SÁCH HAY THỐNG KÊ

Tháp Chăm, điểm nhấn văn hóa ở Ninh Thuận

2024-12-21 13:21:55
Hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Độc đáo lễ khai năm tạ ơn rừng của đồng bào Cơ Tu tại Tây Giang
Nhạc cụ dân tộc Việt đến với công chúng Pháp
Tháp Chăm, điểm nhấn văn hóa ở Ninh Thuận. Ảnh Thuý Hằng

Ninh Thuận, vùng đất của loài cây xương rồng, của nắng, gió và cát, được ví là "chảo lửa" của Việt Nam. Đến Ninh Thuận không thể không biết đến tháp Chăm hay tháp Pô Klông-Garai Champa vẫn sừng sững trên ngọn đồi nhìn ra toàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm như một chứng nhân lịch sử ngắm nhìn Ninh Thuận đổi thay theo thời gian.

Pô Klông-Garai là một trong số ít các cụm di tích tháp Chăm lớn được bảo tồn nguyên vẹn qua thời gian. Đó là món quà vô giá về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của người Chăm tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, các tháp vẫn giữ được những đường nét chạm trổ tỉ mỉ, tinh xảo, hoa văn đẹp mắt trên vòm, trụ, diềm mái… cũng như những câu chuyện văn hoá, tâm linh đặc sắc đã trở thành giai thoại.

Tháp được xây chủ yếu bằng gạch, đá. Ảnh Thuý Hằng

Cụm tháp Pô Klông-Garai có 3 ngôi tháp gồm tháp chính cao 20,5 m, đối diện tháp chính là tháp Cổng cao 8,56m; phía Nam là tháp Lửa, nơi cộng đồng người Chăm thờ thần Lửa. Đằng sau tháp chính có ngôi miếu nhỏ, là nơi thờ Hoàng hậu Penekun (hoàng hậu Kút) - vợ của Vua Pô Klông-Garai trị vì. Vua Poklong Garai trị vì (1151 - 1205), có công lớn trong việc xây dựng đất nước và đào hai con kênh lớn là kênh Nam và kênh Bắc. Trước đây 2 con kênh này được người dân gọi là Mương Đực và Mương Cái, sau đó được đổi tên là Kênh Nam và Kênh Bắc chính là đập Nha Trinh và kênh Chàm dẫn nước tưới tiêu chính cho người dân Ninh Thuận hiện nay.

Các đền, tháp được xây khoảng Thế kỷ 17... Ảnh Thuý Hằng

Người Chăm xây tháp thể hiện tín ngưỡng và phong thuỷ của mình, đó là tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu. Rải rác trên dải đất miền Trung từ Nha Trang vào đến Ninh Thuận vẫn còn một số các toà tháp của người Chăm đứng sừng sững giữa đất trời. Đồng bào Chăm luôn rất tự hào về nền văn hoá đặc sắc của mình. Hiện nay, họ luôn mong muốn giữ gìn, bảo tồn văn hoá đó cũng như có điều kiện để thúc đẩy và phát triển nền văn hoá truyền thống mạnh hơn nữa cũng như truyền lại cho các thế hệ sau.

... nhưng vẫn giữ được những đường nét chạm trổ tỉ mỉ, tinh xảo. Ảnh Thuý Hằng

Theo anh Sử Văn Tiên, hướng dẫn viên tại Quần thể du lịch tháp Pô Klông-Garai, trong văn hoá Chăm cũng như các tháp khác được cho là xây dựng thờ các vị thần Hindu giáo nổi tiếng. Tuy nhiên, nếu các đền thờ Hindu thờ tam thần được gọi là "Brahma-Vishnu-Maheshwara", thì cộng đồng người Chăm tại Việt Nam lại xây tháp Chăm để thờ vua, thần là những người có thật dựa trên cơ sở của văn hoá bản địa là tín ngưỡng văn hoá phồn thực.

"Điểm đặc sắc của Pô Klông-Garai là các tháp được xây dựng trên ngọn đồi mà người dân địa phương vẫn gọi là Bonava giống như lá trầu và ngọn đồi được gọi là đồi Trầu. Đứng trên đồi Trầu có độ cao hơn 150m so với mực nước biển, chúng ta có thể quan sát hầu như toàn bộ thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Địa thế ở đây cũng rất đặc biệt, người Chăm sống quần tụ xung quanh đồi Trầu, dựa lưng vào phía đồi và quay mặt về hướng Đông. Điều thú vị là các toà tháp Chăm ở bất kỳ đâu cũng sẽ quay mặt về hướng Đông. Vì đồng bào Chăm coi hướng Đông - hướng mặt trời mọc là hướng thần linh", anh Tiên chia sẻ.

