Ước mơ giữ rừng phi lao chắn cát

2024-12-21 13:59:14

Thoạt nghe sẽ có người bảo ông gàn dở, già rồi không nghỉ ngơi còn đi lo việc không đâu. Đúng là ông khác người, nhưng cái khác người của ông lại có ý nghĩa thật đặc biệt. Chẳng có ai “dại” như ông, cả cuộc đời chỉ chăm chăm trồng phi lao chắn cát, dùng mồ hôi, nước mắt và cả máu của mình để bảo vệ từng ngọn phi lao, cả đến khi bước vào tuổi gần đất xa trời cũng chỉ ước mong giữ được rừng phi lao ven biển... Ông là Nguyễn Văn Lán, 86 tuổi, trú tại Hội Thành, Xuân Hội, Hà Tĩnh, chủ nhân của hơn 10 ha rừng phi lao chắn cát ven biển.

Yêu rừng như yêu người

Tìm đến ông Lán vào một ngày hè oi bức, chúng tôi ngồi cùng nhau dưới tán cây phi lao nhâm nhi bát chè xanh, cái nóng rát khô hanh của mùa hè dường như tan biến hẳn. Ông thường đùa, chỗ của ông có điều hòa nhiệt độ miễn phí. Chả trách, đám thanh niên thỉnh thoảng lại ra chỗ ông trốn nắng, chúng bảo ngủ ở đây còn thích hơn ngủ ở phòng máy lạnh điều hòa. Thế mới thấy, rừng cây phi lao của ông hữu ích thế nào.

Nhiều cây phi lao đã đến tuổi thu hoạch nhưng ông Lán không nỡ chặt.

Dưới tán cây rì rào, đôi mắt người cựu chiến binh thăm thẳm, nhớ lại những mảnh kí ức đầu tiên gắn bó với rừng phi lao. Thời trai trẻ, đi theo tiếng gọi của cha anh, chàng trai Nguyễn Văn Lán khoác trên mình chiếc áo lính với tinh thần sục sôi, anh dũng. Tham gia chiến đấu trên chiến trường phía Tây Thanh Hóa, chiến tranh ác liệt, năm 1954 anh bị thương nặng không thể chiến đấu đành phải trở về quê hương.

Về nhà, chứng kiến thiên tai, bão lớn, sóng dữ xảy ra triền miên, lũ lớn làm vỡ đê, nhà cửa bị tàn phá, lúa gạo bị cuốn trôi, người dân đã nghèo lại thêm khổ, nhiều người phải dắt díu nhau rời bỏ quê hương tha phương cầu thực. Người ở lại cũng gặp nhiều khó khăn, đất cát lại bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, trồng trọt đã khó lại thêm nạn cát bay, biển xâm lấn đất liền. Thấy vậy, năm 1986, ông bàn bạc với vợ con dựng lều ra ngoài biển để ở, với nguyện vọng trồng cây ven biển ngăn chặn thiên tai, giúp đỡ bà con.

Nói là làm, ông viết đơn xin chính quyền bàn giao đất trồng cây. Được cấp đất, ông mượn tiền mua cây giống phi lao. Bước đầu do số tiền ít ông chỉ trồng được khoảng 1 ha rừng phi lao, rồi dần dần, để dành được ít tiền ông lại mua cây con để trồng. Rồi nhiều khi khó khăn, không có tiền mua giống ông mày mò đi nhặt hạt phi lao về ươm cây để trồng. Cứ thế, năm này qua năm khác, ngót nghét cũng đã 30, đến nay diện tích rừng phi lao của ông lên đến 10 hécta. Rừng cây trải dài ôm trọn cả một vùng quê hiền hòa, che chở cho người dân nơi đây được yên ổn làm ăn, ít phải chịu hậu quả của thiên tai.

Ông bảo, lúc đầu chưa có kinh nghiệm, cây con chết nhiều lắm, vừa tiếc, vừa buồn, ông không ăn nổi cơm, cả ngày cứ quanh quẩn bên vườn cây, gánh nước tưới liên tục, ấy thế mà cũng cứu được hơn nửa rừng cây con. Nhìn từng ngọn cây lớn lên mỗi ngày, niềm vui ngập tràn trong lòng người cựu chiến binh giàu ý chí. Ông coi mỗi cây phi lao ở đây đều là con của mình, dù cây đã lớn, có thể thu hoạch nhưng ông cũng không nỡ chặt đi. Mỗi khi có bão, rừng cây xơ xác, gãy đổ, ông buồn mất mấy ngày, rồi lại cặm cụi ươm cây trồng thay thế.

Nhìn rặng phi lao bạt ngàn, phủ dài một vùng cát trắng bà con mới thấu hiểu được ý nghĩa việc làm của ông. Từ khi có rừng phi lao, người dân ở đây ăn nên làm ra, thiên tai, thiệt hại cũng ít đi, đất đai được ngăn chặn cát xâm lấn, được thau chua rửa mặn lại thêm màu mỡ. Ai cũng yêu quý và biết ơn ông.

Ông Phan Văn Bát, một người dân ở đây cho biết: “Ông Lán là một tấm gương tốt để chúng tôi noi theo. Ông trồng cây mà không nghĩ đến tiền bạc chi cả, lại vui vẻ, nhiệt tình, ai cũng quý”.

