Văn Tuấn Anh, chủ nhân làng Cù Lần, Đà Lạt: Tôi có niềm tin rồi mọi người sẽ thấy giá trị của thiên nhiên không phải chỉ một kiếp này mà còn cho con cháu tương lai.
Cái ranh giới mong manh giữa doanh nhân và nhạc sĩ đã khiến anh chẳng thể nào yên được. Chàng bỏ phố lên tận rừng sâu lập làng, gầy dựng một lối sống, một triết lý nhân sinh rất… Cù Lần.
Khởi nghiệp với nghề kim khí điện máy đang rất thành công, vì sao anh bất ngờ chuyển sang bất động sản?
Tôi khởi nghiệp kinh doanh điện máy ngay từ khi đất nước mới mở cửa với năm cửa hàng lớn ở những vị trí tốt nhất, lợi nhuận mỗi cửa hàng một ngày hơn 10 triệu đồng, thời điểm đó con số này không phải nhỏ. Nhưng tôi là người mau chán. Năm 1997 tôi bước sang bất động sản đúng vào cơn suy thoái kinh tế Đông Nam Á, dù thị trường bị ảnh hưởng nặng nhưng tôi đi vào phân khúc nhỏ. Đến năm 2001, thị trường bất động sản sống lại, trở thành bong bóng. Một căn nhà phố từ 80 – 100m2 giá lên tới ngàn lượng, tôi thấy có gì đó không thực, không ổn. Bị ngộp bởi những món lời khủng, bởi không gian đô thị xô bồ và giả tạo, một lần nữa tôi lại chán, bỏ lên Đà Lạt.
Rồi sao anh lại bất ngờ… bỏ vào rừng?
Vì tôi cứ mơ tưởng về một không gian có đàn chim bay thẳng cánh, có mặt hồ trong soi bóng những cánh rừng già. Giấc mơ này dẫn tôi đến những ngôi làng ẩn sâu trong Suối vàng hàng trăm năm của người dân tộc.
Cảm giác đầu tiên của anh khi đặt chân đến ngôi làng K’Ho này và gầy dựng nó thành “Một trong mười điểm du lịch văn hoá Việt Nam do UNESCO” bình chọn, “Điểm đến yêu thích của ASEAN” 2015?
Người K’Ho chọn vị trí làng ẩn sâu trong rừng già, với ba tiêu chí về nguồn nước: nước để ăn chảy từ khe đá trên núi cao gọi là dốc cổng trời; nước để giặt giũ, tắm rửa lấy từ mạch ngầm dưới đất; nước để chăn nuôi, trồng trọt lấy từ suối. Về thế đất, làng nằm lọt thỏm trong thung lũng có núi bao quanh, vừa có suối, vừa có nước ngầm, vừa có nước từ trời. Lần đầu tiên đặt chân đến đây, tôi choáng ngợp bởi sự bình yên, và tôi muốn lưu giữ tinh thần kiến trúc bản địa dựa trên không gian làng Tây Nguyên.
Nếu không có đồng bào bản địa giúp đỡ, tôi không thể làm được một tác phẩm xanh như vậy. Để có thể tiếp đón cả ngàn du khách mỗi ngày, trong kiến trúc Tây Nguyên từ nhà rông, nhà dài, nhà sàn… không có mái nhà nào đủ rộng. Đó là sự thách đố với nhà đầu tư. Với tinh thần khiêm nhường trước thiên nhiên, mọi vật liệu hiện đại đều ẩn dưới vẻ lộng lẫy của thiên nhiên, nương vào thiên nhiên. Cù Lần có những tour Sống cùng người bản địa; Cắm trại giữa rừng… Rõ ràng nhu cầu trở về sống cùng thiên nhiên rất lớn, một làng Cù Lần không thể đáp ứng đủ.
Anh muốn kể một câu chuyện làng như thế nào?
Những ngôi làng Việt Nam đều rất đẹp, nhưng không hiểu sao cứ buồn buồn, nghèo nghèo, xiêu vẹo, ảm đạm trùm lên đời sống con người. Tôi muốn tạo ra ngôi làng bình yên, lãng mạn, nơi đó có sự sống, hạnh phúc, ấm no. Có lẽ mình tham quá chăng?
Cù Lần còn có cả một phòng tranh với bộ sưu tập khá đồ sộ tên tuổi các danh hoạ Việt Nam, một đầu tư… xa xỉ?
