Theo National Geographic thì với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino cộng với hệ quả của biến đổi khí hậu do các hoạt động của con người, năm 2019 có thể sẽ trở thành năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại.
Tình trạng này cũng được cảnh báo trong báo cáo "tình trạng khí hậu" mới nhất của Carbon Brief – một báo cáo tổng quát về nhiệt độ, nhiệt độ đại dương, mực nước biển, khí nhà kính và băng ở các cực – và theo báo cáo này thì:
- Nhiệt lượng đại dương (OHC) đạt mức kỷ lục mới trong đầu năm 2019. Các nhà khoa học cho biết nhiệt độ của đại dương ấm hơn bất kỳ thời điểm nào so với thời điểm từ năm 1940 trở lại đây.
- Trong năm 2019, mực nước trên các đại dương của thế giới tiếp tục tăng (tăng 8,5cm so với đầu những năm 1990).
- Nồng độ methane trong khí quyển tăng với tốc độ nhanh, đạt mức kỷ lục trong những tháng gần đây (xu hướng này vẫn đang được tranh luận bởi các nhà khoa học).
- Băng ở Bắc cực hiện đang ở mức thấp kỷ lục vào tháng 1 và hiện đang ở mức thấp trong lịch sử.
Dựa trên nhiệt độ trong quý 1, năm 2019 có thể là năm nóng thứ 2 hoặc thứ 3 được ghi nhận cho tất cả các loại nhiệt độ bề mặt, sau năm 2016 và 2017. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là thời điểm nắng nóng nhất trong năm và năm 2019 vẫn đang có xu hướng phá vỡ kỷ lục nhiệt độ cao của mọi thời đại.
Riêng tại Việt Nam, những ngày cuối tháng 4 vừa qua cũng đã xảy một đợt nắng nóng khó chịu. Nhiệt độ ở Hà Tĩnh - tỉnh nằm ở tâm chấn của đợt nóng - đạt mức nhiệt 43,4 độ C hôm 20/4, và đây là mức cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 5 năm 2015.
Hiện tượng ấm lên toàn cầu
Các nhà khoa học xếp hiện tượng "ấm lên toàn cầu" và "biến đổi khí hậu" là một trong những "thảm họa đe dọa sự tồn vong của nhân loại". Những thảm họa khác được xếp chung với nhóm này bao gồm thiên thạch khổng lồ lao vào Trái Đất, chiến tranh hạt nhân, dịch bệnh quy mô toàn cầu...
Ngoài gây ra cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người dân, hệ quả rõ ràng nhất của ấm lên toàn cầu và biến đổi khí hậu trong năm 2019 có thể gây ra hàng loạt hiểm họa cho con người và thiên nhiên như:
Bão/siêu bão:
Các chuyên gia khí tượng trên thế giới cho rằng hiện tượng nắng nóng và ấm lên toàn cầu sẽ khiến cho các cơn bão và siêu bão ngày càng có diễn biến khó lường hơn. Các hiện tượng tự nhiên này sẽ xuất hiện với tần suất cao và khó đoán hơn trước.
Theo thống kê, năm 2018, Bắc bán cầu hứng chịu 70 cơn bão so với trung bình nhiều năm là 53 cơn và gây hậu quả nặng nề cho nhiều quốc gia, trong đó có Philippines, Việt Nam, Hàn Quốc…
Sóng nhiệt:
Sóng nhiệt là khoảng thời gian kéo dài của hiện tượng thời tiết nóng bất thường, thường kéo dài từ vài ngày đến hơn một tuần. Sóng nhiệt hình thành khi không khí tĩnh (ít di chuyển) tại một địa phương hay một vùng. Sóng nhiệt có thể gây ra các bệnh như chuột rút, suy kiệt, đột quỵ do nhiệt..., thậm chí tử vong.
Các nhà khoa học cho biết sóng nhiệt gây nên tình trạng khó chịu cho con người, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người già và những người mắc bệnh. Nhiệt độ cao có thể gây ra các bệnh như chuột rút do nhiệt, đột quỵ do nhiệt và thậm chí tử vong. Sóng nhiệt dẫn đến nóng đột ngột, làm cho cơ thể con người bị mất nước và mất muối, là nguyên nhân chủ yếu gây ra các trường hợp tử vong do thời tiết.
Theo thống kê, sóng nhiệt ở Chicago (Mỹ) năm 1995 làm 600 trường hợp tử vong; sóng nhiệt ở châu Âu năm 2003 làm 50.000 người tử vong và con số này có xu hướng tăng qua từng giai đoạn.
Theo Lancet Countdown, năm 2018, 153 tỷ "giờ lao động trên toàn thế giới đã bị xóa sổ" do sóng nhiệt, cao gấp 3 lần con số được thống kê vào năm 2000.
Hạn hán/cháy rừng:
Nhiệt độ quá nóng gây ra hiện tượng hạn hán nghiêm trọng tại nhiều quốc gia ở châu Phi, Nam Mỹ, Đông Nam Á và một phần ở khu vực Thái Bình Dương. Hạn hán còn gây ra cháy rừng trên diện rộng ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Mất cân bằng sinh thái:
El Nino gần đây nhất đã kết thúc nào vào năm 2016. Kết quả là hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt này đã xóa sổ gần như cả rạn san hô Great Barrier – rạn san hô lớn nhất trên thế giới.
Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường biển, hiện tượng nắng nóng kéo dài trên thế giới còn khiến các hệ sinh thái thực vật (chủ yếu là rừng), động vật… tại nhiều nơi trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng (thiếu nước uống, thiếu thức ăn, chết do khộng chịu được nhiệt độ cao…).
Bạch Đằng
Nguồn bài viết : Trực tiếp bóng đá hôm nay