10 năm, Google chưa từng tạo một chiếc smartphone Android 'tử tế'?

2025-01-17 20:39:34
Là công ty sở hữu nền tảng Android, đi đầu về nhiều công nghệ phần mềm nhưng những chiếc Pixel hay trước đó là Nexus của Google chưa bao giờ là ước mơ của người dùng phổ thông.

Hệ điều hành Android đến nay đã được hơn 10 “tuổi”, và dòng điện thoại mang thương hiệu của Google gần như cũng đồng hành với Android từ đầu. Sau dòng sản phẩm Nexus ra đời năm 2010, Google tiếp tục phát hành dòng Pixel với mức giá cao hơn vào năm 2016.

Những điện thoại của Google đều được các đối tác có tiếng tăm như HTC, LG hoặc Foxconn gia công phần cứng. Nhiều tính năng phần mềm độc đáo như chế độ chụp đêm cực kỳ hiệu quả cũng được Google giới thiệu đầu tiên trên Pixel.

Có nhiều thuận lợi như thế, vì sao dòng điện thoại Nexus, Pixel lại không mấy thành công, thậm chí mỗi đời máy thường có một điểm yếu chết người?

Từ Nexus đến Pixel đều dính lỗi

Rất nhiều mẫu máy thuộc dòng Nexus, Pixel bị người dùng phản ánh về những lỗi gây khó chịu khi sử dụng. Nexus 4, Nexus 5 đều bị than phiền về pin. Nexus 6P thì gặp 2 vấn đề nghiêm trọng hơn là bootloop – tình trạng không thể khởi động được máy và sập nguồn. Google, Huawei đã phải chấp nhận bồi thường cho nhiều người dùng vì những lỗi của Nexus 6P.

Vi sao Google chua tao ra mot chiec dien thoai Android 'tu te'? hinh anh 1
Từ Nexus đến Pixel, hầu như năm nào cũng có sản phẩm gặp lỗi. Ảnh: The Verge.

Dòng Google Nexus được định giá ở phân khúc tầm trung và cận cao cấp, do vậy lỗi của chúng dễ chấp nhận hơn. Tuy nhiên khi đẩy giá lên mức cao cấp với dòng Pixel, Google vẫn không thể đảm bảo máy chạy tốt. Ngoài vấn đề pin kém, Pixel đời đầu còn bị than phiền về lỗi sọc camera, microphone, nóng lên nhanh.

Smartphone nào cũng có vấn đề,  tuy nhiên dòng Google Pixel dường như luôn gặp lỗi với những thứ cơ bản nhất.

Ben Schoon từ trang 9to5Google

Thế hệ Pixel 2 thì bị than phiền về hiệu năng. Khi mở ứng dụng camera, chụp ảnh hoặc mở phần thông báo đều có tình trạng giật, lag.

Vấn đề hiệu năng vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn trên Pixel 3, thậm chí tình trạng quản lý RAM kém còn khiến ứng dụng bị thoát ngay khi đang sử dụng. Đó là chưa kể đến những lỗi về phần cứng như màn hình, microphone, sạc không dây… bị nhiều người dùng phản ánh.

“Smartphone nào cũng có vấn đề, đó là sự thật. Tuy nhiên dòng Google Pixel dường như luôn gặp lỗi với những thứ cơ bản nhất, và họ cứ chấp nhận lỗi rất lâu mà chẳng thèm sửa”, Ben Schoon của 9to5Google chia sẻ.

Điện thoại Google là một cách khẳng định vị thế

Thực tế, mục tiêu của Google khi ra mắt dòng sản phẩm Nexus, Pixel không hẳn là lợi nhuận từ kinh doanh phần cứng. Mặc dù rất được lòng những người dùng mê công nghệ và hệ điều hành Android, dòng Pixel không bao giờ lọt vào top những smartphone bán chạy.

Mỗi năm, Google chỉ bán được vài triệu chiếc Pixel. Họ cũng không xây dựng mạng lưới kênh bán hàng quá rộng, mà chủ yếu bán qua nhà mạng hoặc trên cửa hàng trực tuyến. Với doanh số không đáng kể, rõ ràng Google không đặt nặng việc kinh doanh smartphone của mình.

“Pixel cạnh tranh với iPhone về vị trí trong suy nghĩ của người dùng, chứ không phải trên bảng doanh số”.

Biên tập viên Vlad Savov, The Verge.

Điều họ muốn là khẳng định vị thế của mình trong làng công nghệ. Là công ty sở hữu hệ điều hành Android, phần mềm của Google xuất hiện trên hàng trăm triệu smartphone và thiết bị mới được bán ra mỗi quý.

Tuy nhiên, sự đa dạng của Android khiến cho những nhà sản xuất đôi khi bị bối rối khi tìm hướng đi cho sản phẩm của mình.