Tôi mê tranh từ lâu, sưu tập tranh của những hoạ sĩ danh tiếng trong nhiều năm trời. Cù Lần còn có một bảo tàng tượng gỗ Tây Nguyên. Tôi muốn đem đến cho du khách một ký ức đẹp để mang về. Nếu đó là một ký ức hạnh phúc, vui vẻ, sẽ nhận được cảm hứng tích cực không chỉ cho cái tên Cù Lần, mà cho cả Lâm Đồng. Đó là tình yêu với rừng, với thiên nhiên. Đừng kêu gọi, hãy làm cho họ yêu, tự nhiên họ sẽ bảo vệ rừng. Đã yêu thì không thể phá, đó là thành công của kinh doanh.
Một góc làng Cù Lần. Ảnh TL
Cảm hứng của anh đã truyền cho vợ và con trai?
Ban đầu vợ tôi cũng không yên tâm vì không quen đầu tư phiêu lưu, tuy nhiên sau khi lui tới nhiều lần, chính thiên nhiên nơi đây đã thuyết phục cô ấy. Giờ cô ấy còn mê rừng hơn cả tôi nữa. Con trai tôi ngay từ nhỏ đã mê thiên nhiên, những gì liên quan đến cái đẹp, kể cả… phụ nữ! (cười hóm hỉnh). Sau khi du học nước ngoài, cháu về giúp tôi quản lý. Học thêm về văn hoá bản địa, cộng với kiến thức quản trị kinh doanh, cháu khai thác các sản phẩm mới tốt hơn bố nhiều.
Và mối tình của chàng người Mỹ tên Josh và cô gái K’Ho Rolan với thương hiệu K’Ho Café đã biến câu chuyện tình yêu huyền thoại mà anh viết cho Cù Lần thành hiện thực?
Người ta thích nghe những câu chuyện tình yêu có hậu, nên tôi đã đẩy câu chuyện thực lui về trước 100 năm, để thằng Cù Lần tặng cho người yêu một thiên đường hoa mua ở giữa rừng. Tôi đâu biết chính mảnh đất tình yêu này đã nảy sinh ra một chuyện tình mới, đó là mối tình của Josh với Rolan. Josh là kỹ sư nông nghiệp đang có công việc rất tốt ở Mỹ, trong chuyến đi tới Cù Lần anh đã gặp Rolan và từ bỏ tất cả để về sống ở đây. Hàng ngày Josh rang, xay càphê bằng tay để gầy dựng thương hiệu K’Ho Café tinh khiết, cung cấp càphê tử tế, chất lượng cho du khách. Họ đã có một đứa con trai rất đẹp. Rolan đang là hướng dẫn viên phụ trách tour Sống với người bản địa, cô biết bốn thứ tiếng K’Ho, tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp.
Anh đã sáng tác năm ca khúc cho ngôi làng này, ca khúc nào cũng có tên… Cù Lần, hẳn anh phải thấm thía lắm nỗi đắng cay khi tự nhận mình là Cù Lần?
Dù có lãng mạn tới đâu tôi vẫn là nhà kinh doanh. Đây là dự án đầu tư lớn nhất của tôi. Để biến 10ha đất thành làng, tôi đã phải vay thêm ngân hàng. Rồi áp lực đầu tư thêm liên tục, áp lực đời sống của hàng trăm nhân viên… Nhưng tôi có niềm tin rồi mọi người sẽ thấy giá trị của thiên nhiên không phải chỉ kiếp này mà còn cho con cháu tương lai. Tình yêu thiên nhiên, sự đam mê một không gian sống chuẩn mực theo cách của mình khiến tôi bất chấp tất cả, đó là sự bất chấp của người kinh doanh theo cách của mình.
Tôi cũng “nhận” được rất nhiều. Ngày xưa mình quên thở, giờ leo dốc làm sao không thở. Hít thở sâu và uống nước sạch quan trọng lắm. Có lẽ nhờ thế mà sáng tác được. Sống với thiên nhiên giúp tôi nhận ra: sự chân thực, mộc mạc, chia sẻ mới là quý giá nhất. “Mang phồn hoa đổi lấy gió sương, mang vàng son đổi hoa mua rừng…” Cù Lần, nghĩ theo cách của tôi, lợi lộc bản thân rất ít… bởi “Thằng Cù Lần đã yêu, hắn trao thân cho rừng già…” (cười hạnh phúc).
Ảnh TL
Kim Yến thực hiện – Hoàng Tường hoạ chân dung (Thế giới tiếp thị)