Ký giả Pháp dành nhiều lời ngợi ca Huế |
Lễ hội “Ici Vietnam”: quảng bá ẩm thực Việt Nam tại Pháp |
Đại sứ Nicolas Warnery trao tượng trưng bản dịch Bộ luật Dân sự Pháp dưới dạng một cuốn sách cho đại diện Bộ Tư pháp Việt Nam. |
Bà Nguyễn Chi Lan – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh như vậy trong phát biểu tại lễ trao bản dịch tiếng Việt cuốn Bộ luật Dân sự Pháp cho Bộ Tư pháp Việt Nam ngày 24/6. Sự kiện do Đại sứ quán Pháp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức.
Theo bà Nguyễn Chi Lan, Bộ luật Dân sự Pháp được ban hành từ năm 1804 đã thể hiện những tinh hoa của nền văn hóa pháp luật đồng thời đặt nền móng cho sự phát triển của hệ thống pháp luật dân sự Pháp cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Bà Nguyễn Chi Lan: "Bộ luật dân sự Pháp đã trở thành nguồn tài liệu tham khảo quý cho các cơ quan xây dựng và thực thi pháp luật, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu của Việt Nam". |
“Tại Việt Nam, Bộ luật Dân sự Pháp đã trở thành nguồn tài liệu tham khảo quý báu cho các cơ quan xây dựng và thực thi pháp luật, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu. Đặc biệt trong quá trình xây dựng Bộ luật Dân sự của Việt Nam, các cơ quan xây dựng pháp luật của Việt Nam luôn coi trọng, nghiêm túc nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc các quy định của Bộ luật Dân sự Pháp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam. Việc xây dựng, công bố ấn phẩm bản dịch cập nhật Bộ luật Dân sự của Pháp bởi vậy có ý nghĩa rất quan trọng”, bà Nguyễn Chi Lan cho biết.
Ông Nicolas Warnery - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam. |
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam – ông Nicolas Warnery cho biết: Bộ luật Dân sự giữ vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật của các quốc gia. Các quy định trong bộ luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khi tham gia vào quan hệ dân sự.
Để tạo điều kiện và tăng cường hơn nữa sự trao đổi trong lĩnh vực luật dân sự vốn có ý nghĩa quan trọng chủ chốt trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, Đại sứ quán Pháp đã thực hiện việc dịch thuật Bộ luật Dân sự Pháp sang tiếng Việt và tổ chức buổi lễ bàn giao công trình cho Bộ Tư pháp Việt Nam.
“Pháp luôn mong muốn hợp tác mạnh mẽ và lâu dài với Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp”, Đại sứ Nicolas Warnery khẳng định.
Thông tin thêm về Bộ luật Dân sự Pháp, ông Jean-François de Montgolfier, Vụ trưởng Vụ Dân sự và Con dấu, Bộ Tư pháp cho biết: Pháp – Việt Nam chia sẻ cùng một nền văn hóa pháp lý. Đó là văn hóa pháp lý lục địa, pháp lý thành văn, văn hóa civil law, tựu trung là văn hóa của Bộ luật Dân sự.
Luật gia Pháp khi nghiên cứu Bộ luật Dân sự Việt Nam có thể tìm thấy rất nhiều thuật ngữ pháp lý quen thuộc: quyền hình ảnh, quyền giám hộ, trách nhiệm dân sự, hoa lợi, cầm cố hay thế chấp... "Rất nhiều điểm tham chiếu chung nhưng sự gần gũi này tất nhiên không phải là sự đồng nhất và đó chính là điều làm cho sự hợp tác của hai nước trở nên phong phú. Sự so sánh giữa pháp luật Pháp và pháp luật Việt Nam đôi khi bộc lộ những điểm trái ngược thú vị", ông Jean-François de Montgolfier cho biết.
Bộ luật Dân sự Pháp ra đời từ năm 1804, hiện nhiều nội dung của Bộ luật đã được sửa đổi bổ sung đặc biệt là phần pháp luật cá nhân và gia đình không còn liên quan gì đến luật đã tồn tại vào đầu thế kỷ 19. Bản dịch sang tiếng Việt đã cập nhật cuộc cải cách lớn về pháp luật nghĩa vụ diễn ra vào năm 2016 và đã sửa đổi hơn 300 điều trong Bộ luật Dân sự Pháp liên quan đến pháp luật hợp đồng, chế độ nghĩa vụ chung và chứng minh nghĩa vụ, đây là lý do tại sao bản dịch mới rất hữu ích.
Ông Jean-François de Montgolfier cho rằng các luật gia Pháp có thể tham khảo những cải cách của pháp luật dân sự Việt Nam trong quá trình cải cách Bộ luật Dân sự Pháp; đồng thời bày tỏ mong muốn bản dịch Bộ luật Dân sự Pháp sang tiếng Việt sẽ thường xuyên cập nhật nội dung của những lần cải cách trong tương lai, qua đó làm giàu thêm quan hệ hợp tác hai nước.
Pháp và Việt Nam đã có gần 30 năm hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, thể hiện qua việc ký kết nhiều thỏa thuận ở các cấp cao nhất của cơ quan tư pháp hai nước và giữa các hiệp hội nghề nghiệp (công chứng, luật sư, thừa phát lại). Pháp đã dành hơn 900 suất học bổng cho các sinh viên Luật xuất sắc, triển khai chương trình đào tạo pháp luật bằng tiếng Pháp cho gần 200 học viên Việt Nam. |
Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tìm kiếm giải pháp khắc phục rác thải nhựa |
Địa chỉ Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam |