Sự hạn chế của khả năng nghe nói khiến tất cả những cảm xúc trong câu chuyện thể hiện hết trên khuôn mặt tươi sáng của cô giáo trẻ.
“Khó nhất là năm đầu tiên khi các con đi học. Các con chưa được học ngôn ngữ ký hiệu nên gần như không hiểu được sự truyền đạt của thầy cô còn các thầy cô nhiều lúc cũng không biết làm thế nào để con hiểu mình. Công việc dạy học vì vậy nhiều lúc rất mệt mỏi, căng thẳng” – cô Hoàng Thị Thu Hà nói về những khó khăn, áp lực trong công việc ở Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn – ngôi trường dành cho những trẻ em khiếm thính.
Trong căn phòng rộng hơn 10m2, cô giáo trẻ Đào Thị Hồng viết trên bảng từ “hình tròn”, rồi – một cách thành thục, cô ra hiệu gọi học trò lên viết những đồ vật có hình dạng đó vào phía sau. Một cậu bé ngồi ở dãy bàn cuối được chọn dù nhiều cánh tay phía trên giơ lên.
Cậu bé lên bảng, cầm phấn viết 2 chữ “đồng hồ” thẳng thớm, rồi chỉ vào chiếc đồng hồ hình tròn treo trên bức tường cuối lớp để chứng minh cho đáp án của mình. Ở phía dưới, những cánh tay hào hứng của hơn chục đứa trẻ giơ cao như muốn tiếp tục “trò chơi” đang đến giai đoạn cao trào.
Lớp học đầy sôi nổi ấy diễn ra trong sự im lặng. Tất cả những giao tiếp giữa cô Hồng với những đứa học trò của mình chỉ thông qua ngôn ngữ ký hiệu của đôi tay. Đó là một giờ học ngôn ngữ ký hiệu của các học sinh lớp 2B2, Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội) – một giờ học vẫn diễn ra hàng ngày của hơn 300 học sinh khuyết tật nơi đây.
Cuộc trò chuyện sau đó giữa chúng tôi và cô Hồng cũng phải có người “phiên dịch”. Cô giáo sinh năm 1990 cũng là người bị khiếm thính bẩm sinh.
Cô Hồng quê ở Hà Nội nhưng tốt nghiệp một trường ĐH đặt tận trong Đồng Nai. Cô Hồng cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học, một lần, khi được mẹ dẫn tới Trường PTCS Xã Đàn, chứng kiến những khó khăn mà các em học sinh nơi đây gặp phải trong giao tiếp nên cô quyết định xin về trường làm giáo viên dạy ngôn ngữ ký hiệu cho các em.
Sự hạn chế của khả năng nghe nói khiến tất cả những cảm xúc trong câu chuyện thể hiện hết trên khuôn mặt tươi sáng của cô gái trẻ.
Cô nói, vì bản thân cũng là người khuyết tật nên cô có sự đồng cảm rất lớn với những học sinh của trường. Và cũng bởi, cô tin rằng, những trẻ em khiếm thính có rất nhiều khả năng, làm được nhiều công việc khác nhau và sẽ hòa nhập như tất cả những đứa trẻ bình thường khác nếu như được dạy dỗ tốt.
Cuộc trao đổi kết thúc khi cô Hồng hết giờ nghỉ giữa 2 tiết học và vội vã chuẩn bị cho một tiết học khác.
Buổi sáng hôm ấy, cô có tới 4 tiết dạy, ở 4 lớp khác nhau. Cả khối tiểu học có 16 lớp, chỉ có 2 thầy cô dạy ngôn ngữ ký hiệu thay phiên nhau. Nhưng trước khi chia tay, cô Hồng nói, cô sẽ còn gắn bó với ngôi trường này, sẽ tiếp tục dạy các em bằng tất cả nỗ lực của mình.
Bởi lẽ, cô rất thương các em học sinh nơi đây.
Cô Hoàng Thị Thu Hà đã gắn bó với ngôi trường dành cho những đứa trẻ khiếm thính này từ 24 năm nay. Không biết bao nhiêu đứa trẻ khuyết tật đã được cô chăm sóc và dạy dỗ nhưng khi hỏi cô về công việc đầy áp lực của mình, cô chỉ nói về những đứa trẻ hiện tại. Dường như, chúng chiếm trọn tâm trí của cô.
