SÁCH HAY THỐNG KÊ

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm

2024-12-21 13:18:44
Cấp thiết bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Lự
Người Lự là một dân tộc ít người trong cộng đồng 54 dân tộc anh em của Việt Nam, thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái. Tại Lai Châu, người Lự cư trú tập trung chủ yếu hai huyện Tam Đường và Sìn Hồ. Bảo tồn, lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo dân tộc Lự đang là nhiệm vụ quan trọng của ngành văn hóa.
Chuyển đổi số để bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, số hóa tiến tới chuyển đổi số di sản được coi là xu hướng tất yếu. Ðây cũng là giải pháp căn cốt để tối ưu hóa khả năng lưu trữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa theo hướng bền vững. Song, để thực hiện công tác này một cách đồng bộ nhằm tạo thuận lợi trong khai thác, chia sẻ, sử dụng dữ liệu số về di sản, các bộ, ngành liên quan cần vào cuộc quyết liệt.

Đặc sắc lễ hội Katê

Nghi thức rước Y trang Nữ thần Pô Sah Inư lên Tháp chính tại lễ hội Katê của đồng bào Chăm ở tỉnh Bình Thuận.

Đặc sắc nhất trong kho tàng văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Chăm là lễ hội Katê. Đây là lễ hội của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn ở tỉnh Bình Thuận được phục dựng từ năm 2005 tại Di tích cấp quốc gia Pô Sah Inư với đầy đủ các nghi thức và các giá trị văn hóa dân gian truyền thống, mang đậm yếu tố tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào Chăm.

Lễ hội Katê có quá trình hình thành, tồn tại từ rất lâu đời và được duy trì đến ngày nay. Sư cả Thông Minh Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng sư cả Bàlamôn tỉnh cho biết, lễ hội Katê thể hiện sự thành kính, biết ơn đối với các vị thần linh, ông bà, tổ tiên đã bảo bọc, chở che cho con cháu khỏe mạnh, cuộc sống bình an, no ấm và hạnh phúc; thể hiện khát vọng của cộng đồng luôn cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đồng thời, đây cũng là dịp thắt chặt tinh thần đoàn kết, tinh thần hòa hợp để gắn kết các thành viên trong cộng đồng.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa nhưng về cơ bản lễ hội Katê vẫn được gìn giữ, duy trì theo đúng tập tục truyền thống như: Lễ Nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư dưới sự điều hành của các chức sắc tôn giáo, mở cửa tháp chính, tắm bệ thờ Linga - Yoni, mặc trang phục, đại lễ cúng mừng Katê tại tháp chính…Phần hội của lễ hội Katê thường diễn ra các hội thi và các trò chơi mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Chăm như thi trưng bày và trang trí lễ vật trên Thôn la; thi làm bánh gừng, giã gạo, đội nước vượt chướng ngại vật…

Với những giá trị và ý nghĩa về lịch sử, văn hóa đặc sắc, tiêu biểu đó, ngày 4/4/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 776/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo sư cả Thông Minh Toàn, cộng đồng người Chăm Bàlamôn rất tự hào và vui mừng khi lễ hội Katê trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy nét văn hóa đặc trưng của người Chăm.

Hơn 15 năm qua, lễ hội Katê được tỉnh Bình Thuận phục dựng tại tháp Pô Sah Inư và trở thành một trong 6 lễ hội tiêu biểu được tỉnh lựa chọn để phát triển du lịch. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tình cảm của đồng bào Chăm, lễ hội Katê còn góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh Bình Thuận đến với du khách trong nước và quốc tế.

Ông Võ Thành Huy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết để phát huy giá trị của lễ hội Katê, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ cùng với các địa phương trong tỉnh, nơi mà có đồng bào người Chăm theo đạo Bàlamôn sinh sống rà soát, tổ chức lại các ngành nghề truyền thống như làm bánh, dệt thổ cẩm, làm gốm…Từ đó, sẽ hình thành nên một nhóm nghề truyền thống của người Chăm để đưa vào phục vụ tại các điểm du lịch. Đồng thời, sẽ hoàn thiện lại một phần lễ hội Katê để đưa vào các chương trình biểu diễn nghệ thuật trên sân khấu, tại các địa điểm tham quan di tích, khu du lịch phục vụ du khách và nhân dân trong, ngoài tỉnh.

