Ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP |
Các nhà nghiên cứu cho biết từ 40 đến 80% số ca tử vong do các cơn đau tim, đột quỵ và các loại bệnh tim mạch khác gây ra bởi khói bụi ô nhiễm không khí. Trung bình lượng chất độc hại từ không khí ô nhiễm do các phương tiện giao thông, rác thải công nghiệp, nông nghiệp sẽ rút ngắn 2,2 năm tuổi thọ của mỗi người. “Điều này có nghĩa là ô nhiễm không khí gây ra nhiều ca tử vong hơn một năm so với hút thuốc lá mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính” – Thomas Munzel, Giáo sư tại Trung tâm Y tế Đại học Mainz, Đức cho biết – “Hút thuốc lá có thể bỏ được nhưng ô nhiễm không khí thì không thể tránh được”.
Vật chất hạt nhỏ và lớn hơn như nitơ dioxide (NO2), sulfur dioxide (SO2) và ozone (O3) cũng có liên quan đến việc giảm chức năng nhận thức, năng suất lao động và khả năng học tập, ghi nhớ.
Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Jos Lelieved từ Viện Hóa học Max-Plank (Đức) chia sẻ với AFP: “Mỗi năm ở Trung Quốc, số ca tử vong do ô nhiễm không khí là 2,8 triệu ca”.
Các nhà khoa học đã áp dụng Mô hình tử vong phơi nhiễm toàn cầu mới vào cơ sở dữ liệu dịch tễ học với các số liệu về mật độ dân số, tuổi tác, các yếu tố nguy cơ bệnh tật, nguyên nhân tử vong để mô phỏng cách thức mà các hóa chất tự nhiên và nhân tạo tương tác với khí quyển gây hại cho sức khỏe.
Cho đến nay, hầu hết các trường hợp tử vong vì ô nhiễm không khí là do các hạt siêu nhỏ có đường kính dưới 2,5 micron ( so sánh với một sợi tóc có độ dày 60 micron đến 90 micron), được gọi là PM2,5. Điều này cho thấy tác hại của các hạt bụi nhỏ với sức khỏe là rất lớn so với những giả định trước đây.
WHO đã khuyến cáo rằng mật độ các hạt vi mô nguy hiểm trong không khí không được vượt quá 10 microgam/m3 mỗi năm.
Theo Giám đốc điều hành Cơ quan Môi trường Châu Âu Hans Bruyninckx, các tiêu chuẩn của WHO trong những thập kỷ qua đã trở nên khắt khe hơn. “Chúng ta vẫn biết ô nhiễm không khí gây ra nguy cơ mắc các bệnh ung thư hoặc tác động dễ nhận thấy trên hệ hô hấp nhưng giờ đây nhiều nghiên cứu đã chứng minh ô nhiễm không khí cũng gây ra các vấn đề về tim mạch, các vấn đề liên quan đến não và sinh sản”.
Trên toàn thế giới, nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí gây ra thêm 120 ca tử vong mỗi năm trên 100.000 người.
Ô nhiễm không khí cũng là vấn đề đau đầu với các nước châu Âu. Ảnh: IE |
Ở Châu Âu, mặc dù kiểm soát mức độ ô nhiễm nghiêm ngặt hơn so với hầu hết các khu vực khác, con số này còn cao hơn, cụ thể là 133 ca tử vong/100.000 người.
Thậm chí tỷ lệ tử vong do ô nhiễm ở các nước Đông Âu như Bulgaria, Croatia, Romania còn lên đến 200 ca/100.000 người.
Điều này do sự kết hợp giữa chất lượng không khí kém và mật độ dân số đông dẫn đến phơi nhiễm cao, tiến sĩ Jos Lelieved cho biết.
Nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2017 cho thấy PM2,25 và ô nhiễm ozone gây ra khoảng 4,5 triệu ca tử vong trong năm 2015, trong khi Cơ quan Môi trường Châu Âu ước tính trong khu vực Liên minh Châu Âu có khoảng 422.000 ca tử vong sớm do tất cả các dạng của ô nhiễm không khí.
Holly Shiels, nhà nghiên cứu thuộc Khoa Tim mạch, Đại học Manchester cho biết những con số này là “lời kêu gọi đánh giá lại các quy định chất lượng không khí hiện nay của Vương Quốc Anh và EU”.
Nguồn bài viết : 2 điểm XSMT