Trung Quốc , Ấn Độ, Nhật Bản các nước trong khu vực đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của những nhà hàng "ma" như thế này - không cửa hàng vật lý và chỉ phục vụ bằng cách "ship" tận nhà. Chi phí đầu tư cùng nguy cơ thất bại cao đối với các nhà hàng vật lý, cùng tình trạng thiếu nhân lực đã khiến mô hình này trở nên càng hấp dẫn.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Statista đến từ Đức, thị trường đặt đồ ăn online trên toàn cầu, hiện có giá trị 95 tỷ USD, được dự đoán sẽ đạt tốc độ tăng trưởng là 11% mỗi năm vào năm 2023. Sự phát triển đáng chú ý nhất là ở châu Á, nơi thị trường này có giá trị ước tính đạt 53 tỷ USD, tức là hơn 50% nhu cầu trên toàn thế giới.
Số liệu cho thấy, các gia đình châu Á ngày càng hạn chế đi ăn ở các cửa hàng, nhà hàng. Dù thị trường nhà hàng ăn uống của châu Á tăng 10% mỗi năm từ 2006 đến 2016, thì con số này dự kiến sẽ giảm 7,5% trong thập kỷ này cho đến năm 2026, theo các chuyên gia tư vấn tài sản tại Cushman-Wakefield.
Nhà hàng "ma", hay còn gọi là bếp dùng chung, đang khai thác xu hướng này. Ở Trung Quốc, nơi có dịch vụ giao hàng đang phát triển với tốc độ chóng mặt tại một thị trường trị giá 37 tỷ USD, theo đó các nhà hàng ảo cũng đang mở rộng nhanh chóng. Panda Selected, một công ty tổ chức không gian bếp chung có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết đã có hơn 500 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của họ, họ thường miêu tả mô hình này giống như " WeWork trong lĩnh vực nhà hàng". Nhu cầu bùng nổ đã giúp công ty này mở 103 khu bếp chung trong vòng 3 năm tại khắp Bắc Kinh, Thượng Hải và 2 thành phố lớn khác.
Các nhà hàng chỉ hoạt động online này cũng trở thành một hiện tượng tại những thành phố của Mỹ như New York và Chicago vài năm về trước, đặc biệt là sau khi các dịch vụ giao hàng như Uber Eats và Grubhub ra mắt. Hiện tại, xu hướng này đang lan rộng sang các thành phố của châu Á.
NPD Group, công ty nghiên cứu người tiêu dùng, cho biết 63% người dân Trung Quốc sử dụng web và ứng dụng để đặt đồ ăn, trong khi đó con số này ở Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là 36% và 27%.
Li Haipeng, CEO của Panda Selected cho biết, thực trạng số lượng người Trung Quốc ăn tối bên ngoài đang giảm sẽ tạo nhiều điều kiện phát triển hơn cho các nhà hàng sử dụng bếp dùng chung và phục vụ khách hàng qua các ứng dụng giao hàng. Ông cho biết, xu hướng này đã giúp công ty tạo ra tỷ suất lợi nhuận trung bình là 20%, trong khi các nhà hàng thông thường chỉ là 10%. Công ty 3 năm tuổi của Li đã huy động được vốn đầu tư là 70 triệu USD và được hậu thuẫn bởi công ty liên doanh hạng A - Tiger Global, theo Crunchbase.
Tiềm năng dành cho các không gian bếp chung tại Trung Quốc cũng thu hút sự chú ý của các công ty nước ngoài. Travis Kalanick, nhà sáng lập của Uber, đã cân nhắc về việc đưa liên doanh CloudKitchens tới Trung Quốc, với kế hoạch cung cấp dịch vụ bất động sản, quản lý cơ sở, công nghệ và dịch vụ tiếp thị. Xu hướng này cũng dần phổ biến ở Ấn Độ, đặc biệt là tại các trung tâm đô thị.
Theo Phó chủ tịch của Uber Technoligies, Jason Droege, Uber Eats sẽ hợp tác với chuỗi Cafe Coffee Day vào tháng 10 để ra mắt một mạng lưới các nhà hàng ảo. Ông nói thêm, sau đó 2 công ty sẽ sử dụng những bài học kinh nghiệp từ các nhà hàng ảo trên toàn cầu để tăng cơ hội phát triển cho nhiều nhà hàng ở Ấn Độ. Uber tận dụng chuyện môn của Cafe Coffee Day trong lĩnh vực F&B, cũng như mạng lưới rộng lớn kết nối với 1.700 cửa hàng ở Ấn Độ của họ. Uber Eats sẽ cung cấp dữ liệu, phân tích và thông tin về sở thích của khách hàng.
BOX8 - một cửa hàng "ma" nổi tiếng, thành lập năm 2012, phục vụ hơn 22.000 bữa ăn của người Ấn Độ trên khắp các thành phố như Mumbai, Pune và Bangalore bằng những chiếc hộp tiện lợi cho việc vận chuyển. Curry Me Up, RedSeer và Kadhai House cũng đang trên hành trình tìm "miếng bánh" ngon như BOX8.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, start-up có tên Stetoen đang có kế hoạch xây dựng không gian bếp nấu ăn chung Kitchen Base vào tháng tới, nằm ở khu vực Meguro - Nhật Bản. 4 không gian độc lập sẽ cho phép 8 nhà hàng ảo hoạt động, 4 hoạt động ban ngày và 4 hoạt động vào ban đêm. Họ sẽ chuẩn bị các món ăn để bán, với mức phí phải trả là 100 nghìn đến 150 nghìn yen (900 USD - 1.300 USD).
Daisuke Yamaguchi - CEO của công ty này chia sẻ: "Chi phí đầu tư ban đầu là dưới 500 nghìn yen, trong khi nếu mở một cửa hàng vật lý thì bạn sẽ tốn ít nhất 10 triệu yen." Yamaguchi dự định sẽ ra mắt 100 không gian bếp nấu ăn chung trong 3 năm tại Tokyo, Osaka và một số nơi ở châu Á.
Theo một nghiên cứu của Japan Finance Corp và Small and Medium Enterprise Agency, hơn 80% người muốn mở nhà hàng mà không thể, không đủ vốn là lý do số một. Ngoài ra, tỷ lệ thoát ngành cũng rất cao, 55 nghìn nhà hàng phá sản mỗi năm. Theo đó, các doanh nhân trẻ đều muốn phát triển mô hình này bởi những lợi thế nó mang lại: chi phí thấp, ít rủi ro và còn có thể là bài học kinh nghiệm trước khi họ mở một nhà hàng vật lý.
Nguồn bài viết : WM Trực Tuyến