Con đường từ chân đồi lên tới Hùng Long Tự, hai bên toàn là rừng cây bát ngát, cảnh vật thật yên tĩnh và u nhàn. Ngôi chùa này còn có tên là chùa Sư Muôn, một ngôi chùa cổ nằm trên ngọn đồi cao thuộc ấp Suối Đá, xã Dương Tơ, huyện đảo Phú Quốc – Kiên Giang. Khách hành hương vừa đi vừa lắng lòng, cố giữ cho tâm hồn thanh tịnh vì đây là chốn thiền môn, một cõi bình yên, nơi nói không với phiền não.
Tôi theo chân đoàn người hành hương chầm chậm tiến dần về phía tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, nơi có bóng cây Konia cổ thụ. Khi đi qua khỏi cổng chùa tôi đã phát hiện có một đám đông vây quanh một cô gái đang ngồi bên cây đàn. Thì ra tiếng đàn mà tôi lắng nghe nãy giờ là tiếng độc huyền của cô gái này.
Đường lên Hùng Long Tự (chùa Sư Muôn).
Giữa không gian trầm mặc của núi rừng, tiếng đàn u ẩn cất lên làm cho nhiều người dừng chân lại, đôi mắt hướng về cô gái có bàn tay điệu nghệ đang rung rung nhẹ cần đàn. Tiếng đàn phát ra càng lúc càng mềm mại, uyển chuyển, lúc khoan lúc nhặt, ngọt ngào, làm ai nấy cũng nao lòng. Bởi thế người xưa mới có câu: “Đàn bầu ai gảy nấy nghe/ Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”
Đợi cho tiếng đàn im bặt tôi mới bước đến làm quen. Cô tên là Lê Thị Nhiều (Bích Nhiều), 30 tuổi, quê ở Châu Thành – Kiên Giang, bị lao cột sống từ lúc nhỏ, tật nguyền, không còn lao động được nên phải rời quê ra Phú Quốc, tìm đến nơi cửa chùa u tịch này để mưu sinh bằng tiếng đàn bầu ròng rã trong suốt 8 năm qua.
Bích Nhiều may mắn được một nghệ sĩ đàn bầu tài hoa ở Dinh Cậu – Phú Quốc truyền hết ngón nghề nên cô đã sử dụng thành thạo các kỹ năng từ rung, vuốt, vê đến luyến láy một cách điêu luyện, khiến cho người nghe ai ai cũng động lòng. Trong cái không gian yên ắng và cô tịch giữa núi rừng, mỗi lần tiếng đàn của cô gãy lên, người nghe như có một sức quyến rũ diệu kỳ, khi tươi tắn khỏe mạnh, lúc nỉ non tiếc nuối chẳng khác nào những giọt sầu lắng đọng.
Bích Nhiều bên cây đàn bầu.
Hình như cô thuộc rất nhiều bài, một mình ngồi độc tấu hàng giờ mà tiếng đàn vẫn mênh mang, bất tận, khi thì bài “Lòng mẹ” man mác buồn, khi thì “Những đồi hoa sim” êm đềm và sâu lắng. Rồi bài “Ru con”, “Lý chiều chiều”, “Lý con sáo”… bài nào cũng réo rắt, âm sắc tuyệt vời, buồn bã, trữ tình và thiết tha.
Gặp Bích Nhiều một lần rồi chia tay. Lúc từ giã Phú Quốc xuống tàu ra khơi, con tàu nổ máy rồi dần mờ xa, bỏ lại sau lưng tất cả núi đồi nơi đảo Phú Quốc và ngôi chùa Hùng Long Tự mà sao lòng tôi vẫn vương vấn mãi tiếng đàn bầu.
Cách nay mấy tháng, tôi lại có dịp ra Phú Quốc gặp cô lần nữa. Cũng chỗ ngồi dưới gốc bồ đề cổ yên ả, cũng cây đàn bầu cũ kỹ, đôi tay cô vẫn thoăn thoắt gảy lên những khúc nhạc buồn, vui. Khách hành hương vẫn bao quanh cô với một niềm cảm thông vô hạn.
Theo Dân việt