“Chiếc xe hơi sau mỗi 10.000km được người ta mang đi bảo trì, bảo dưỡng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, trong khi bản thân chủ xe không khám sức khoẻ định kì, đợi bệnh mới vào bệnh viện”, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động - nói khi chia sẻ về tiềm năng của ngành bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động - Ảnh: Hải Đăng |
Ngành dược phẩm tại Việt Nam tăng trưởng đều các năm gần đây, Thế Giới Di Động đã đặt một chân vào lĩnh vực trái ngành này khi đầu tư hệ thống nhà thuốc An Khang. Tuy vậy, theo ông Tài, ý thức chăm sóc sức khoẻ của người Việt vẫn chưa cao, dẫn đến khả năng tiêu thụ dược phẩm - chủ yếu ở mảng thực phẩm chức năng - vẫn chưa đủ lớn, do đó Thế Giới Di Động chưa dồn lực để phát triển chuỗi nhà thuốc.
Tất nhiên, một lý do khác khiến Thế Giới Di Động chưa mặn mà với ngành bán lẻ dược phẩm là do phải dồn nguồn lực cho chuỗi Bách hoá Xanh, có quy mô thị trường lớn hơn cả chục lần so với ngành dược.
Cục Quản lý Dược Việt Nam cho biết ngành dược sẽ đạt 7,7 tỷ USD vào 2021. Trong khi đó, Tổng cục Thống kê cho biết năm 2017 quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đạt 130 tỷ USD và dự báo chạm ngưỡng 180 tỷ USD vào năm 2020.
Ông Tài cho biết ngành bán lẻ dược phẩm chỉ thực sự lớn mạnh khi sức tiêu thụ thực phẩm chức năng tăng lên. Thực phẩm chức năng mới là động lực phát triển của bán lẻ dược phẩm.
Ở các nước phát triển, hầu hết người dân có ý thức rõ rệt trong việc phòng bệnh, khám định kì, mua thực phẩm bổ sung. Trong khi đó, vì nhiều lý do khác nhau, hầu hết người dân tại Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến việc phòng bệnh và chăm sóc sức khoẻ nâng cao. Đó là lý do ông Tài dự báo phải một thời gian nữa ngành bán lẻ thuốc mới thực sự phát triển.
“Tuy nhiên chúng tôi đã có chuỗi An Khang, đặt một chân vào ngành, chỉ cần đúng lúc thị trường đủ lớn, chúng tôi sẽ mở rộng mạnh mẽ”, nhà đồng sáng lập chuỗi Thế Giới Di Động khẳng định.
Ngành bán lẻ dược tại Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn. Người Việt vẫn mua thuốc tại rất nhiều nhà thuốc tư nhân nhỏ lẻ hiện nay. Các cửa hàng thuốc tư nhân hiện nay rất giống với những cửa hàng nhỏ lẻ buôn bán điện thoại di động khoảng 10 năm về trước. Do đó, nhiều ông lớn trong ngành bán lẻ công nghệ đã nhảy vào ngành này, kỳ vọng tạo cuộc cách mạng tương tự như với bán lẻ điện thoại - tức sẽ tạo ra các chuỗi nhà thuốc lớn như các chuỗi bán hàng công nghệ hiện nay.
Ông Đoàn Hồng Việt, CEO và Chủ tịch HĐQT Digiworld - công ty khởi đầu với mảng phân phối hàng công nghệ - cách đây vài năm đã đánh giá dược phẩm tại Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh, dựa vào thu nhập đầu người tăng, mối quan tâm sức khoẻ của họ tăng theo.
Thực phẩm chức năng đầu tiên của Digiworld khi công ty chuyển sang dược phẩm - Ảnh: Hải Đăng |
Đó là lý do vì sao Digiworld gần như là công ty đầu tiên trong lĩnh vực công nghệ nhảy vào dược phẩm. Digiworld chọn thực phẩm chức năng là mảng kinh doanh trái ngành đầu tiên của công ty chỉ sau mảng công nghệ, với các sản phẩm đầu tiên phục vụ nam giới.
Không lâu sau đó, vào năm 2017 FPT Retail - công ty đang vận hành chuỗi bán lẻ FPT Shop - cũng nhảy vào bán lẻ dược phẩm với việc mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu (tương tự Thế Giới Di Động mua các nhà thuốc Phúc An Khang và đổi tên thành An Khang).
“Quy mô ngành dược khoảng 4,5 tỷ USD, tương đương độ lớn ngành hàng điện thoại. Do đó tiềm năng của ngành này rất lớn và sẽ trở thành ngành hàng chủ lực của FPT Retail trong các năm tới”, bà Nguyễn Bạch Điệp, CEO và chủ tịch FPT Retail, phát biểu tại Đại hội cổ đông công ty năm 2019 mới đây.
Mới đây nhất, VinGroup đã mở các nhà thuốc đầu tiên tại TP.HCM. Trước đó, nhà thuốc VinFa của tập đoàn này đã khai trương 11 cửa hàng ở Hà Nội.
Việc rất nhiều ông lớn bán lẻ nhảy vào ngành bán lẻ dược phẩm cho thấy tiềm năng ngành này không còn bàn cãi, tuy nhiên quy mô ngành này đã đủ cho các bên thể hiện quyết tâm hay chưa vẫn khó đoán.
Ở thời điểm Thế Giới Di Động, Digiworld, FPT Shop nhảy vào bán lẻ thuốc cách đây vài ba năm, thị trường vẫn chưa có chuỗi nào thực sự mạnh. Nhưng vào thời điểm hiện nay, chuỗi Pharmacity đang dần mạnh lên và có cửa hàng ở nhiều quận tại TP.HCM. Các nhà thuốc Phano, Eco cũng mở rộng dần. Điều này thể hiện bức tranh đa dạng hơn, các đối thủ mạnh dần thể hiện. Tuy vậy, còn rất sớm để dự báo ông lớn nào sẽ làm chủ thị trường dược phẩm.
Nguồn bài viết : MG Trực Tuyến