Hồ nước ngọt sâu nhất thế giới Baikal: kỳ quan của tự nhiên |
Vodka: "quốc tửu" Nga |
Được xây dựng từ năm 1754 đến 1762 trên diện tích 90.000m2 theo lệnh của Nữ hoàng Elizaveta Petrovna và thiết kế bởi kiến trúc sư người Ý Bartolomeo Rastrelli, Cung điện Mùa Đông thể hiện đỉnh cao của phong cách Baroque tại Nga. Nhìn từ sông Neva, cung điện nổi bật với màu xanh ngọc bích pha trắng đặc trưng. Điểm nhấn trước cung điện là cổng Khải hoàn môn với sáu tượng ngựa chiến bằng đồng, biểu trưng cho chiến thắng của Nga trước Napoleon vào năm 1812. Mỗi chi tiết, từ các hoa văn tinh tế đến tượng thần, đều được chế tác công phu, tạo nên một tổng thể hài hòa và đầy ấn tượng.
Cung điện Mùa Đông bên dòng sông Neva ở St.Petersburg (Liên bang Nga). (Ảnh: KT) |
Bên trong cung điện, các phòng nghi lễ nhà nước như phòng Quốc Huy, cầu thang Jordan và phòng Thánh George cực kỳ tráng lệ. Trần và tường của cung điện được trang trí bằng những bức tranh dát vàng và những chi tiết nghệ thuật tinh xảo. Hành lang Loggias Raphael nổi bật với các bức tranh Kinh Thánh mô phỏng vẻ đẹp nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng, thể hiện rõ sự ảnh hưởng sâu sắc của nghệ thuật phương Tây đối với kiến trúc Nga.
Cung điện Mùa Đông với hơn 1.000 phòng, 117 cầu thang và 2.000 cửa sổ là một trong những biểu tượng quyền lực vĩ đại nhất của đế chế Nga. Để xây dựng công trình này, hơn 4.000 nghệ nhân từ nhiều lĩnh vực khác nhau cùng thực hiện. Công trình sử dụng khoảng 5 triệu viên gạch và vô số loại đá quý như đá hoa cương, đá malachite... nhập khẩu từ Italy, Phần Lan và nhiều nơi khác. Những cột đá granit xám nguyên khối trong cung điện, đặc biệt là Bảo tàng Hermitage là những cột đá nguyên khối cao nhất thế giới.
Cung điện là một kỳ tích kỹ thuật cho thời kỳ này, với việc sử dụng các công nghệ tiên tiến về kết cấu đá và kỹ thuật làm móng trên nền đất yếu của St.Petersburg. Các tầng ngầm của cung điện được xây dựng với hệ thống chống thấm tiên tiến nhằm bảo vệ công trình khỏi sự ẩm mốc từ sông Neva, giúp cho cung điện trường tồn qua thời gian.
Cầu thang Jordan ở khu vực lối vào của Cung điện Mùa Đông. Vào ngày Lễ Hiển linh, Sa hoàng xuống cầu thang hoàng gia để tham dự Đại lễ Nước vĩ đại trên sông Neva, kỷ niệm lễ rửa tội của Chúa Giêsu trên sông Jordan.(Ảnh: richedwardsimagery) |
Sau trận hỏa hoạn vào tháng 12/1837, Sa hoàng Nicholas I ra lệnh xây dựng lại cung điện. Nội thất xa hoa được tái tạo dưới sự giám sát của các kiến trúc sư Vasily Stasov và Alexander Briullov, với sự pha trộn giữa các yếu tố hiện đại và cổ điển, hoàn thành chỉ trong một năm.
Trong suốt thế kỷ 20, Cung điện Mùa Đông đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng như cuộc thảm sát Ngày Chủ Nhật đẫm máu năm 1905 đến Cách mạng Tháng Mười năm 1917. Đây là những sự kiện đã làm thay đổi diện mạo chính trị - xã hội nước Nga, đồng thời gắn kết lịch sử cung điện với những chuyển biến lớn của thời đại.
Năm 1917, Cung điện Mùa Đông chính thức trở thành một phần của Bảo tàng Nhà nước Hermitage, nơi lưu giữ hơn 3 triệu hiện vật quý giá. Trong số đó có 15.000 tác phẩm hội họa nổi tiếng, 12.000 bức tượng, 620.000 bản khắc và tranh phác họa, 1 triệu phù điêu, tiền đồng và huy hiệu kỷ niệm... Với các tác phẩm hội họa, tượng điêu khắc, bản khắc và các hiện vật lịch sử từ khắp nơi trên thế giới, Hermitage không chỉ là một bảo tàng nghệ thuật hoàng gia mà còn là trung tâm bảo tồn di sản văn hóa toàn cầu.
Bảo tàng Hermitage là điểm đến không thể bỏ qua đối với khách du lịch quốc tế khi đến St.Petersburg. (Ảnh: theartnewspaper). |
Một số hiện vật nổi tiếng tại đây như: bức tranh "Madonna Litta" và "Benois Madonna" của Leonardo da Vinci; "Madonna Conestabile" của Raphael; bức tượng điêu khắc "Crouching Boy" của Michelangelo; chiếc đồng hồ chim công do nhà kim hoàn người Anh James Cox chế tác vào những năm 1770... Mỗi hiện vật đều kể lại một câu chuyện lịch sử độc đáo, tạo nên một không gian tràn ngập nghệ thuật và giá trị văn hóa.
Đồng hồ chim công do nhà kim hoàn người Anh James Cox chế tác được trưng bày tại Bảo tàng Hermitage. (Ảnh: atlasobscura.com) |
Bên cạnh những giá trị văn hóa và lịch sử, Cung điện Mùa Đông đang phải đối mặt với thách thức lớn trong việc bảo tồn công trình và các tác phẩm nghệ thuật bên trong. Sự xuống cấp tự nhiên của kiến trúc, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cùng với tác động của lượng du khách lớn đang làm gia tăng áp lực lên cung điện.
Chính quyền Nga đã triển khai nhiều biện pháp nghiêm ngặt để bảo tồn di sản này. Các hệ thống cảm biến hiện đại giúp giám sát độ ẩm và điều chỉnh nhiệt độ bên trong cung điện, ngăn ngừa sự xuống cấp của công trình. Công nghệ chống thấm và hệ thống thông gió cải tiến cũng đã được áp dụng nhằm bảo vệ cấu trúc và các hiện vật quý giá. Chính quyền cũng cải tiến hệ thống quản lý khách tham quan, bao gồm việc kiểm soát số lượng du khách vào các khu vực quan trọng nhằm giảm thiểu tác động lên cung điện.
Những nỗ lực bảo tồn này không chỉ giới hạn trong nước Nga. Hermitage nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như Viện Getty và UNESCO. Viện Getty, một trong những tổ chức hàng đầu thế giới về bảo tồn nghệ thuật, đã hợp tác trong việc bảo tồn các bức tường và trần nhà có niên đại từ thế kỷ 19. Các chuyên gia bảo tồn của Getty đã mang đến những công nghệ tiên tiến để khôi phục những phần kiến trúc bị hư hỏng do thời gian và biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, UNESCO đã công nhận Cung điện Mùa Đông là di sản thế giới vào năm 1990, cung cấp tài chính và hỗ trợ chuyên môn cho các dự án bảo tồn. Hermitage cũng hợp tác với Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (ICOM) để chia sẻ kiến thức và công nghệ bảo tồn tiên tiến, đảm bảo rằng các tiêu chuẩn bảo tồn cao nhất luôn được duy trì.
Cung điện Mùa Đông không chỉ là di sản kiến trúc mà còn là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn học và nghệ thuật. Trong văn học Nga, hình ảnh cung điện đã xuất hiện trong nhiều tiểu thuyết lịch sử, bao gồm "Cung điện Mùa Đông" của Eva Stachniak hay trong kiệt tác "Chiến tranh và Hòa bình" của Tolstoy. Cung điện là bối cảnh của nhiều bộ phim kinh điển, điển hình như "October: Ten days that shook the world" (Tháng Mười: 10 ngày làm rung chuyển thế giới) của Sergei Eisenstein, ghi lại sự kiện Cách mạng Tháng Mười Nga.
Các bức tranh trên trần nhà tại Cung điện Mùa Đông. (Ảnh: richedwardsimagery) |
Đối với nhiều người Việt Nam từng học tập và làm việc tại Liên Xô, Cung điện Mùa Đông để lại dấu ấn sâu sắc. Các chuyến tham quan cung điện là một phần không thể quên của ký ức về sự vĩ đại của nước Nga thời kỳ hoàng gia.
"Khi đặt chân đến St.Petersburg, điều đầu tiên tôi muốn làm là thăm lại Cung điện Mùa Đông", ông Lê Quang Huy, một cựu sinh viên Việt Nam tại Liên Xô kể. "Đó không chỉ là một công trình kiến trúc vĩ đại, mà còn là một phần ký ức sâu đậm trong lòng chúng tôi, những người đã sống và học tập tại nước Nga. Hình ảnh cung điện giữa những lớp tuyết trắng xóa mùa đông và dòng Neva đóng băng đã khắc sâu trong tâm trí tôi về sự bền vững của nền văn hóa Nga".
PGS.TS Bùi Minh Trí, cựu sinh viên Đại học Tổng hợp Saint Petersburg đã viết bài thơ "Cung điện Mùa Đông", thể hiện sự ngưỡng mộ trước vẻ đẹp và sự tráng lệ của công trình.
Dưới đây là bài thơ "Cung điện Mùa Đông":
Ta lắng nghe tiếng thì thầm
Vọng lên từ Neva biêng biếc
Đại đế Pie tâm tình cùng mugic
Lâu đài nghệ thuật tạo nên
Trở thành Thế giới kỳ quan
Sáng danh Elizabeth
Hoàn cầu ngợi ca bất tuyệt
Paris, Thành Lê sóng đôi
Về đây kiến trúc muôn đời
Nền phòng đá hoa lộng lẫy
Nghệ thuật khắp nơi bừng dậy
Nàng tiên soi mình Neva
Công trình nét vẽ nên thơ
Cung điện Hoàng gia rực rỡ
Tượng tranh kim cương đồ quý
Rạng danh thế giới bảo tàng
Nghệ thuật gom cả trần gian
Cách tân đan xen cổ điển
Ta như lạc vào cung quảng
Sáng niềm tinh tế nhân dân.
Yakutia: Lửa sống trên vùng băng tuyết |
Nhà hát Bolshoi: Một thế giới âm nhạc hoàn hảo |
Nguồn bài viết : Thống Kê Xổ Số