SÁCH HAY THỐNG KÊ

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Thái Y viện triều Nguyễn

2024-12-21 13:15:03
Hai loại hình nghệ thuật của người Mông được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Phát huy giá trị di sản văn hóa qua Festival Ninh Bình-Tràng An năm 2023

Dưới triều nhà Nguyễn, Thái Y viện với những ngự y chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho nhà vua và triều đình. Tỉnh Thừa Thiên Huế đang đánh giá, xây dựng định hướng bảo tồn, kế thừa và phát triển giá trị di sản có nguồn gốc từ Thái Y viện để phục vụ du lịch, kinh tế-xã hội.

Tinh hoa của y học cổ truyền

Ở triều đại nhà Nguyễn, Thái Y viện là một cơ quan y tế thuộc bộ máy chính quyền Trung ương chuyên chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho nhà vua, hoàng tộc và các quan đại thần của triều đình. Thái Y viện đạt nhiều thành tựu, bảo đảm an toàn y tế suốt 13 đời vua. Đây cũng là nơi có trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh, nghiên cứu các bài thuốc, soạn thảo các y thư và đào tạo thầy thuốc giỏi, là mô hình y tế công lập tiên tiến về hoạt động, là nét tinh hoa của Y học cổ truyền Việt Nam.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Thái Y viện xuất hiện khá sớm trong lịch sử Việt Nam (dưới thời nhà Trần). Sau khi thống nhất đất nước và thành lập triều đại, nhà Nguyễn đã quan tâm xây dựng và phát triển y học truyền thống. Vua Gia Long - vị vua sáng lập triều Nguyễn cho xây dựng Thái Y sở, triệu tập các thầy thuốc giỏi trong nước về làm việc. Tổ chức bộ máy của Thái Y sở dưới triều vua Gia Long còn đơn giản, đến năm 1820, khi vua Minh Mạng lên ngôi, cơ cấu bộ máy Thái Y viện và Thái Y sở mới được hoàn chỉnh.

Thái Y viện thực hiện chức năng, nhiệm vụ y dược; trong đó, nhiệm vụ khám, chữa bệnh trong cung đình được đặt lên hàng đầu.

Không gian Đại Nam Thái Y Đường, số 2 Đoàn Thị Điểm, thành phố Huế (khách sạn Thành Nội cũ), nơi lưu trú, chăm sóc sức khỏe, khám bệnh dựa trên cơ sở tái hiện mô hình Thái Y viện triều Nguyễn - tinh hoa Đông y Huế xưa, do Công ty cổ phần Đại Nam-Thái Y viện phối hợp với Hội Đông y tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức. Tại đây, các thầy thuốc, lương y giỏi đã phục hồi những bài thuốc cung đình và phương pháp trị liệu được đặc chế cho hoàng tộc nhà Nguyễn; đồng thời ứng dụng những bài thuốc nổi tiếng của Thái Y viện triều Nguyễn để thăm khám và chữa bệnh cho du khách.

Nhà giáo Ưu tú, lương y Phan Tấn Tô giới thiệu đến du khách các tài liệu về bài thuốc Thái Y viện triều Nguyễn.

Nhà giáo Ưu tú, lương y Phan Tấn Tô, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông y thành phố Huế là người đã dày công nghiên cứu, sưu tầm các bài thuốc quý còn lưu giữ bằng văn bản có châu phê. Sự cộng sức giữa các lương y đã cho ra đời nhiều sản phẩm ngự dược do Hội Đông y thành phố Huế bào chế từ đơn thuốc của Thái Y viện tiến vua như: quy tỳ hoàn Minh Mạng, lục vị hoàn Minh Mạng, bổ thận hoàn Minh Mạng, định huyễn hoàn Minh Mạng, thuốc ngâm rượu Minh Mạng Thái Y viện… Sản phẩm bước đầu đưa ra thị trường được nhiều khách hàng trong, ngoài tỉnh ưa chuộng.

Ông Tô cho biết: “Năm 1804, vua Gia Long cho thành lập Thái Y viện với bộ máy tổ chức hoàn chỉnh, quy tụ nhiều thầy thuốc giỏi khắp cả nước về Kinh đô Huế. Đây không chỉ là nơi khám, chữa bệnh mà còn tập trung nhiều tinh hoa Đông y, trong đó có các bài thuốc quý. Những phương pháp chữa bệnh, chế biến dược liệu, cùng những tác phẩm y văn là biển kiến thức bao la, giá trị trong việc chăm sóc sức khỏe”.

Ở góc độ kinh doanh, Công ty cổ phần Dược phẩm MEDIPHARCO (tại Thừa Thiên Huế) đã nghiên cứu, tiếp thu, kế thừa bài thuốc “Minh Mạng thang” của Thái Y viện triều Nguyễn và đã tạo ra nhiều sản phẩm đưa đi tiêu thụ khắp toàn quốc và xuất khẩu sang thị trường các nước: Thái Lan, Pháp, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào… Cùng với lợi thế dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại, công ty hướng đến nâng cấp thành trà hòa tan, viên nang mềm Hoàng đế Minh Mạng nhằm đa dạng sản phẩm, góp phần chăm sóc sức khỏe đặc trưng gắn liền với xứ Huế xưa.

Đưa giá trị di sản vào đời sống

Thạc sĩ Trần Như Đăng Tuyên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, những điểm son về y học của Thái Y viện đặt ra vấn đề cần nghiên cứu, khai thác, kế thừa nhằm phát triển du lịch, văn hóa, xã hội. Qua thời gian, mô hình hoạt động của Thái Y viện, đặc biệt là những bài thuốc quý, những phương pháp điều trị đặc biệt cho vua chúa dần bị mai một và thất truyền. Các công trình nghiên cứu liên quan đến y học triều Nguyễn chính là nền tảng giúp phát triển giá trị Thái Y viện trên nhiều phương diện. Làm sao đưa những giá trị này vào cuộc sống là điều đáng bàn.

