Mũi Cà Mau đứng trước nguy cơ bị biển lấn nghiêm trọng - Ảnh: Internet
Ngày 3/5, Sở NN- PTNT Cà Mau cho biết, bờ Biển Tây trên địa bàn Cà Mau sạt lở bình quân từ 20 đến 25 m/năm và bờ Biển Đông từ 45 đến 50 m/năm với chiều dài khoảng 150 km.
Bình quân mỗi năm, biển ăn khoảng 450 ha đất ven biển. Một số đoạn bờ biển bị sạt lở có nguy cơ vỡ đê biển hơn 40 km, 5.100 m rừng phòng hộ ven biển có nguy cơ bị nhấn chìm. Trong đó, đoạn từ Tiểu Dừa đến Hương Mai thuộc xã Khánh Tiến (U Minh) với chiều dài hơn 2.000 m bị sạt lở sát tuyến đê Biển Tây.
Từ năm 2009 đến nay, tỉnh Cà Mau khắc phục sạt lở tại những vị trí rất xung yếu bằng kè bằng vật liệu địa phương, kè bản nhựa, kè rọ đá, kè ngầm tạo bãi… khoảng 17 km.
Hiện nay, tỉnh Cà Mau đang thi công hơn 7 km kè khẩn cấp thuộc Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đê biển Tây và triển khai Dự án đầu tư xây dựng đê biển Đông, dài hơn 76 km thuộc địa bàn huyện Đầm Dơi và Năm Căn với tổng mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng.
Trước đó, theo nghiên cứu của Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam (thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam), bán đảo Cà Mau đang có xu hướng lún xuống.
Tiến sĩ Đỗ Văn Lĩnh, Phó liên đoàn Trưởng của Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam cho biết, nơi sụt lún sâu nhất ở Cà Mau đo được là 1,71 cm một năm, sụt lún trung bình do khai thác nước ở đây khoảng 0,35 cm một năm.
Có ba nguyên nhân của tình trạng này gồm sụt lún cấu kết do trầm tích trẻ, do khai thác nước và do chuyển động kiến tạo từ sụt xuống. Xu thế này sẽ còn tiếp tục trong những năm tới.
Một nghiên cứu của Viện Địa kỹ thuật Na Uy (NGI) trước đó cũng cho thấy Cà Mau đang trong xu hướng sụt lún mạnh. Con số nghiên cứu của đơn vị này cao hơn so với nghiên cứu của Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam.
Báo cáo kết quả sơ bộ NGI cho rằng, ở tỉnh Cà Mau có thể bị sụt lún nghiêm trọng trên bề mặt xuất phát từ hoạt động bơm nước mặt của 109.096 giếng nước với tổng lượng nước được bơm là 373.000 m3/ngày, nếu chia lượng nước khai thác được cho tổng diện tích của tỉnh Cà Mau (khoảng 4.350 km2) thì kết quả là tốc độ lún hoặc sụt theo thứ tự là 1,9 - 2,8 cm/năm. Nếu lấy diện tích của tỉnh Cà Mau là 5.300 km2 thay vì 4.350 km2 thì tốc độ sụt lún là 1,56 - 2,30 cm/năm.
Nghiên cứu của NGI còn chỉ ra, trong 15 năm (1998-2013), tốc độ sụt lún mặt đất là 30-80 cm và theo dự báo trong vòng 25 năm tới, tốc độ sụt lún sẽ tăng lên 90-150 cm và 210 cm trong vòng 50 năm tới.
Tổng hợp từ Tiền Phong