Thay đổi nhận thức về người khuyết tật

2024-12-21 12:52:57
Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4: cần sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các ngành liên quan
Hỗ trợ hơn 1.000 cơ hội việc làm cho người khuyết tật

Tuy nhiên, để người khuyết tật tự tin vươn lên bằng khả năng của bản thân họ, thì các chính sách trợ giúp cần được tích cực điều chỉnh phù hợp với thực tế. Chính vì vậy, bảo vệ quyền của người khuyết tật và thực hiện các chính sách trợ giúp người khuyết tật là một trong những chủ trương, chính sách lớn luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm sâu sắc.

Nằm trong làng nghề lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội), gần 4 năm qua, Hợp tác xã Vụn Art là nơi những người khuyết tật ngày ngày miệt mài "thổi hồn" vào những mảnh lụa vụn để tạo thành những sản phẩm độc đáo trang trí lên áo, túi, ghép tranh. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Dỡ bỏ những rào cản

Cả nước hiện nay có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có gần 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Hiện gần 3 triệu người đã được cấp giấy chứng nhận khuyết tật.

Đảng, Nhà nước và cộng đồng luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc. Đặc biệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 có ý nghĩa quan trọng đến đời sống kinh tế, văn hóa và vị thế của người khuyết tật. Sau 8 năm thực hiện chương trình, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra đã được thực hiện và cơ bản hoàn thành. Chương trình đã thay đổi nhận thức, quan điểm, trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể và xã hội đối với vấn đề khuyết tật và người khuyết tật.

Nổi bật là cả nước đã hình thành hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ở 20 tỉnh, thành phố, phát triển được mạng lưới giáo viên dạy trẻ khuyết tật ở 63 địa phương; biên soạn và cung cấp một số giáo trình, tài liệu phục vụ việc học tập của học sinh khuyết tật, số lượng học sinh khuyết tật được đi học trong giai đoạn 2012 - 2020 đã tăng gấp khoảng 10 lần so với giai đoạn 2000 - 2010, đồng thời, chất lượng học tập của trẻ khuyết tật được nâng cao, trên 45,8% trẻ khuyết tật được xếp loại học lực trung bình trở lên, tỷ lệ lưu ban, bỏ học ở trẻ em khuyết tật đã giảm đáng kể.

Cả nước có 1.912 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổng số giáo viên tham gia dạy nghề cho người khuyết tật là 3.359 người. Bình quân mỗi năm có từ 17.000 - 20.000 người khuyết tật được dạy nghề theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn.

Những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện chương trình trợ giúp người khuyết tật đã khẳng định tính tất yếu và hiệu quả thiết thực mang lại, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta đối với người khuyết tật, được xã hội đồng tình và đánh giá cao, người khuyết tật phấn khởi đón nhận và tham gia tích cực.

Với việc triển khai tốt các chính sách, người khuyết tật được hỗ trợ bằng nhiều hình thức, nhiều người được học nghề, có việc làm, có thu nhập, đời sống được cải thiện đáng kể. Nhiều rào cản môi trường cũng như xã hội đã và đang từng bước được dỡ bỏ, tạo cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát huy khả năng của mình, tự lực trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, năm 2021, dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song các mặt hoạt động công tác người khuyết tật luôn được triển khai đồng bộ, chủ động, với sự quan tâm và phát huy trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức hữu quan. Điều đó thể hiện qua việc ngân sách nhà nước đã bố trí 18.546 tỷ đồng thực hiện trợ cấp hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội và trên 356 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật.

Đến nay, cả nước có gần 1,1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, khoảng 10 vạn gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và hàng triệu người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội.

Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức của người khuyết tật đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt của người khuyết tật. Trong năm qua, cả nước có gần 1.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức dạy nghề thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, cắt may, dệt thêu thổ cẩm cho 120 người khuyết tật. Hội Người mù Việt Nam đã mở được 66 lớp cho 850 học viên học nghề xoa bóp bấm huyệt, tin học, chăn nuôi, thủ công, làm hương, đan lát.

Triển khai Nghị định số 61/2015/NĐ-CP và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP của Chính phủ, năm 2021, đã có 1.138 dự án của lao động là người khuyết tật được vay vốn, tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động là người khuyết tật. Riêng Hội Người mù Việt Nam đã cho vay 513 dự án, trong đó có 458 dự án của người khuyết tật, tạo việc làm cho 553 hội viên.

Những điều chỉnh phù hợp với thực tế

Theo đánh giá của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, việc bảo vệ quyền của người khuyết tật và thực hiện các chính sách trợ giúp người khuyết tật luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm sâu sắc, thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, ưu tiên bố trí nguồn lực bảo đảm thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp người khuyết tật; một số chính sách trợ giúp người khuyết tật được tích cực điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Tuy vậy, thực tế là vẫn còn rào cản xã hội do nhận thức của cộng đồng, gia đình và bản thân người khuyết tật vẫn chưa đúng và chưa đầy đủ. Một bộ phận người khuyết tật chưa tự tin vượt lên số phận, chưa được hỗ trợ kịp thời để vươn lên hòa nhập cộng đồng và chưa cố gắng tham gia các nội dung để hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã ban hành đối với người khuyết tật.

Theo đánh giá của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, giao thông vẫn là một trong những vấn đề khó khắc phục nhất, hạ tầng tại các thành phố lớn, đô thị mặc dù được cải tạo rất nhiều nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Việc xác nhận và cấp giấy chứng nhận người khuyết tật cho người khuyết tật nhẹ đạt kết quả thấp; mức trợ cấp xã hội cho người khuyết tật thấp.

Số lượng người khuyết tật được các cơ sở trợ giúp xã hội còn ít, cơ sở vật chất lại thiếu thốn. Việc xây dựng chương trình đào tạo nghề cho người khuyết tật hầu như không được hỗ trợ bằng nguồn kinh phí nhà nước, trong khi đòi hỏi chi phí rất lớn. Nhiều người khuyết tật chưa được học nghề, tư vấn hỗ trợ tìm việc làm và vay vốn để phát triển sản xuất; phương pháp tiếp cận đối tượng học nghề chưa phù hợp…

Trước tình hình đó, để giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng, theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, thời gian tới, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam và Bộ sẽ tiếp tục phát triển, hoàn thiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật và công tác trợ giúp người khuyết tật.

Cơ quan chức năng tích cực rà soát để kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, khắc phục những vướng mắc, bất cập, tạo cơ hội bình đẳng và giảm thiểu rào cản đối với người khuyết tật trên mọi lĩnh vực, bảo đảm phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật; chú trọng những chính sách đột phá để tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ cho người khuyết tật.

Trong xây dựng và triển khai mô hình sinh kế cho người khuyết tật, sẽ tập trung thực hiện mô hình đào tạo nghề gắn với việc làm tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; mô hình đào tạo nghề gắn với sinh kế cho người khuyết tật; mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng...

Đặc biệt, nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác trợ giúp người khuyết tật, đảm bảo an sinh xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030. Theo đó, từ nay đến năm 2030, sẽ tăng thêm 3 nhóm hoạt động là nhóm đối với phụ nữ khuyết tật; Hội Người khuyết tật; trợ giúp cho người khuyết tật sống độc lập thông qua trợ giúp về phương tiện.

Cùng trẻ khuyết tật kiến tạo cuộc sống hồn nhiên qua những sắc màu
Phát động cuộc thi vẽ tranh trực tuyến hướng đến trẻ em khuyết tật
Top