Thiếu kinh phí, 400.000 người Nigeria bị cắt giảm viện trợ khẩn cấp

2025-01-17 20:38:25

Ông Peter Lundberg trả lời phỏng vấn hôm 6/6. (Ảnh: Reuters)

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Peter Lundberg, điều phối viên LHQ về nhân đạo ở Nigeria, cho hay: "Kế hoạch (viện trợ) này đã bắt đầu đến được với 1,8 triệu người trong năm nay, nhưng do những hạn chế tài chính, WFP đã buộc phải đưa ra một kế hoạch cắt giảm".

Phát biểu tại bang Borno (Nigeria), ông Lundberg nói rằng WFP đang tập trung vào việc cung cấp viện trợ cho 1,4 triệu người bị cho là có điều kiện khó khăn nhất. Trong khi đó, nhóm đối tượng còn lại sẽ bị cắt giảm khoảng 1/3 viện trợ so với trước đây

LHQ nhiều lần tuyên bố cần có 1,05 tỷ USD trong năm nay để đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Nigeria - một trong 3 quốc gia đang cần viện trợ khẩn cấp tại châu Phi. Tuy nhiên, theo giới chức LHQ, kinh phí cho các hoạt động này mới chỉ đạt được hơn 1/4 so với yêu cầu.

Việc WFP cắt giảm viện trợ khẩn cấp ở Nigeria diễn ra chỉ 1 tháng sau khi cơ quan này buộc phải giảm một nửa khẩu phần hàng tháng của hơn 800.000 người tị nạn Nam Sudan ở miền Bắc Uganda do thiếu kinh phí.

Phụ nữ Nigeria chờ tới lượt nhận hàng viện trợ khẩn cấp. (Ảnh: Reuters)

Hơn 20.000 người thiệt mạng và 2,7 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi phiến quân Hồi giáo Boko Haram nổi dậy năm 2009. Năm 2015, nhóm này từng kiểm soát lãnh thổ có diện tích tương đương nước Bỉ, nhưng sau đó đã bị liên quân Nigeria, Chad, Cameroon và Niger đánh bật khỏi các thành thị lớn.

Mặc dù vậy, theo các đánh giá mới nhất của LHQ, nhiều vùng đất rộng lớn vẫn là khu vực "bất khả xâm phạm" đối với các đoàn xe cứu trợ nhân đạo, kể cả khi họ được quân đội hộ tống. Có khoảng 700.000 người dân đang bị mắc kẹt trong những khu vực này - ông Lundberg cho hay.

Mặt khác, mùa mưa đến cũng khiến hoạt động cung cấp thực phẩm và thuốc men cho người dân trở nên khó khăn hơn, khi các con đường đất bị biến thành bùn lầy, có khi kéo dài tới 3 tháng. Ông Lundberg chia sẻ: "Một số nơi bị phong tỏa vì mưa. Khi mưa đến, sẽ có những thách thức rất lớn".

Một người dân đội túi gạo nhận được từ chương trình viện trợ. (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, các tổ chức viện trợ nhân đạo không thể xây dựng những trung tâm cung cấp quy mô lớn bên ngoài các thành phố như Maiduguri - thủ phủ bang Borno - vì họ sợ sẽ bị phiến quân Boko Haram tấn công.

Ông Dana Krause, điều phối viên của tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF), cho biết: tại thị trấn Rann, gần biên giới Cameroon, gần 50.000 người đang bị cô lập dù chỉ còn đủ thực phẩm trong vòng 2 tuần.

"Phần lớn các cộng đồng dân cư dọc theo biên giới phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ (nhân đạo) nước ngoài. Đến cuối tháng 7, Rann sẽ thực sự trở thành một hòn đảo" - ông Krause nhấn mạnh.

Mới đây nhất, một phát ngôn viên WFP nói rằng cơ quan này đang xem xét kế hoạch cắt giảm việc thả hàng viện trợ bằng đường không xuống các khu vực không thể tiếp cận. Khi được hỏi, quân đội Nigeria chưa đưa ra bất cứ bình luận gì.

Hồng Anh

Nguồn bài viết : Max 3D

Top