Tấm lòng người ngư dân

Vốn làm nghề đánh bắt cá, suốt cuộc đời gắn bó với biển, ông Lán cũng thấu hiểu được sự vất vả, nguy hiểm khi lênh đênh trên mặt biển mưu sinh. Chẳng ai nhờ nhưng ông vẫn cặm cụi đốn tre, phi lao, làm thành những ngọn hải đăng vững chắc dựng ven biển để thuyền bè dễ dàng tìm đường trở về. Rồi những ngày biển động, hay sóng lớn ông lại hướng ánh mắt mình ra biển, kiểm tra chỗ này chỗ kia.

Nhờ thế mà cứu được rất nhiều người. Ông kể có lần 2 tàu hải quân bị mắc kẹt vào đầm lầy không đi được, ông liền đốn hai cây phi lao to nhất rồi làm 4 chiếc neo cho 2 chiếc tàu nên mới đi được. Lần khác, ông cứu được 37 người bị chết máy, trôi dạt lênh đênh ngoài biển. Thuyền đánh cá của ông cũng là nơi cưu mang, tạo công ăn việc làm cho hơn 50 người đi biển. Còn con em trong làng được ông cứu vớt thì vô kể. Ông cười nói: “Giờ ở đâu cũng có con ông, nhiều người được ông cứu cứ nằng nặc xin ông được làm con nuôi, vui lắm!”.

Ngư dân ở đây, chẳng có ai chưa từng nhận sự giúp đỡ của ông Lán, hễ tàu, thuyền bị hư hỏng cái gì ông lại giúp đỡ, sửa sang cho mà chẳng cần tiền hay trả công gì. Người ngư dân này còn lập ra một ngôi miếu nhỏ, ngày ngày hương khói cho những người đã khuất, đồng thời cầu bình an cho thuyền bè đánh bắt trên biển. Cứ thế, tấm lòng người ngư dân đôn hậu được mọi người đón nhận, hễ ông có việc gì ai cũng tình nguyện giúp đỡ ông.

Ước mơ giữ vững rừng phi lao

Dù đã già ông vẫn muốn sống trong căn nhà xập xệ của mình để bảo vệ rừng phi lao.

Suốt 30 năm gắn bó, rừng cây như người nhà của ông, dù con cái đã trưởng thành, mong muốn ông trở vào làng sống cùng gia đình nhưng ông vẫn lắc đầu nguầy nguậy. Rừng phi lao đã thành nhà của ông, là nơi ghi dấu những kỷ niệm, năm tháng khổ cực và những niềm vui, hạnh phúc. Vì thế, ngày ngày người ta vẫn thấy bóng người cựu chiến binh già lụi cụi trong căn nhà lụp xụp, khi thì ươm cây trồng, khi thì làm hải đăng… Ông bảo, khi nào còn có sức ông vẫn còn trồng cây.

Trồng rừng vốn đã khó, giữ rừng lại càng khó hơn. Đêm xuống, giấc ngủ ông chập chờn, lo sợ bọn lâm tặc chặt phá cây. Ông kể, có lần phát hiện bọn lâm tặc, ông ra can ngăn, bị chúng đánh gãy mất 7 cái răng, và 1 ngón tay út. Lần khác, ông bị đánh cho ngất đi, có lúc chúng lại đánh con ông hoặc đập phá nhà cửa. Vừa tức, vừa buồn thế mà khi thủ phạm bị bắt, ông lại thương tình lên xin tha hoặc giảm án cho chúng.

Yêu rừng phi lao là thế, vậy mà khi có chính sách xây đê ven biển, ông sẵn sàng chặt 3 hécta rừng, gần 500 cây phi lao 5 tuổi để có chỗ xây đê. Ông mừng lắm, có đê biển vững chắc thì thiên tai bão lũ cùng không phải sợ như trước nữa. Ông còn tình nguyện giữ đê không lương. Suốt 8 năm nay ông làm việc thầm lặng, một mình trông coi đê. Hễ đê có bị sụt lún, hay rạn nứt ông lại lên báo chính quyền để tu bổ.

Ông Đậu Văn Liễu, chủ tịch mặt trận xã Xuân Hội cho biết: “Việc làm của ông Lán hết sức đáng trân trọng, đầy giá trị nhân văn. Từ khi ông Lán trồng rừng, chúng tôi cũng đã cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để ông phát huy và có những chính sách hỗ trợ thỏa đáng”.

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn phi lao, ông Lán đăm chiêu: “Rừng cây này, không biết khi tôi khuất sẽ như thế nào nữa?”. Cả đời người gắn bó với nó, coi rừng là nhà, ông sợ người ta chỉ thấy cái lợi trước mắt mà chặt bỏ rừng phi lao, tâm niệm cuối cùng ông cũng chỉ mong muốn có người sẽ thay mình bảo vệ rừng và phủ xanh thêm những vùng đất trống.

Chúng tôi ra về, biển và rừng cây dần xa tầm mắt, nhưng nơi xa đó, hình ảnh người cựu chiến binh giản dị, hiếu khách, ngày ngày cặm cụi bảo vệ rừng phi lao trải dài và ngư dân sẽ mãi ở trong tâm trí chúng tôi, tin rằng rừng cây của ông sẽ mãi được bảo vệ, che chở cho vùng quê hiền hòa.

Theo Báo Tiền phong

Top