NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

Gìn giữ nét đẹp trong phong tục đón dâu mới của đồng bào dân tộc Thái ở Tương Dương

2024-12-21 13:15:42
Hợp tác trong các hoạt động gìn giữ hòa bình và giảm thiểu nỗi đau do chiến tranh
Độc đáo Tết Lấp lỗ của đồng bào dân tộc Chứt ở Hà Tĩnh

Theo phong tục của đồng bào dân tộc Thái, cô dâu được đón về vào giờ đẹp nhất để làm thủ tục của gia tiên, có thể từ khi gà chưa gáy sớm, hoặc lúc mặt trời vừa nhô khỏi quả núi đầu bản. Vì thế, ngay từ sáng sớm công tác chuẩn bị phải được hoàn tất, với đầy đủ các lễ vật đón và mừng dâu mới. Theo phong tục trong lễ đón dâu, quan trọng nhất là mâm vía buộc chỉ cổ tay khi đón dâu về nhà, trong mâm lễ của đồng bào dân tộc Thái, hay tiếng Thái gọi là “Phướn vắn tòn Pợ mơ” phải có Vò rượu cần, 2 chiếc cần, có buộc sợi chỉ gai, 2 quả trứng gà luộc bổ đôi, thủ và các bộ phận linh vật cúng và các đồ vật hồi môn.

Theo ông Kha Văn Lợi, già làng bản Đình Tiến, xã Tam Đình, huyện Tương Dương cho hay: Trước khi đón dâu về, tất cả các vật lễ đều được bố mẹ đẻ, ông bà mối chuẩn bị, người có uy tín trong họ tộc chuẩn bị từ linh vật, lễ vật, có gia đình chỉ đôi gà, nhưng phổ biến là đầy đủ thủ, 2 đùi, hông con lợn là lễ, thêm trứng, dây chỉ để buộc tay, các vật phẩm tặng, mừng đôi vợ chồng mới được xếp gọn theo thứ tự trong mâm mây…Ông mo bắt đầu cúng, tiếng Thái gọi là “Xủ vắn” khi đôi vợ chồng, bố mẹ chú rể, họ hàng bên ngoại đưa dâu và anh em họ hàng ngồi xung quanh mâm. Trong lời “xủ” của ông mo có những câu, từ mang hàm ý cầu mong cho đôi trẻ hạnh phúc, sinh con đẻ cái, cùng chung sống đến đầu bạc, râu dài như sợi chỉ, biết hiếu thảo với bố mẹ 2 bên, kính trọng, yêu thương mọi người.

Buộc chỉ cổ tay cho cô dâu chú rể, bố mẹ, ông bà mối chúc phúc bằng cách cầm tay cô dâu, chú rể trong lúc hành lễ.

Ở huyện Tương Dương, người Thái chiếm đến 85% trong tổng số gần 76 nghìn người sinh sống ở 17 xã, thị trấn trên toàn huyện. Cũng như các dân tộc khác, đồng bào dân tộc Thái cũng có nhiều nét văn hóa đẹp, đặc biệt là trong tục cưới hỏi. Theo truyền thống, việc cưới hỏi là việc hệ trọng của cả đời người nên được cả cộng đồng và các gia đình rất coi trọng. Khi con trai, con gái trưởng thành, muốn lấy vợ gả chồng đều tự do tìm hiểu, không có sự sắp đặt của cha mẹ, tình yêu đôi trẻ đủ chín, nhà trai phải chủ động đi xin ông bà mối. Ông bà mối ở đây không phải là người mai mối, mà là người có uy tín, am hiểu phong tục cưới hỏi trong bản, trong xã được gia đình nhà trai làm thủ tục nhờ làm ông bà mối và được xem như bố mẹ, thay gia đình nhà trai bàn bạc và quyết định các thủ tục cưới hỏi cho con trẻ. Trong các thủ tục “Xủ vắn tòn Pợ mơ” cũng được ông bà mối cùng thầy mo, thầy cúng đứng ra làm lễ. Sau đó, phải chọn ngày, giờ đẹp mới tiến hành nghi thức cầu phúc, cầu an rồi buộc cổ tay cho đôi trẻ.

Ông mo chia đôi quả trức cho đôi vợ chồng trẻ trong mâm vía với ý nghĩa, cầu cho 2 con hạnh phúc, sẻ chia niềm vui và sự khó khăn trong cuộc sống.

