Khi công bố kết quả tài chính cho năm 2018, CEO Lei Jun của Xiaomi cũng đưa ra một tuyên bố hùng hồn trong bức thư gửi cổ đông: Lợi ích của người tiêu dùng và lợi nhuận của doanh nghiệp có thể song hành cùng nhau. Kết thúc năm vừa qua, Xiaomi thu về lãi ròng lên tới 1,29 tỷ USD, chấm dứt tình trạng thua lỗ triền miên của công ty này trong những năm trước đó.
Ấy thế nhưng, chỉ vài ngày trước, chính Lei Jun cũng đã đưa ra một tuyên bố trái ngược: "Đây có thể là lần cuối cùng chúng tôi ra mắt một chiếc điện thoại dưới 3.000 RMB (khoảng 450 USD). Trong tương lai, những chiếc điện thoại của chúng tôi sẽ đắt hơn - không quá nhiều, nhưng đắt hơn một chút".
Kinh doanh rất tốt nhưng lại ngừng bán điện thoại giá rẻ và tăng giá toàn danh mục sản phẩm? Điều gì đã xảy ra với tuyên ngôn "vì người tiêu dùng" của Xiaomi?
Trước hết, chúng ta cần nhắc lại vì sao Xiaomi lại có giá rẻ: ngay trước khi lên sàn vào năm 2018, Lei Jun đã khẳng định sẽ không bao giờ ăn lãi trên 5% từ phần cứng. Xiaomi muốn định hướng là "công ty Internet", bán được rất nhiều phần cứng và thu lời từ các sản phẩm như MIUI.
Nhưng tuyên bố này không được lòng các nhà đầu tư, bởi smartphone vẫn chiếm tỷ trọng quá lớn trong doanh thu và lợi nhuận của Xiaomi. Không ai tin Tiểu Mễ lại có thể bán phá giá smartphone và sinh lời, khiến giá cổ phiếu Tiểu Mễ nhanh chóng bay hơi sau khi lên sàn. Ngay cả sau mức tăng nhẹ nhờ lợi nhuận thu về trong năm tài chính đầu tiên công bố, cổ phiếu của Xiaomi vẫn đang thấp hơn đáng kể so với mức 14 USD khi IPO vào năm ngoái.
Mối lo ngại ấy là hoàn toàn hợp lý: trong cả năm 2018, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh thực tế của Xiaomi chỉ đạt vỏn vẹn 178 triệu USD. Xiaomi vẫn là một công ty smartphone (2/3 doanh thu do mảng di động mang về), và việc mở rộng kinh doanh đã khiến "Apple của châu Á" bết bát hơn bao giờ hết. Tầm nhìn "công ty Internet" vẫn chưa thể cứu giúp cho Xiaomi, khi mảng này năm vừa rồi chỉ mang về khoảng 9% doanh thu, thấp hơn cả mảng "low tech" bán hàng thời trang và đồ gia dụng.
Ấy thế nhưng thật trớ trêu, sự thất vọng của các nhà đầu tư lại có thể biến thành... lãi ròng. Do cổ phiếu được coi là khoản nợ dành cho các nhà đầu tư, khi cổ phiếu giảm giá thì Xiaomi được ghi nhận lãi ròng, và nhờ thế lợi nhuận ròng mới tăng vọt lên mức 1,29 tỷ USD.
Năm 2017, lợi nhuận hoạt động của Xiaomi đạt khoảng 1,8 tỷ USD. Nói cách khác, sang đến năm 2018, khoản lãi mà Xiaomi thu về từ hoạt động sản xuất kinh doanh đã giảm còn 1/10 so với năm trước đó.
Hiện tượng đáng lo ngại này là hoàn toàn dễ hiểu. Trong năm qua, lượng smartphone Xiaomi xuất xưởng đã tăng đến 118,7 triệu đơn vị. Do doanh số tại Trung Quốc đã suy giảm tới 1/3, tổng lượng smartphone xuất xưởng trên toàn cầu cũng có nghĩa rằng Xiaomi đã tốn rất nhiều chi phí để xâm nhập vào các thị trường mới. Lợi nhuận hoạt động vì thế mà cũng "bốc hơi" vào các Mi Store, các chương trình khuyến mại, các nhà máy mới mở ở nước ngoài.
Nếu còn tiếp tục duy trì mở rộng, sức ép tài chính đối với Xiaomi sẽ còn lớn hơn nữa. Buộc lòng, Tiểu Mễ phải tìm cách để đẩy dần người dùng về phía các mẫu smartphone đắt tiền hơn. 5% trên một chiếc Mi 9 rõ ràng là có giá trị hơn 5% trên một chiếc Redmi Note 7: muốn sống sót, Xiaomi sẽ phải dần bỏ quên Redmi và tập trung hơn vào các mẫu Mi đắt tiền.
Tình cảnh bi thảm tại quê nhà Trung Quốc đã dạy cho Xiaomi một bài học quan trọng: mọi cuộc bành trướng đều sẽ có hồi kết. Nếu không thể tái định hướng dần sang smartphone cao cấp và tiếp tục sống chết cùng smartphone giá rẻ, không sớm thì muộn cú trượt dài tại quê nhà cũng sẽ tái diễn tại Ấn Độ, Indonesia...
Đến lúc đó, Xiaomi không có gì để chống trả với các đối thủ hùng mạnh như Samsung hay Huawei cả. Dự trữ tiền mặt của Xiaomi hiện chỉ có 5 tỷ USD trong lúc Samsung có 110 tỷ USD. Với các sản phẩm mới thuộc dòng A và dòng M, Samsung đã bộc lộ rõ tham vọng chạy đua phá giá với Xiaomi. Nếu không thoát được khỏi vũng lầy giá rẻ, không thuyết phục được người dùng mua những sản phẩm có thể đem lại lợi nhuận lớn hơn, sẽ có ngày Xiaomi cháy rụi còn Samsung vẫn... sáng trưng.
Nguồn bài viết : Palazzo Club