Kết tình anh em trên đất Lào - ký ức không quên của cựu chuyên gia quân sự Việt Nam |
Khi hai thôn Việt - Lào hòa chung nhịp sống |
Tương truyền, cách đây 6 thế kỷ, khi nước Việt phải đương đầu với nguy cơ giặc ngoại xâm, dân tộc Lào anh em đã cử một nàng công chúa xinh đẹp và dũng lược dẫn theo đội tượng binh (voi chiến) hùng mạnh sang giúp sức. Sau khi cùng Đại Việt hoàn thành sứ mệnh kiêu dũng và đại nghĩa đó, công chúa đã ốm bệnh, qua đời trên đất Việt. Tưởng nhớ nghĩa tình, công ơn nàng cũng như của dân tộc Lào anh em, triều đình, nhân dân Đại Việt đã lập đền thờ tại thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình và thờ nàng. Công chúa được dân gian đặt tên Việt thành kính và thân thương: Công chúa Nhồi Hoa!
Trải qua nhiều thế kỷ, đền Thượng Thái Sơn vẫn bảo tồn được các hiện vật quý giá, trong đó có các sắc phong và đồ thờ từ thời Nguyễn, tượng gỗ chạm khắc chân dung công chúa Nhồi Hoa, minh chứng cho sự tôn kính sâu sắc của người dân địa phương. Đến năm 2007, đền được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, trở thành địa điểm linh thiêng gắn kết tình hữu nghị giữa Việt Nam và Lào.
Hàng năm, vào dịp tháng Ba âm lịch, người dân thôn Thái Sơn lại trang trọng tổ chức Lễ húy nhật công chúa Nhồi Hoa. Đây không chỉ là dịp để người dân địa phương bày tỏ lòng tri ân mà còn là cơ hội để cộng đồng người Việt và người Lào hội tụ. Lá cờ Lào tung bay bên cạnh cờ Tổ quốc trong không gian linh thiêng của đền Thượng Thái Sơn tạo nên một hình ảnh biểu tượng, minh chứng sống động cho mối liên kết văn hóa, tâm linh giữa hai quốc gia.
Lễ hội thường bắt đầu với nghi thức rước kiệu từ đền Thượng Thái Sơn xuống đền Hạ Thái Sơn - nơi thờ Thành hoàng làng. Đoàn rước do đội trống chiêng và đội cờ dẫn đầu, theo sau là các cụ cao niên, dân làng và du khách. Điểm nhấn của lễ hội là nghi thức tế nữ quan tại đền Thượng, với các nghi lễ trang nghiêm như dâng hương, đọc văn tế, chiếu sắc và hóa văn. Phần hội của lễ húy nhật trở nên đặc sắc hơn khi có sự tham gia của lưu học sinh Lào đến từ Đại học Hoa Lư. Các tiết mục múa Chăm Pa truyền thống, biểu diễn văn nghệ của sinh viên Việt - Lào không chỉ tạo ra không khí vui tươi, gần gũi mà còn thể hiện sâu sắc tình đoàn kết giữa hai dân tộc.
Lễ rước kiệu tại Lễ húy nhật Công chúa Nhồi Hoa. (Ảnh: Nguyễn Giang) |
Tại lễ húy nhật công chúa Nhồi Hoa vào tháng 4/2024, Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh bày tỏ mong muốn đền thờ sẽ trở thành một điểm đến văn hóa hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan và tìm hiểu di tích. Qua đó, ngôi đền sẽ trở thành biểu tượng trường tồn của tình hữu nghị Việt - Lào. "Câu chuyện của công chúa Nhồi Hoa là minh chứng sống động cho tình đoàn kết bền chặt giữa hai dân tộc Việt - Lào suốt nhiều thế kỷ”, Đại sứ chia sẻ.
Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh cùng lãnh đạo tỉnh Ninh Bình trồng cây Chămpa tại đền thờ công chúa Nhồi Hoa, tháng 4/2024. (Ảnh: Nguyễn Giang) |
Tại buổi làm việc với Đại sứ Khamphao Ernthavanh vào tháng 4/2024, ông Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết, Ninh Bình đang xây dựng hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận đền thờ công chúa Nhồi Hoa là di tích lịch sử cấp quốc gia. Tỉnh Ninh Bình mong muốn nước bạn Lào hỗ trợ cung cấp thêm thông tin về công chúa để củng cố hồ sơ, từ đó bảo tồn và phát huy giá trị của đền thờ như một biểu tượng văn hóa đẹp của tình hữu nghị Việt - Lào.
Vào tháng 8/2024, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, cho biết, tuy đền thờ công chúa Lào đã được tu bổ nhiều lần nhưng quy mô và khuôn viên hiện tại chưa tương xứng với tầm vóc di tích. Để phát huy giá trị của đền thờ trong việc thể hiện tình hữu nghị quốc tế Việt - Lào và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đang phối hợp cùng Đại sứ quán Lào tại Việt Nam và các nhà nghiên cứu để tôn tạo, xây dựng khuôn viên di tích, đồng thời nghiên cứu triển khai công viên văn hóa “Vườn văn hóa du lịch Việt - Lào” tại xã Sơn Lai.
Trước đó vào năm 2020, tại hội thảo “Đền thờ công chúa Nhồi Hoa, nước Lào tại Ninh Bình - Biểu trưng của tình hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc Việt - Lào”, nhiều chuyên gia đã ghi nhận giá trị to lớn của đền thờ công chúa Nhồi Hoa trong lịch sử bang giao giữa hai nước. Hội thảo có sự tham gia của Quỹ Văn hiến Việt Nam, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam cùng các nhà nghiên cứu.
GS.TS Lê Thị Quý, Chủ tịch Quỹ Văn hiến Việt Nam cho biết, công chúa Nhồi Hoa không chỉ có vai trò trong lịch sử ngoại giao mà còn là biểu tượng đoàn kết trong cuộc chiến chống ngoại xâm của Việt Nam. Bà đề xuất một chương trình phục dựng và nghiên cứu chuyên sâu hơn về đền thờ công chúa, không chỉ dừng lại ở lễ hội mà còn cần mở rộng truyền thông và bảo tồn giá trị lịch sử của di tích.
Người dân địa phương cũng bày tỏ mong muốn đền thờ công chúa Nhồi Hoa sẽ trở thành điểm đến du lịch tâm linh đặc sắc, góp phần quảng bá hình ảnh Ninh Bình. Anh Nguyễn Đức Hữu, một người xã Sơn Lai cho rằng: “Việc tổ chức các hoạt động truyền thông mạnh mẽ với sự hợp tác từ các đơn vị du lịch, đặc biệt là lồng ghép văn hóa Lào vào lễ hội như các nghi thức cúng tế, biểu diễn nghệ thuật và ẩm thực truyền thống sẽ thu hút thêm sự quan tâm của du khách".
"Đại học Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình hiện có nhiều sinh viên Lào học tập. Việc mời các em biểu diễn các tiết mục văn hóa nghệ thuật Lào trong lễ hội sẽ góp phần tạo sức hút lớn", anh Hữu đề xuất. "Bên cạnh đó, một con đường ẩm thực với các món Lào truyền thống cũng sẽ là yếu tố giúp giữ chân du khách lâu dài. Ngoài ra, làng có thể lập quỹ khuyến học để tổ chức trao thưởng cho con em dịp lễ giỗ công chúa, biến lễ hội thành ngày hội đoàn tụ ý nghĩa cho cộng đồng địa phương".
Tấm lòng Việt Nam nuôi dưỡng ước mơ lưu học sinh Lào, Campuchia |
Bắc Giang giúp bà con Xaysomboun (Lào) cải thiện thu nhập từ nghề nông |