Cô Hà kể, lớp cô chủ nhiệm có 17 trẻ khuyết tật thì có tới gần 10 cháu có tật phát triển chậm hoặc đa tật. Có cháu bị tăng động, có cháu tự kỷ, có cháu lại bị thiểu năng chậm tiếp thu, có cháu lại bị tim bẩm sinh, dù năm nay đã lên lớp 3 rồi nhưng vẫn chưa thể cầm bút viết được, cô vẫn phải cầm tay để tô từng nét chữ.
Dạy những đứa trẻ bình thường vốn đã không dễ, việc dạy dỗ những đứa trẻ đặc biệt càng khó hơn gấp bội. Ở đây, thay vì học mỗi năm một lớp, các con học 2 năm mỗi lớp. Để học hết tiểu học, các con phải học tới 9 năm.
Cô Hà nói, khó nhất là năm đầu tiên khi các con đi học. Các con chưa được học ngôn ngữ ký hiệu nên gần như không hiểu được sự truyền đạt của thầy cô còn các thầy cô nhiều lúc cũng không biết làm thế nào để con hiểu mình. Công việc dạy học vì vậy nhiều lúc rất mệt mỏi, căng thẳng.
“Có một cháu tên là Yến Chi, suốt học kỳ một học toán phép cộng thì cháu làm được nhưng đến học kỳ 2, học phép trừ thì con không sao làm được, cứ liên tục làm phép trừ thành phép cộng. Suốt cả học kỳ ấy, tôi phải kèm cháu nhưng cháu vẫn không thể làm được. Nhiều khi tâm sự với bố mẹ cháu là cô cảm giác bất lực với Chi, không biết phải làm thế nào. Nhưng rồi đến cuối năm, Chi bỗng nhiên vỡ ra và làm được. Đến nay thì cháu đã tiến bộ rất nhiều” – cô Hà kể.
|
Những học sinh ở Trường PTCS Xã Đàn. |
“Hoặc có cháu tên Đức suốt năm đầu tiên tôi không thể nào dạy cho cháu làm phép tính được dù thử bằng mọi cách. Chẳng hạn làm phép tính 2 cộng 3 (2+3) thì sau khi nhặt 2 que tính đầu, con nhất định không nhặt thêm 3 que tính nữa để làm phép tính mà chỉ nhặt thêm một que. Thế nhưng năm lên lớp cháu tiến bộ rất nhanh và hiện tại thì cháu rất đáng yêu, rất ngoan”.
Công việc áp lực là thế nên ngoài hành lang của trường luôn có nhiều dãy hoa dù khuôn viên của trường rất chật chội. “Khi nào ức chế, căng thẳng quá, chúng tôi lại ra hành lang ngắm hoa để lấy lại cân bằng” – cô Hà nói.
Nói thêm về những áp lực, căng thẳng tại ngôi trường đặc biệt, cô Vũ Đoàn Tố Nga, chủ nhiệm lớp 5A – lớp học hòa nhập dành cho những tật nhẹ và trẻ bình thường – kể rằng, trong lớp có những bạn không chỉ bị khiếm thính đơn thuần mà còn có các tật khác. “Có những bạn có bệnh tự kỷ hay tăng động thường xuyên đi lại trong lớp, thậm chí chạy ra ngoài hành lang dù đang là giờ học” – cô Nga nói.
“Những lúc như vậy thực sự mình phải chấp nhận vì không thể quát các con được, bởi các con cũng có hiểu đâu và bản thân các con cũng không muốn như thế” – cô Nga nói. “Nhiều cô giáo trẻ mới đầu chưa quen, không biết làm thế nào để giải tỏa được sự ức chế. Có cô chỉ biết lấy tay đấm vào cửa sổ để giải tỏa sau mỗi giờ học. Nhưng rồi lâu dần, công việc cũng tạo cho chúng tôi sự kiên nhẫn và biết cách kiềm chế”.
Việc dạy học các học trò đặc biệt cũng khiến các thầy cô mất thêm nhiều thời gian để chuẩn bị bài bởi mỗi đứa trẻ ấy lại đòi hỏi một cách dạy khác nhau, không đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào. Nhiều hôm, phải 6-7 giờ tối, các cô mới rời khỏi trường để về nhà.
Cô Nga nói, để vượt qua được áp lực công việc thì sự hỗ trợ của gia đình đối với các cô có một vai trò quan trọng. “Khi chưa có gia đình thì mọi chuyện đơn giản nhưng khi có gia đình thì không dễ để tạo sự cân bằng. Quan trọng nhất là phải có sự thông cảm từ phía gia đình”.