Khu lăng mộ có diện tích 8.000 m2, gồm nhiều công trình kiến trúc: hồ nước, nhà võ ca, nhà tiền tế, đền thờ và khu lăng.
“Hách hiển linh uy ...”
Lăng mộ thuộc loại hình song táng, xây bằng hợp chất có bình đồ hình chữ nhật, dài 12,5 m, rộng 8,2 m. Từ ngoài vào trong kết cấu kiến trúc gồm: cửa lăng, bình phong tiền, sân tế, cửa mộ, nhang án, nấm mộ và kết thúc là bình phong hậu. Nấm mộ Nguyễn Văn Tồn và phu nhân được tạo dạng hình chữ nhật giật cấp. Ở nấm mộ của Nguyễn Văn Tồn, sau sập thờ đúc hộp bia mộ dạng mô hình cuốn thư, ở chính giữa đúc ô hộc hình chữ nhật tạo bia. Trên bia có khắc chìm chữ Hán với nội dung: mộ của Tiền quân Thống chế điều bát tướng quân Nguyễn Văn Tồn, người được phong tước Hầu, sinh năm 1763 tại Trà Vinh, mất ngày 4 tháng 1 năm 1820. Hai bên cuốn thư đắp nổi hình hoa văn lá hóa rồng cách điệu và chữ Hán có nội dung: “Hách hiển linh uy; Hương phi vô thần”.
Lăng Thống chế Nguyễn Văn Tồn cùng phu nhân
Lăng mộ Nguyễn Văn Tồn được xây dựng theo kiểu thức thời triều Nguyễn mà không theo các hình thức táng tục của người Khmer bản địa (hỏa táng, thủy táng hoặc điểu táng...). Điều này cho thấy có sự tham gia của thành thần Gia Định trong việc đại diện cho triều Nguyễn thực hiện một phần tang lễ và xây cất lăng mộ cho một vị công thần của triều đình thuộc tộc người Khmer Nam bộ.
Tài liệu Ban Quản lý di tích tỉnh Vĩnh Long ghi lại: Mùa hè năm 1820, sau khi Nguyễn Văn Tồn qua đời, vùng đất Nam bộ chịu một trận dịch lớn kéo dài từ Trấn Tây (Campuchia – Lào) qua, lan tới tận kinh đô Huế, hàng vạn người chết vì dịch bệnh. Người dân vùng đất Trà Ôn – Mân Thít hoang mang vô cùng, làm lễ đến cúng vái ông tại lăng, mong người che chở, ngài liền hiển hiện sự linh thiêng, vì thế mà toàn bộ vùng đất rộng lớn trong khu vực không bị dịch bệnh...
Người dân Kinh, Hoa, Khmer trong vùng cho biết, ông rất linh thiêng và là vị thần bảo hộ che chở cho sinh dân trong khu vực. Ông Từ Hoàng Đương (Ban Quản lý lăng Nguyễn Văn Tồn) cho biết: Hằng năm, vào những ngày đầu năm, cộng đồng cư dân Việt, Hoa, Kh’mer ở khắp các vùng và khách thập phương tập trung về lăng mộ Nguyễn Văn Tồn tổ chức cúng giỗ, lễ hội. Khu di tích như là một cơ sở sinh hoạt văn hóa gắn kết cộng đồng các sắc tộc.
Vị thần bảo hộ
Năm 1996, Bộ Văn hóa – Thông tin đã xếp hạng di tích lăng ông Thống chế điều bát Nguyễn Văn Tồn là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, do ít được quảng bá và giới thiệu đến với du khách và các nhà nghiên cứu, di tích cũng chỉ được biết đến trong phạm vi khu vực Trà Ôn – Mân Thít và vùng phụ cận, cũng không nhiều người biết đến công đức của ông.
Chính sử triều Nguyễn có khá nhiều chi tiết ghi chép về Thống chế Nguyễn Văn Tồn như sau: Người phủ Trà Vinh nước Chân Lạp, nguyên làm nô trong cung cấm. Mùa xuân năm Giáp Thìn (1786), theo vua sang Vọng Các (Bangkok, Thái Lan) làm cai đội... Khi trước có tên là Duyên, không có họ, được vua Gia Long ban cho họ và tên.
Mặc dù xuất phát từ nô bộc nhưng Nguyễn Văn Tồn lại tỏ rõ là một vị tướng tài đầy mưu lược. Năm 1802, Nguyễn Văn Tồn được vua Gia Long thăng làm cai cơ, kiêm quản cả 2 phủ Trà Vinh, Mân Thít lệ thuộc vào Vĩnh Trấn (trấn Vĩnh Thanh)... Năm 1810, triều đình đổi đồn Xiêm binh làm đồn Uy Viễn, ông được giao làm thống đồn.
Năm 1811, Nguyễn Văn Tồn được vua Gia Long triệu về Huế để hỏi thăm và được thăng chức thống chế. Năm 1819, Nguyễn Văn Tồn phụ giúp Thoại Ngọc Hầu đốc lính khơi sông Vĩnh Tế.
Năm 1820 ông chết, vua Minh Mạng thương xót, sai người tới dụ tế, cấp cho 7 phu coi mộ. Sau đó người con kế vị của ông tên là Vỵ được kế nghiệp cha, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ do triều đình giao phó tại vùng đất Mân Thít – Trà Ôn kéo dài cho tới cửa biển Định An.
Tuy nhiên, năm 1833, cuộc khởi loạn của Lê Văn Khôi khắp thành Gia Định đã lôi kéo Vỵ làm theo, dẫn tới sau khi bị triều đình dẹp loạn, toàn bộ sự nghiệp của Nguyễn Văn Tồn để lại cũng bị tiêu vong, triều Nguyễn đã xóa bỏ đồn Uy Viễn và không cho người Khmer cai quản như xưa nữa. Từ đó khu di tích cũng không còn hậu duệ chăm lo thờ tự, trở thành khu lăng mộ vô chủ.
Nhưng, với những ghi nhận công lao của Nguyễn Văn Tồn, nhân dân trong vùng đã tôn ông như một vị thần bảo vệ và che chở cho sinh dân trong vùng với sự tham gia chăm sóc thờ tự của cả cộng đồng người Việt, người Hoa, người Khmer.
Theo Thanh Niên
Nguồn bài viết : 2 điểm XSMN