Lương y Phan Tấn Tô là người rất tâm huyết với việc phát huy các giá trị di sản từ Thái Y viện. Nhiều năm qua, ông cùng các cộng sự ở Hội Đông y tỉnh dày công sưu tập tài liệu, tuyển chọn, biên dịch hơn 1.000 trang từ Hán Nôm tài liệu về bài thuốc Thái Y viện triều Nguyễn và liên quan ra tiếng Việt; thống kê, phân loại các bài thuốc và đề xuất hướng sử dụng theo 15 chuyên đề; trong đó, có 10 chuyên đề sử dụng bài thuốc cung đình và năm chuyên đề sản xuất đặc sản cung đình. Có giá trị nhất là các tài liệu Châu bản Thái Y viện về ngự dược và bản gốc sách thuốc ngự y triều Nguyễn.

Từ đó, ông Tô đã gợi ý việc phục hồi Thái Y viện theo mô hình một nhà thuốc với các bài ngự dược có tư liệu ghi chép. “Điều quan trọng nhất là giữ gìn, phát huy mảng y học cung đình. Chúng tôi đã nỗ lực tìm kiếm, khôi phục. Việc còn lại cần sự chung tay phát triển sản phẩm trong lĩnh vực này”, ông Tô tâm sự.

Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, trong 143 năm tồn tại và phát triển, nhà Nguyễn đã để lại những di sản văn hóa và tri thức quý giá, trong đó, có tinh hoa Đông y được đúc kết từ nhiều thế hệ, tiêu biểu cho nền Đông y dân tộc. Việc phát huy giá trị y học thời Nguyễn để phát triển du lịch nghỉ dưỡng ở Thừa Thiên Huế là việc làm hết sức ý nghĩa.

Bên cạnh việc bảo tồn các giá trị y học cung đình, loại hình du lịch khám, chữa bệnh này sẽ đem đến nguồn lợi không nhỏ đối với kinh tế địa phương. Ông Hải nhận định, Thái Y viện là di sản quý, có giá trị hữu hình phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. “Trung Quốc có Đồng Nhân Đường nổi tiếng, tạo nên “con gà đẻ trứng vàng” cho du lịch xứ này. Còn giá trị tinh hoa của Thái Y viện chúng ta đâu hề thua kém”, ông Hải so sánh, đồng thời đề xuất giải pháp trong định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế thì Thái Y viện là có giá trị di sản sẵn có.

Cùng quan điểm trong khai thác các giá trị di sản của Thái Y viện thời Nguyễn thành lợi thế trong phát triển kinh tế-xã hội, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Nguyễn Văn Phúc cho rằng: “Phục hồi phần quan trọng của Thái Y viện sẽ đóng góp cho mảng nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe nói riêng, du lịch nói chung. Hiện, du lịch chăm sóc sức khỏe là xu hướng và nhu cầu của thị trường, điều này góp phần làm đa dạng, tạo lợi thế cạnh tranh cho du lịch Huế”.

Tổng Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Đại Nam-Thái Y Viện Trần Ngọc Linh cho biết: “Phục hồi lại Thái Y viện triều Nguyễn là một dự án có nhiều khó khăn và thách thức. Nhưng chính vì những thách thức ấy mà chúng tôi càng quyết tâm làm, vì đó là một “mỏ quặng” mà chưa ai khai thác. Việc thực hiện dự án là hành trình tầm sư học đạo, lâu dài và gian nan. Nhưng chúng tôi có niềm tin với những con người đang xây dựng và vận hành dự án, rằng họ đều cảm nhận được sứ mệnh và trách nhiệm của mình trong công việc sắp tới”.

Nghệ nhân Nhân dân, thầy thuốc, Hòa thượng Thích Tuệ Tâm, Giám đốc điều hành Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa (ở thành phố Huế) cho rằng, trong quá trình phục hồi Thái Y viện và các sản phẩm liên quan, ngoài khâu nhân sự, cơ sở vật chất thì quảng bá thương hiệu đóng vai trò quan trọng không kém. Hòa thượng nhấn mạnh: “Quảng bá tốt, mọi người mới biết đến cái hay, cái đặc biệt của Thái Y viện, từ đó du khách mới ghé thăm, trải nghiệm dịch vụ. Hương thơm từ đó mới lan tỏa”.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, trên cơ sở phát huy những giá trị truyền thống y dược, ngày nay hệ thống y dược Thừa Thiên Huế tiếp tục phát triển mạnh mẽ; với Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế; có tuyến y tế địa phương đã góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tỉnh mong muốn tiếp thu những ý kiến đóng góp liên quan đến cơ chế, chính sách, nguồn lực nhằm phát huy giá trị Thái Y viện gắn với y học cổ truyền trong định hướng phát triển Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước và khu vực. Phục dựng lại di sản Thái Y viện triều Nguyễn là khai thác giá trị một thương hiệu mang lại nguồn lợi cho phát triển kinh tế-du lịch-dịch vụ.

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp di sản văn hóa Việt Nam
Ngày 23/11 hàng năm là “Ngày Di sản văn hóa Việt Nam” từ năm 2005. Đây là dịp để mỗi người cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp di sản văn hóa Việt Nam, ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản, quảng bá vẻ đẹp văn hóa di sản Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Việt Nam trúng cử Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể
Ngày 8/12, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban, đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là lần thứ 2 Việt Nam là thành viên của cơ quan điều hành Công ước 2003, sau nhiệm kỳ đầu tiên từ 2006-2010.
Top