Đào tạo giáo viên quá dễ dàng
Ông Bùi Văn Quân, Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Đô cho biết: dù có cố găng tăng số lượng học sinh, đến năm 2020 chúng ta vẫn thừa khoảng 70.000 cử nhân sư phạm. Cụ thể, bậc tiểu học thừa 41.000; trung học cơ sở 12.200 và 16.900 với bậc THPT.
Trao đổi với phóng viên báo Thời Đại, ông Trần Xuân Hòa, Trưởng phòng Đào tạo, trường CĐSPTƯ cho biết: “Thực tế hiện nay chúng ta đã đưa ra nhiều giải pháp, nhưng vẫn còn quá nhiều trường, nhiều loại hình đào tạo giáo viên, cả ở các cơ sở đào tạo dân lập, tư thục, đua nhau mở các lớp đào tạo nghiệp vụ sư phạm.
Có thể nói, đào tạo giáo viên ở Việt Nam hiện nay quá dễ dàng. Với tư cách là người làm trong ngành giáo dục, tôi không chấp nhận sự dễ dãi khi đào tạo giáo viên như thế được, ông Hòa nói.
Giờ đây, việc đào tạo giáo viên đang trở thành “miếng bánh ngọt” béo bở. Bởi nó đem lại nguồn thu đáng kể cho nhiều cơ sở đào tạo đội lốt “trồng người”. Tình trạng đào tạo tràn lan như vậy cũng là một trong những nguyên nhân khiến nền giáo dục đi xuống. Vì thế, chúng ta cần phải rà soát và có biện pháp xử lý cứng rắn.
Một tiết học ngoại khóa của sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung Ương
Thạc sỹ Phạm Tiến Thành, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, trường CĐSP TƯ, cho biết: “Là cơ sở đào tạo chất lượng và trọng điểm về giáo viên sư phạm, chúng tôi rất bức xúc về việc các trường đào tạo tràn lan, dẫn đến sự dư thừa những cử nhân được đào tạo bài bản và chất lượng”.
Do đó, đã đến lúc chúng ta phải có những quy hoạch cụ thể, phê duyệt sát với ngành nghề đào tạo để đáp ứng đúng nhu cầu cho xã hội, ông Thành đề xuất.
Phải cải cách thôi!
Hiện nay, Bộ GD&ĐT chỉ quản lý 10 trường đào tạo sư phạm, tương đương khoảng 10% cơ sở đào tạo sư phạm trong cả nước. Còn lại các trường là do địa phương hoặc các bộ, ngành khác quản lý, nên việc khống chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chỉ tiêu, hay những biện pháp hành chính để hạn chế số lượng đào tạo giáo viên gặp rất nhiều khó khăn.
Đối với các trường của Bộ GD&ĐT, ngoài việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh, bộ còn tạm dừng đào tạo giáo viên hệ đào tạo từ xa; dừng việc cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên ngoài ngành.
Ông Nguyễn Ngọc Vũ, Vụ trưởng vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD&ĐT cho rằng: “Việc nhiều trường mở ra tràn lan dẫn đến việc “đẻ” ra quá nhiều sinh viên. Trong khi đó, bộ chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra, xác định chỉ tiêu có phù hợp không, chứ không có quyền can thiệp sâu vào việc xác chỉ tiêu sư phạm ở những cơ sở ngoài bộ quản lý”.
Từ thực tế đó, ông Trần Xuân Hòa đề xuất: “chúng ta phải mạnh mẽ hơn nữa trong việc cải cách giáo dục, đặc biệt là các ngành đào tạo sư phạm. Bộ GD&ĐT cần quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm. Trong đó cần chú trọng việc nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên ở các trường đại học địa phương; đổi mới tư duy đội ngũ giảng dạy, với những phương pháp tiên tiến; xây dựng giáo án mở để sinh viên tiếp cận được những thực tế của nhu cầu xã hội.
Trao đổi với phóng viên báo Thời Đại, PGS.TS Hà Thanh Toán, Đại học Sư phạm 1 cho biết: ngoài việc duy trì tốt việc miễn học phí cho sinh viên sư phạm, cần phải có nhiều chính sách đãi ngộ như ở nhà công vụ; tăng lương cho giáo viên; cải cách phương pháp đào tạo ở các trường sư phạm.
“Hiện giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu, nên chúng ta phải chú trọng vào ngành này cho xứng đáng, đừng buông lỏng, buông xuôi. Chúng ta đã buông lỏng giáo dục sư phạm quá lâu rồi, giờ phải cải cách thôi”, PGS Toán nói.
Nguồn bài viết : XSMB hôm qua