Gặp mặt 100 trí thức Việt Nam tiêu biểu tại Nhật Bản |
Phiên chợ quê Việt Nam được tái hiện giữa không gian thành phố Fukuoka, Nhật Bản |
Tìm hiểu, tôi biết bộ phim được xây dựng dựa trên cuốn tự truyện “Bà lão vùng Echigo đến Việt Nam”. Tác giả là bà Komatsu Miyuki, nữ giáo viên tiếng Nhật và là hiệu đính viên kênh phát thanh tiếng Nhật của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Một cảnh quay trong phim “Hòa cùng làn gió Việt” dựa trên câu chuyện của bà Komatsu Miyuki (Ảnh: KT). |
Bà Komatsu Miyuki kể rằng: bà biết Việt Nam qua những bài báo, dư luận thế giới nói về cuộc kháng chiến chính nghĩa giành độc lập dân tộc. Bà cảm mến đất nước, con người Việt Nam từ đó. Khi gặp những bất hạnh lớn và dồn dập trong đời, tự dưng bà thấy rằng, Việt Nam sẽ là nơi làm dịu vết thương lòng và có thể là nơi bà gửi gắm được những phần đời còn lại mình. Năm 1992, khi ngoài 40 tuổi, Komatsu Miyuki sang Việt Nam. Bà thuê căn hộ nhỏ trong khu tập thể ở phố cổ Hà Nội để ở. Bà nhận dạy tiếng Nhật và hiệu đính tại kênh phát thanh tiếng Nhật của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bà xây dựng cuộc sống mới bắt đầu từ đồng nghiệp, đối tác và đặc biệt là những người hàng xóm ở khu tập thể rất đỗi hiền hòa, thân thiện này.
Ở lớp học tiếng Nhật, Miyuki nghe chuyện của một học viên là con một người lính Nhật từng có mặt ở Việt Nam từ 6-7 thập niên trước. Học viên này nói: ông học tiếng Nhật để tìm cha hoặc ít nhất là nói chuyện với cha nếu có cơ hội gặp lại. Miyuki thấu cảm nỗi niềm này. Càng ngày bà càng thấy nhiều những trường hợp như vậy. Bà nghĩ mình phải có hành động cụ thể để những gia đình Việt – Nhật ly tán kia có ngày đoàn tụ. Đây cũng là cách bà tri ân ân tình Việt Nam. Komatsu Miyuki tìm hiểu, gặp gỡ, lắng nghe những câu chuyện của thân nhân gia đình cựu binh Nhật Bản ở Việt Nam và liên kết những thông tin ít ỏi có được. Với sự hỗ trợ của bà, đã có những người con tìm về được quê cha trên đất Nhật.
Bà Komatsu Miyuki nhận Bằng khen của Nhật Bản vì đã có những đóng góp cho việc tăng cường quan hệ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam (Ảnh: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam). |
Năm 2001, cha Miyuki mất. Về Nhật chịu tang cha, Miyuki nhận thêm tin mẹ bị mất trí nhớ. Một số người thân có dự định đưa mẹ Miyuki vào viện dưỡng lão. Nhưng Miyuki đã nghĩ ngay đến một nơi có thể làm cho phần đời còn lại của mẹ mình đẹp và ý nghĩa hơn. Đó là Việt Nam. Lập tức, cuộc thiên di của hai người phụ nữ Nhật đã tìm đến bến đỗ Hà Nội, Việt Nam. Tại đây, bà cụ có những người bà con mới. Lòng nhân ái, tính thân thiện, hiếu khách, trọng người già ở đây như thể những liều thuốc nhiệm màu. Bà cụ dần dần khỏe mạnh, phục hồi trí nhớ, vui vẻ, hoạt bát.
Bà Komatsu Miyuki (bên phải) và người mẹ của mình (Ảnh: blog nhân vật). |
Trong một lần dẫn mẹ đến thăm thân nhân cựu binh Nhật, Miyuki bất ngờ thấy mẹ chỉ vào khung cảnh ngoài cửa sổ toa tàu rồi reo lên “Bố con đã ở đây này”. Cha bà Miyuki trước đây có thời gian đi lính ở một nước Đông Nam Á. Sự tương đồng của khung cảnh trong những bức ảnh ông gửi về với Việt Nam khiến bà cụ như được thấy lại hình ảnh chồng. Bà nhận ra Miyuki. Ký ức ngủ quên nay trở lại sống động, chân thực.
Không may, sau đó bà cụ gặp tai nạn và không thể đi lại. Người chủ nhà trọ đã nói với Miyuki: “Cô cứ đi làm. Tôi cùng các cháu sẽ phụ cô chăm bà”. Nghe những lời này, Miyuki rất sửng sốt. Bà không ngờ nhận được sự tương trợ và chỗ dựa tinh thần từ những người không phải là thân thích, ruột thịt. Những ngày tháng sau đó, tuy mẹ con Miyuki vất vả nhưng thực sự được sống trong tình cảm đùm bọc chân thành, quý báu của những người bạn Việt khiến họ rất mãn nguyện.
Năm 2022, bà Miyuki trở về Nhật Bản sau 30 năm gắn bó với Việt Nam. Kể về thời gian sống ở Việt Nam, bà Komatsu Miyuki chia sẻ: “Với tôi, nếu có điều gì có thể gọi là cuộc sống thì đó là những ngày hạnh phúc cùng mẹ ở Việt Nam”. Bà nói sẽ tiếp tục gắn bó với Việt Nam qua cộng đồng người Việt Nam ở Nhật.
Người bắc nhịp cầu điện ảnh Việt Nam - Nhật Bản |
Người bạn Nhật mười năm nhặt rác ở Hồ Gươm |