép cho những thứ mang lên Mặt Trăng.
Israel cũng có tiếng nói trong vụ việc này, bởi Beresheet do công ty SpaceIL của Israel phát triển. "Có thể nói, tôi là tên cướp đầu tiên trên không gian", ông Nova Spivack hài hước nói.
Vệ tinh có kiểu dáng quả cầu disco của công ty Rocket Lab từng gây tranh cãi khi được phóng lên vũ trụ năm 2018. Ảnh: Rocket Lab. |
Các chuyên gia vũ trụ cho rằng sự việc con bọ gấu nước khiến các quốc gia phải bàn luận về việc liệu thứ gì sẽ được phép đưa lên không gian, và các công ty tư nhân phải xin cấp phép như thế nào.
"Họ làm vậy để làm gì cơ chứ? Theo tôi, họ đang cố gắng tỏ ra ngạo mạn khi cho rằng tôi muốn làm gì thì làm mà không quan tâm đến lợi ích chung. Việc đưa chiếc hộp sinh vật lên tàu không có lợi ích gì cho con người", bà Linda Billings - nhà tư vấn khoa học của NASA - bình luận.
Đây không phải là lần đầu tiên những đồ vật được đưa lên vũ trụ mà không phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học. Nhiều thứ được đưa lên vũ trụ cũng làm dấy lên tranh cãi trong quá khứ, như vệ tinh có kiểu dáng quả cầu disco của công ty Rocket Lab. Năm 2018, SpaceX đã thả chiếc xe điện Tesla lên không gian và để nó di chuyển theo quỹ đạo xung quanh Mặt Trời.
Với sự phát triển của những công ty vận chuyển không gian tư nhân, việc quản lý những gì được "đưa lên trời" sẽ ngày càng phức tạp. Theo The Verge, tuy khó có thể tiến đến một thỏa thuận chung như hiệp ước được ký năm 1967, mỗi quốc gia sẽ cần phải nghiên cứu và điều chỉnh các quy định về hoạt động ngoài không gian.
Nguồn bài viết : LỊCH THI ĐẤU BÓNG ĐÁ