Ngoài việc tiếp tục phát huy những lễ hội đã được công nhận, ngành sẽ rà soát những lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh để xây dựng đề án phục dựng và tổ chức các hoạt động đưa vào phục vụ du khách vào dịp lễ, Tết, những ngày cuối tuần.

Độc đáo nghề gốm thủ công

Theo các nghiên cứu, trước đây, người Chăm ở Bình Thuận đã làm nhiều nghề thủ công để sinh sống như làm gốm, dệt vải, đóng thuyền…Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn nghề làm gốm được người Chăm ở thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình lưu giữ và phát triển. Nghề làm gốm không biết có từ bao giờ bởi nghề làm gốm cứ được nối tiếp từ đời này sang đời khác “mẹ truyền con nối” hàng trăm năm qua.

Nét độc đáo nghề gốm của người Chăm là người làm không dùng bàn xoay hiện đại mà khi tạo hình, người làm gốm xoay mình, đi vòng quanh sản phẩm thay vì sản phẩm xoay tròn như cách làm gốm ở nhiều nơi khác. Gốm làm xong, được quét lên một lớp nước đất sét đỏ để màu gốm sau khi nung sẽ đẹp hơn. Thêm nữa kỹ thuật nung gốm lộ thiên là nét đặc trưng hiếm có của gốm Chăm bởi mang tính cộng đồng cao.

Khoảng 3 - 4 ngày người dân mới tập trung nung gốm một lần. Bãi nung là bãi đất trống để đón nắng đón gió và vị trí gần mương nước. Gốm sau khi nung vừa lấy ra khỏi lò được vảy lên một loại nước từ trái thị hoặc vỏ hạt điều ngâm, tạo ra những vết loang lấm tấm đen. Cách trang trí này khiến gốm Chăm khác biệt với các sản phẩm gốm khác. Sản phẩm gốm của người Chăm không nhiều hoa văn trang trí, hình dáng đơn giản, mộc mạc nhưng lại thu hút du khách và người tiêu dùng bởi có nét độc đáo.

Những năm gần đây, trước tác động của cơ chế kinh tế thị trường cùng sự phát triển của khoa học, công nghệ nên nghề gốm của người Chăm đã và đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Vì vậy, tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình.

Ngoài mục tiêu bảo tồn phương thức, kỹ thuật, nguyên liệu làm gốm truyền thống và nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, Đề án còn hướng tới việc xây dựng và phát triển các tour, tuyến du lịch đến tham quan, khám phá, trải nghiệm làng gốm Chăm Bình Đức; phấn đấu đến năm 2030, số hộ duy trì nghề gốm tăng từ gần 11% lên hơn 15%, số nghệ nhân duy trì nghề gốm tăng từ gần 12% lên hơn 16%.

Tỉnh Bình Thuận tập trung quy hoạch, mở rộng vùng nguyên liệu và bãi nung gốm truyền thống gắn với xây dựng lò nung gốm mỹ nghệ; thực hiện chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề; mở các lớp đào tạo, truyền dạy kỹ năng, bí quyết thực hành nghề gốm cho thế hệ trẻ trong cộng đồng người Chăm địa phương…Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch, góp phần đưa sản phẩm gốm thành sản phẩm hàng hóa có tính thương mại và giá trị tăng cao.

Thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế
Quỹ bảo tồn di sản Huế là quỹ quốc gia do Chính phủ thành lập và giao UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý, nhằm huy động nguồn lực để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí chưa đủ.
Bảo tồn, phát huy giá trị thổ cẩm của dân tộc Bahnar
Bao đời nay, cùng với các lễ hội truyền thống, dệt thổ cẩm cũng là niềm tự hào đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Top