Trong những năm đầu tiên của Android, dòng sản phẩm Nexus chính là ví dụ cho thấy một trải nghiệm Android “thuần” có thể thuyết phục như thế nào. Trong khi những nhà sản xuất thỏa sức sáng tạo với hàng loạt tính năng mới, thì smartphone Nexus lại thuyết phục nhờ phần mềm Android “sạch sẽ”.

Vi sao Google chua tao ra mot chiec dien thoai Android 'tu te'? hinh anh 2
Với dòng Pixel, Google muốn chứng tỏ khả năng làm phần mềm của họ tốt như thế nào. Ảnh: Lê Trọng.

Cho đến nay, có thể nói Google đã phần nào thành công khi định hướng được hãng smartphone lớn nhất là Samsung hướng tới gần trải nghiệm Android đơn giản hơn. Trước khi thất bại trong mảng smartphone, Sony và HTC cũng dần chuyển đổi sang phiên bản Android tối giản.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ thuyết phục những đối tác của mình, Google lại muốn thể hiện vị thế với những người dùng phổ thông. Nhiệm vụ của dòng Pixel là cho thấy phần mềm của Google thuyết phục như thế nào.

Nếu so về thông số, smartphone Pixel bao giờ cũng kém các sản phẩm cao cấp ra cùng năm. Họ không sử dụng pin dung lượng lớn, kiên quyết chỉ trang bị 4 GB RAM trong khi những đối thủ đã có gấp đôi lượng RAM. Sự bảo thủ về phần cứng thể hiện khi Pixel 3 vẫn chỉ có 1 camera ở mặt sau, trong khi kể cả những smartphone giá rẻ vào năm 2018 đã có 2 camera.

Cấu hình không cao, pin thấp, chỉ có 1 camera, phần cứng của dòng Pixel rõ ràng không ấn tượng. Có lẽ Google muốn khẳng định là đừng nhìn vào các thông số, bởi smartphone Pixel sẽ vượt qua mọi hạn chế đó bằng phần mềm “tuyệt vời” của Google.

Rất tiếc, điều đó không diễn ra trong thực tế.

Google đã quá tự tin vào khả năng của phần mềm

Nói một cách công bằng, những chiếc Pixel đã đưa ra chuẩn mực về phần mềm nhiếp ảnh. Chế độ HDR+, vi xử lý dành riêng cho AI trên Pixel 2 và chế độ chụp đêm trên Pixel 3 đều là những thành quả phần mềm đáng chú ý. Các smartphone Pixel đều được xếp ở thứ hạng cao về khả năng chụp ảnh trong những bài đánh giá.

Tuy nhiên, chỉ phần mềm thôi là không đủ để đem đến một smartphone hoàn hảo, vượt qua cả những hạn chế về phần cứng. Mặc dù Google đưa ra những cải tiến về pin trong mỗi bản Android, Pixel vẫn bị chê pin yếu. Trong khi đó, nhiều hãng smartphone đã có được smartphone pin tốt chỉ bằng biện pháp đơn giản nhất: dùng pin dung lượng cao.

Vi sao Google chua tao ra mot chiec dien thoai Android 'tu te'? hinh anh 3
Pixel 3 khá mờ nhạt trên thị trường di động. Ảnh: The Verge.

Quyết định chỉ dùng RAM 4 GB cho smartphone cao cấp vào năm 2018 đã được chứng minh là sai lầm. Nhiều người dùng phàn nàn về khả năng đa nhiệm quá tệ của Pixel 3. Hóa ra tối ưu phần mềm tốt đến đâu cũng không thể giúp cho Pixel 3 không bị thoát ứng dụng giữa chừng, một vấn đề khó chấp nhận với smartphone cao cấp.

Google nghĩ rằng công thức phần mềm bí mật của họ có thể chiến thắng sự vượt trội về phần cứng về đối thủ, nhưng thị trường thì không nghĩ vậy.

Biên tập viên Alex Dobie, Android Central.

Thậm chí, kể cả điểm mạnh nhất là camera trên Pixel cũng không thể vượt qua những giới hạn vật lý.

Khi chỉ có duy nhất một camera, Pixel không thể chụp được những bức ảnh góc siêu rộng ấn tượng như Samsung Galaxy S10, cũng không thể phóng to hình ảnh mà không ảnh hưởng đến chất lượng như Huawei P30 Pro.

Sau gần 10 năm, Pixel vẫn chỉ đóng vai trò như một thiết bị “định hướng” của Google. Thậm chí ở vai trò đó, nó vẫn là một ví dụ tồi cho các hãng khác với hàng đống lỗi lớn nhỏ. Đó là điều khó chấp nhận ở một chiếc smartphone đắt tiền.

Thông số có thể không phải là thứ duy nhất quyết định chất lượng của một chiếc smartphone, nhưng nó vẫn rất quan trọng. Quá tự tin vào phần mềm của mình mà bỏ mặc phần cứng, Google thay vì tạo ra những thiết bị mẫu lại đưa ra ví dụ mà các đối tác của họ nên tránh.

Nguồn bài viết : TP Xổ Số

Top