Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII diễn ra từ ngày 3-9/10 đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nhiều cán bộ, đảng viên, trí thức và nhân dân đánh giá cao Hội nghị lần này đã bàn thảo, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của Đảng, của đất nước.
Tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
Đảng viên Mai Văn Trí (trú tại phường Thuận Lộc, thành phố Huế) cho rằng sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ vũng và tăng cường vai trò lãnh đạo, năng lực, tính hiệu quả, tính khoa học trong công tác lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của bộ máy Nhà nước và toàn xã hội.
Đáng chú ý là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thời gian qua, Đảng ta đã rất kiên quyết thông qua việc tăng cường công tác kiểm tra giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Đặc biệt, sau khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban, thì công tác này được thực hiện quyết liệt và triệt để với phương châm không có vùng cấm, vùng né, vùng nhạy cảm và không hạ cánh an toàn.
Những trường hợp sai phạm đều bị xử lý triệt để đã góp phần củng cố được lòng tin của nhân dân và tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao sức lãnh đạo, chiến đấu của Đảng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ở một số cấp ủy, tổ chức đảng vẫn còn tình trạng bao biện, làm thay, xa rời quần chúng, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng.
Theo đảng viên Mai Văn Trí, hiện nay, tình hình đất nước, khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, vì vậy việc Ban Chấp hành Trung ương thống nhất ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị trong tình hình mới là việc làm quan trọng và cấp bách, có ý nghĩa rất lớn đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
[Hội nghị Trung ương 6: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước]
Đảng là một thành viên trong hệ thống chính trị nhưng đồng thời là hạt nhân lãnh đạo của hệ thống ấy, cho nên cần tăng cường đổi mới phương thức hoạt động của Đảng; xây dựng các nội dung trong nội hàm lãnh đạo phải sâu sát với điều kiện phát triển và tình hình của đất nước trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, cần xây dựng những phương án cụ thể trong lãnh đạo đối với bộ máy nhà nước để làm thế nào xây dựng được Nhà nước pháp quyền chủ nghĩa xã hội của dân, do dân và vì dân.
Các thành viên trong hệ thống chính trị cũng dựa trên tinh thần, đường lối lãnh đạo của Đảng, quan điểm, nghị quyết của Đảng để cụ thể hóa, xây dựng chương trình hành động của tổ chức mình sao cho sát với yêu cầu nhiệm vụ chính trị để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
"Chúng tôi kỳ vọng Nghị quyết mới sẽ có những chủ trương sâu sát hơn, khoa học hơn và phù hợp hơn để Đảng tiếp tục lãnh đạo đất nước ta phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện," đảng viên Mai Văn Trí nói.
Theo đảng viên Nguyễn Hữu Cần (ở phường Thủy Xuân, thành phố Huế), để đổi mới có hiệu quả phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, Đảng ta cần tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo; đổi mới công tác cán bộ, nhân sự; xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch vững mạnh, có chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức trong sáng.
Đồng thời, Đảng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có cơ chế rõ ràng, cụ thể trong kiểm soát quyền lực, kiểm soát trách nhiệm của lãnh đạo các cấp; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát tại các tổ chức Đảng cơ sở nhằm phát hiện kịp thời những biểu hiện lệch lạc của cán bộ, đảng viên để có biện pháp uốn nắn, giáo dục, ngăn chặn sớm, đồng thời phải mạnh tay xử lý những cán bộ vi phạm nghiêm trọng.
Ngoài ra, cần nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, nhất là người đứng đầu trong chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành cơ quan.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền là nhiệm vụ trọng tâm
Đảng viên Nguyễn Đức Thuận (phường Phước Vĩnh, thành phố Huế) khẳng định thực tiễn đã chứng minh, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm mục tiêu của dân, do dân và vì dân của Nhà nước ta. Hệ thống pháp luật từng bước được hoàn thiện trên tất cả các lĩnh vực và không ngừng nâng cao chất lượng.
Tuy nhiên, quá trình vận hành không thể tránh khỏi những khuyết điểm, hạn chế như còn một số quy định chưa thống nhất, đồng bộ, có kẽ hở nên bị kẻ xấu lợi dụng lách luật, một số nội dung trong hệ thống luật chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn…
Từ thực tế đó, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã từng bước xây dựng, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Ngoài hệ thống Hiến pháp, Luật, Bộ luật, nhiều văn bản dưới Luật, hướng dẫn đã được ban hành, góp phần đảm bảo vận hành hệ thống chính trị, ổn định trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế-xã hội.
Đại hội XIII của Đảng đã xác định “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị." Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là việc làm cần thiết và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ đổi mới hệ thống chính trị. Nhất là trong bối cảnh nước ta đang trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Theo đảng viên Nguyễn Đức Thuận, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đảng ta cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo; xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, thống nhất, kịp thời, đồng bộ, đảm bảo công khai, minh bạch, lấy quyền và lợi ích của người dân làm trung tâm; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế phát triển đất nước, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ban, ngành, bảo đảm quản lý nhà nước tập trung, thống nhất.
Bên cạnh đó, khi đã hoàn thiện khung pháp lý thì vấn đề đặt ra là phải điều hành, vận hành và tổ chức thực hiện thường xuyên; phải gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tuyên truyền pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật; chú trọng giáo dục pháp luật thông qua các đoàn thể xã hội, truyền thông đại chúng…
Đảng viên Nguyễn Đức Thuận cho biết những tháng đầu năm 2022, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, nhưng với những quyết sách kịp thời và đúng đắn của Đảng, tình hình kinh tế-xã hội của nước ta có bước phát triển, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch; công tác đảm bảo an ninh quốc phòng được giữ vững, ổn định.
Tại hội nghị Trung ương 6 lần này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất cao thông qua các Nghị quyết và Kết luận của Hội nghị, chúng tôi rất kỳ vọng và tin tưởng những quyết sách này sẽ là đường hướng để đất nước ta phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới./.
Nguồn bài viết : Nagamas Vip E-Gaming Club