Ông Lợi cho biết thêm: Mâm vía “phướn vắn tòn pợ mơ” khác với mâm vía thường, phải có vò rượu, 2 cần, có sừng, 2 quả trứng, có con lợn và 1 sợi chỉ gai. Buộc chồng rồi buộc vợ 1 bên mới tách đôi ra, để 2 sợi chỉ quyến luyến với nhau. Khi cúng vía này phải nhắc đến khi ở trên trời họ đã là vợ chồng, sau khi hạ sinh xuống trần, thành trai, thành gái đến khi họ yêu nhau. Gia đình có rượu có đồ đi xin đủ các thủ tục bên gái, xong mới đón dâu về nhà, làm vía “tòn pợ mơ”. Khi đặt mâm ra, ông mối lấy 2 quả trứng chia đôi cho 2 người ăn, sau đó buộc 1 sợi chỉ cổ tay, lúc này 2 tay của dâu, rể phải đặt chéo nhau, tay chú rể ở bên trên, tay cô dâu ở dưới, trứng cũng vậy, chú rể ăn miếng trên, cô dâu ăn miếng úp dưới, sau đó uống rượu cần chung đôi, 2 chiếc cần cũng phải chéo nhau, vợ chồng phải uống hết 2 sừng,…”.

Cô dâu chú rể được đón nhận những món quà chúc phúc từ các vị tiền bối, người có uy tín trong họ tộc

Theo quan niệm của người Thái, đàn ông có 7 vía, đàn bà có 9 vía, khi cùng về chung sống với nhau thì hồn vía cũng được gọi về chung một nhà. Chính vì thế, khác với các lễ buộc chỉ cổ tay để giữ vía cầu an, thì lễ “Xủ vắn pợ mơ” cũng là buộc chỉ cổ tay, nhưng mang thêm ý nghĩa lớn nữa là cầu hạnh phúc. Đặc biệt, trong lễ buộc chỉ cổ tay anh em họ hàng bên nội còn có những món quà rất ý nghĩa như: váy, áo, khăn piêu, thắt lưng, chăn, màn, đệm, gối, vải xô hay ai có điều kiện hơn thì mừng chiếc vòng kiềng, lắc tay, hoa tai, nhẫn vàng, bạc, trâm cài đầu, xà tích cho con làm của hồi môn, với mong muốn đôi con trẻ mãi mãi hạnh phúc, đủ đầy.

Ông Lô Thanh Long - Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tương Dương cho biết: “Bên cạnh việc bài trừ các thủ tục lạc hậu, chúng tôi cũng có đề án, kế hoạch riêng để phục dựng, lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc trưng riêng của mỗi dân tộc, xem đó là một trong những sắc màu góp phần tô đậm bản sắc văn hóa của đồng bào mà dân tộc nào cũng có trách nhiệm phải gìn giữ.”

Ông mo trao áo cô dâu cho chú rể để nhập gia tiên.

Với nhiều cách làm hay, nhiều Đề án bảo tồn và lưu giữ giá trị truyền thống của đồng bào các dân tộc đã và đang được huyện Tương Dương triển khai, thực hiện sâu rộng trên toàn huyện. Theo đó, thực hiện nếp sống văn hóa mới, nhiều phong tục tập quán rườm rà, gây tốn kém trong cưới hỏi hay các tục lễ khác đã được các gia đình rút gọn. Nhưng với các phong tục được xem là nét đẹp, mang ý nghĩa sâu sắc đã ăn sâu vào tiềm thức của dân tộc như tục “xủ vắn tòn Pợ mơ”, buộc chỉ cổ tay, uống rượu chung đôi hay một số phong tục trong đời sống, tâm linh vẫn được đồng bào chú trọng lưu giữ, họ xem đó không chỉ là để giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc mình mà còn để góp phần cùng chung tay xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo Truyền hình Nghệ An

https://truyenhinhnghean.vn/dat-va-nguoi-xu-nghe/202308/gin-giu-net-dep-trong-phong-tuc-don-dau-moi-cua-dong-bao-dan-toc-thai-o-tuong-duong-1ef2b65/

Khánh Hòa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 100 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Gìn giữ nét đẹp tranh làng Sình
Top