Tháp là niềm tự hào về kiến trúc... Ảnh Thuý Hằng

Các đền tháp được xây dựng chủ yếu bằng gạch và đá, càng lên cao càng thu nhỏ lại và trên đỉnh tháp là viên đá được gọi là linga. Linga trong tín ngưỡng văn hoá phồn thực của người Chăm là biểu tượng cho dương vật của người đàn ông cùng biểu tượng âm vật của người phụ nữ tạo ra biểu tượng được gọi là sinh thực khí. Người dân địa phương luôn tin tưởng và có nhiều câu chuyện giai thoại về sự linh thiêng của các ngôi đền Chăm khi cầu may mắn và cầu duyên.

Theo câu chuyện của anh Tiên, đã có cặp vợ người Việt, chồng người Mỹ lấy nhau 8 năm không có con. Trong một lần đi du lịch tham quan tháp Chăm, họ vào trong tháp khấn, đi vòng quanh tượng linga và sờ lên linga, sau đó về sinh được hai cậu con trai. Từ đó, năm nào đôi vợ chồng này cũng chờ đến dịp lễ hội của người dân tại tháp để lễ bày tỏ sự cảm tạ biết ơn của mình với thần linh.

... và cất giữ những tín ngưỡng, câu chuyên huyền bí của đồng bào dân tộc Chăm. Ảnh Thuý Hằng

Các ngôi tháp này có thể nói là trung tâm tín ngưỡng văn hoá của cộng đồng người Chăm nên 1 năm được tổ chức 4 lễ hội. Lớn nhất là lễ hội Kate diễn ra vào tháng 7 âm lịch và thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham dự rất đông.

Các đền, tháp Chăm và các lễ hội chính là niềm tự hào lớn nhất của đồng bào dân tộc Chăm. Các ngôi đền cho thấy một minh chứng văn hoá tín ngưỡng của người Chăm trải dài trên một vùng đất rộng lớn từ thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) đến Phan Rang - Tháp Chàm và trở thành một nét văn hoá đặc sắc trong nền văn hoá các dân tộc Việt Nam.

Tháp lửa trong quần thể tháp Pô Klông-Garai tại Ninh Thuận là nơi thờ thần lửa. Ảnh Thuý Hằng

Điều quan trọng là làm thế nào để không chỉ bảo tồn mà còn phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hoá trên. Đặc biệt, thu hút được các thế hệ trẻ, nhất là người Chăm với tư duy trẻ và hiện đại tham gia chung tay phát huy thúc đẩy quảng bá các văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc Chăm.

Cửa vào trong tháp chính thờ Vua Pô Klông-Garai. Photo: Ảnh Thuý Hằng

Người Chăm luôn tự hào về một bản sắc văn hóa phồn thịnh, đặc sắc, độc đáo, đồng thời luôn mong muốn giữ gìn và phát huy nét văn hóa đó trong nền văn hóa chung mang đặc trưng đa dạng, phong phú của các dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, theo nhận định của Tiên, do người dân nơi đây chủ yếu làm nghề nông nên chưa quan tâm nhiều đến phát triển du lịch. Dẫn đến chưa có cách làm hay cũng như chưa tận dụng được công nghệ trong việc quảng bá và thu hút khách du lịch đến tham quan nhiều hơn.

Bên trong tháp chính quần thể tháp thờ Vua Pô Klông-Garai và biểu tượng linga. Ảnh Thuý Hằng

Đó không chỉ là trăn trở của riêng anh Tiên mà còn là câu hỏi chung của nhiều người con Ninh Thuận cũng như du khách trân trọng các giá trị văn hoá truyền thống Việt Nam khi đến thăm nơi đây.

Ninh Thuận: nâng cao hiệu quả kinh tế từ nuôi trồng thủy sản
Với lợi thế đường bờ biển dài hơn 105km cùng hệ thống đầm, vịnh, ao đìa ven bờ đa dạng tại các địa phương. Trong năm 2022, ngành thủy sản tỉnh Ninh Thuận phấn đấu sản lượng nuôi trồng thủy sản thương phẩm đạt 9.500 tấn và sản xuất giống thủy sản đạt 41,35 tỷ con.
Trùng Sơn cổ tự Ninh Thuận uy nghiêm, thơ mộng tọa lạc trên sườn núi Đá Chồng
Khác với những ngôi chùa khác tại Ninh Thuận, Trùng Sơn cổ tự ngự trên một vị thế rất đắc địa, là công trình kiến trúc có vẻ đẹp uy nghiêm mà thơ mộng trên sườn núi Đá Chồng, huyện Ninh Hải.
Ninh Thuận: Nơi nâng niu sự sống cho rùa biển
Khu Dự trữ sinh quyển Núi Chúa thuộc tỉnh Ninh Thuận hiện là khu vực hiếm hoi trên đất liền ở Việt Nam ghi nhận có quần thể rùa biển quý hiếm lên bờ đẻ trứng hàng năm.
Top