Tại sự kiện này, các nhà giáo dục và đào tạo từ các nước trên thế giới đã hội tụ, cùng trao đổi các ý tưởng cải tiến trải nghiệm lớp học. Cũng tại sự kiện này, các giáo viên đã cùng thảo luận và khám phá những xu hướng giảng dạy mới, nhằm mang lại một lớp học bình đẳng, tương tác cao, cũng như các kỹ năng giảng dạy và học tập hiện đại.
Trong suốt 3 ngày của sự kiện, các chuyên gia Giáo dục sáng tạo (Microsoft Innovative Educator Experts) đã được vinh danh cùng những thành tựu nổi bật - kết hợp nội dung, sư phạm và công nghệ nhằm giúp học sinh, sinh viên thành công trong thời đại kỹ thuật số.
“Giáo viên là yếu tố quyết định và có vai trò quan trọng trong tương lai của tuổi trẻ ngày nay. Thật đáng mừng khi tôi được gặp gỡ những giáo viên nhiệt huyết, luôn không ngừng đổi mới và sáng tạo, đem công nghệ và kỹ năng mới ứng dụng vào lớp học, nhằm mang lại những trải nghiệm đáng nhớ, từ đó, trang bị những kỹ năng cần thiết trong tương lai cho học sinh, sinh viên của mình” ông Anthony Salcito, Phó Chủ tịch phụ trách Giáo dục tại Microsoft chia sẻ.
Năm nay, Châu Á có 7 giáo viên được vinh danh trong 5 hạng mục tại Thử thách Giáo dục toàn cầu (Global Educator Challenge). Đội thắng cuộc gồm 6 thành viên, trong đó có giáo viên Trần Hương Quỳnh đến từ Việt Nam với ý tưởng là một giáo trình giảng dạy dành cho các sinh viên sư phạm, giúp họ hiểu hơn về khái niệm hòa nhập qua chương trình Minecraft, đồng thời, lắng nghe ý kiến đóng góp của học sinh sinh viên với Flipgrid.
Chị Trần Hương Quỳnh là giảng viên bộ môn Ngôn ngữ học Anh, khoa tiếng Anh trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chị Quỳnh được học bổng toàn phần của Chính phủ Úc cho khoá học thạc sĩ và tiến sỹ tại Đại học Monash, Úc. Cuối năm 2016 khi trở về Việt Nam, chị nhận thấy cần có sự thay đổi về trong việc dạy các môn chuyên ngành Ngôn ngữ nên chị đã tìm hiểu thêm về ứng dụng CNTT trong dạy học.
Chị Trần Hương Quỳnh chia sẻ, đề bài trong hạng mục Thử thách Giáo dục toàn cầu là là dựa vào thông tin,hình ảnh clip... thu thập được từ chuyến đi thăm quan Paris, hãy thiết kế một bài học có chủ đề về Paris thể hiện được các tiêu chí về hợp tác, sáng tạo, tăng cường tiếng nói của học sinh và có tính năng giúp tất cả học sinh hòa nhập vào bài học.
Sau đó, các nhóm lên xe đi tham quan Paris trong 2 tiếng để thu thập tài liệu thiết kế bài soạn và làm việc cùng nhau để xác định chủ để, đối tượng người học, môn học, mục tiêu bài học, các ứng dụng Microsoft sẽ sử dụng trong bài. Các công nghệ chính của E2 năm nay là: Minecraft, OneNote, Teams và Flipgrid. Bài soạn được chấm theo 4 tiêu chí là tăng cường tiếng nói của học sinh, tính năng giúp tất cả học sinh hòa nhập và tham gia được bài học, tính hợp tác và tính sáng tạo.
Bài soạn thuộc môn học được thiết kế hoạt động và lập kế hoạch tổ chức các hoạt động trải nghiệm và khám phá thế giới xung quanh. Môn học về chuyên ngành dành cho sinh viên sư phạm. Bài học còn hướng đến việc giúp các sinh viên sư phạm có thể tích hợp các môn học như Ngữ Văn, tiếng Anh là ngoại ngữ, Lịch sử, Toán, Khoa học, Địa lý vào các hoạt động trải nghiệm và tham quan thực tế.
Chị Quỳnh chia sẻ, bài học này giúp sinh viên sư phạm kiến tạo năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm và tham quan thực tế cho học sinh của mình. Sinh viên sư phạm hợp tác và tương tác cùng nhau qua các hoạt động học tập để cùng nhau khám phá các nội dung kiến thức và kỹ năng cần có để có thể hình thành năng lực tổ chức hoạt động và lên kế hoạch cùng học sinh. Đồng thời, bài học cũng giúp sinh viên sư phạm trải nghiệm các ứng dụng kỹ thuật số của Microsoft để học tập với mong muốn sinh viên có thêm các năng lực sử dụng CNTT trong học tập để sau này vận dụng tốt trong dạy học.
“Sinh viên sư phạm khi hoàn thành bài học sẽ có thể phân tích và đánh giá được các hoạt động học tập trong buổi trải nghiệm và tham quan thực tế về Paris dành cho học sinh của mình. Bên cạnh đó, họ có thể lên kế hoạch tổ chức các hoạt động có tính hợp tác và giúp học sinh có năng lực tư duy, học tập, trí thông minh khác nhau có thể hòa nhập. Sinh viên sư phạm sẽ được trải nghiệm và phát triển kỹ năng ứng dụng các công nghệ số để tăng tính hợp tác, giao tiếp, trải nghiệm, giải quyết vấn đề trong việc lập kế hoạch tổ chức các hoạt động trải nghiệm và tham quan thực tế. Bài học thiết kế cho sinh viên sư pham ở bậc cao đẳng, đại học nhưng cũng có thể mở rộng cho các giáo viên muốn phát triển chuyên môn về việc tổ chức hoạt động trải nghiệm và tham quan thực tế” chị Quỳnh nói.
Nguồn bài viết : ketqua