Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh. Nguồn ảnh: Bộ Công thương. |
Chiều ngày 14/8/2019, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đã chủ trì buổi gặp gỡ với báo chí để trao đổi, thảo luận về những nội dung trong dự thảo Thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Dự thảo này đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi.
Tại buổi thảo luận, ICTnews đã đặt câu hỏi với Thứ trưởng Trần Quốc Khánh Thông tư này ảnh hưởng đối với ngành công nghiệp điện tử, công nghệ cao, công nghiệp ô tô hay không? Khi mà hiện nay ngành công nghiệp công nghệ cao như công nghiệp điện tử, công nghiệp lắp ráp ô tô, công nghiệp sản xuất thiết viễn thông đã có khá nhiều doanh nghiệp đang sản xuất lắp ráp các sản phẩm được coi là Made in Vietnam. Ví dụ, điện thoại Bphone của BKAV, điện thoại Lotus của VNPT, các sản phẩm thiết bị modem, tổng đài viễn thông, các hãng ô tô của thế giới đang đặt nhà máy ở Việt Nam từ nhiều năm nay. Vậy khi Thông tư ra đời thì các sản phẩm này có được coi là Made in Vietnam hay không? Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, khi thông tư ra đời, một số sản phẩm đang ghi hoặc mong muốn ghi Made in Việt Nam sẽ có thể không được ghi nữa, nếu sản phẩm của họ không đáp ứng đủ các tiêu chí về tỷ lệ hàm lượng giá trị của Việt Nam phải đạt 30% trở lên, hoặc chưa đảm bảo được tiêu chí về chuyển đổi mã số HS.
Thứ trưởng cho rằng, Thông tư mới đưa ra bản dự thảo 1, chắc chắn Ban soạn thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các hiệp hội, mỗi hiệp hội sẽ có quan điểm riêng tùy thuộc vào đặc thù của từng ngành sản xuất. Và khi đưa ra hội thảo để thảo luận chắc chắn sẽ nhận được nhiều ý kiến hay.
Trả lời về việc gán xuất xứ cho những sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao, ví dụ một doanh nghiệp Việt Nam sở hữu phần mềm, sở hữu thiết kế có giá trị hàm lượng chất xám hàng chục triệu thậm chí hàng tỷ USD, cao hơn so với phần cứng đặt hàng nước khác sản xuất chẳng hạn, thì như vậy sản phẩm đó có được dán nhãn Made in Vietnam hay không? Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, Việt Nam không cho phép dán nhãn Made in Vietnam với những sản phẩm đặt hàng ở nước khác, dù biết rằng giá trị của phần mềm đó lớn hơn nhiều giá trị phần cứng. Nhưng nếu cho phép như vậy sẽ có nguy cơ gian lận thương mại rất cao. Tài sản trí tuệ, chi phí nghiên cứu, chi phí phát triển sẽ được ghi vào tính toán trong giá trị hàng hóa, nhưng sản phẩm cuối phải được sản xuất ở Vietnam thì mới được ghi xuất xứ Made in Vietnam.
Trước ý kiến cho rằng, nội lực của ngành công nghiệp Việt Nam đang rất yếu kém, gần như ở con số 0, khi Samsung vào Việt Nam thì ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam không thể đáp ứng được và hầu như không sản xuất được gì. Do đó, việc quy định về dán nhãn Made in Vietnam phải đáp ứng một tỷ lệ nội địa hóa trên 30% sẽ ảnh hưởng rất lớn tới ngành điện tử của Việt Nam. Bởi hiện nay chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu hiện đã thay đổi nhiều rồi. Việt Nam cũng đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do, ở đâu cung cấp linh kiện rẻ hơn, tốt hơn thì doanh nghiệp Việt Nam cứ nhập về và lắp ráp thành hàng Việt Nam. Vậy Bộ Công thương có tính được Thông tư này sẽ có tác động lên bao nhiêu sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hay không?
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh không bình luận về thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện nay ra sao. Nhưng ông cho rằng, toàn cầu hóa đã khá rộng rãi và không một ai muốn tự sản xuất một sản phẩm từ A-Z mà chỉ tham gia mỗi chuỗi trong tiến trình đó, Việt Nam hội nhập là muốn tham gia vào chuỗi cung ứng đó. Thứ trưởng cũng nói: “Chưa thể biết thông tư này ra đời thì tác động đến bao nhiêu doanh nghiệp, nhưng chắc chắn lĩnh vực nông sản không thay đổi, chỉ có lĩnh vực công nghiệp sẽ bị tác động nhưng cũng chưa thể nói trước được ai còn ai mất”.
Nguồn bài viết : Tin bóng đá mới nhất