TƯ LIỆU ĐỊA PHƯƠNG

2025-01-15 19:13:12

Nhân ngày Nhân quyền thế giới (10/12), trong một bài đăng trên trang web Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Sabina Stein, Trưởng phòng Quản trị và Tham gia (UNDP Việt Nam), cho biết cơ quan này hoan nghênh cam kết hợp tác quốc tế của Việt Nam trong bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người.

Theo bà Sabina Stein, sự tham gia vào các cơ chế bảo vệ nhân quyền và thúc đẩy đối thoại đa phương là minh chứng cho sự hợp tác nhân quyền quốc tế lâu dài của Việt Nam.

Việt Nam đã phê chuẩn 7 trong 9 văn kiện nhân quyền quốc tế cốt lõi, bao gồm Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm (CAT) - công ước này vừa kỷ niệm 40 năm ngày Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua (10/12/1984-10/12/2024).

"Bằng cách phê chuẩn các công ước này, Việt Nam đã cam kết điều chỉnh các khuôn khổ thể chế quốc gia của mình theo các chuẩn mực quốc tế và tham gia vào các quy trình rà soát thường xuyên," bà Sabina Stein nhấn mạnh.

Bà Sabina Stein cho biết năm 2025 sẽ mang đến nhiều cơ hội đối thoại nhân quyền cho Việt Nam khi Việt Nam dự kiến sẽ có các báo cáo quốc gia thực hiện các công ước về quyền con người.

Trong số đó, vào tháng 3, Việt Nam sẽ tham gia phiên họp Ủy ban về Quyền của người khuyết tật (CRPD), sau đó là phiên đánh giá trước Ủy ban Nhân quyền theo Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) vào tháng 7; tháng 10, Việt Nam sẽ trình bày báo cáo trước Ủy ban về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW).

"Những đợt đánh giá này là những thời điểm quan trọng để nhìn lại, cho phép chúng ta đánh giá một cách trung thực về những tiến bộ đạt được và những khoảng trống cần khắc phục. UNDP hoan nghênh sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các quá trình này, dù đây là những hoạt động đòi hỏi nhiều nguồn lực," bà Sabina Stein viết.

Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất về sự cởi mở của Việt Nam đối với hợp tác nhân quyền là việc tham gia Cơ chế Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR). Trong chu kỳ UPR lần thứ 4 hoàn thành vào tháng 10 vừa qua, Việt Nam đã chấp nhận 271 trong số 320 khuyến nghị, đạt tỷ lệ gần 85%, với 253 khuyến nghị được chấp nhận hoàn toàn.

Theo bà Sabina Stein, điều này chứng tỏ Việt Nam đã sẵn sàng tham gia một cách xây dựng vào đối thoại nhân quyền với cộng đồng quốc tế.Việc chấp nhận các khuyến nghị chỉ là bước đầu tiên. Nhiệm vụ quan trọng nhất là biến chúng thành các hành động cụ thể để cải thiện cuộc sống của người dân.

Để thực hiện điều này, Việt Nam hiện đang xây dựng Kế hoạch Tổng thể Quốc gia cho chu kỳ UPR lần thứ 4, dự kiến sẽ định hướng việc triển khai trong 5 năm tới.

Dựa trên Kế hoạch Tổng thể từ chu kỳ UPR lần thứ 3, bà Sabina Stein cho rằng, kế hoạch mới cần có tham vọng, khả thi và có thể đo lường được. Kế hoạch này cần xác định rõ trách nhiệm phù hợp với cơ cấu chính quyền mới, cùng với ngân sách, thời gian thực hiện, và các chỉ số giám sát, đánh giá.

Quá trình này chỉ có thể thành công nếu mang tính bao trùm và có sự tham vấn rộng rãi. Việc huy động sự tham gia đa dạng của các bên liên quan, bao gồm các tổ chức chính trị-xã hội, cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ, sẽ đảm bảo rằng kế hoạch đáp ứng được nhu cầu của tất cả các cộng đồng.

Theo bà Sabina Stein cho biết UNDP sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực này và gần đây, UNDP cũng đã hỗ trợ Việt Nam trong việc hợp tác với Ủy ban Chống Tra tấn của Liên hợp quốc (CAT).

Sau khi Chính phủ Việt Nam nộp báo cáo định kỳ lần thứ hai vào đầu năm 2024, UNDP đã phối hợp cùng Bộ Công an tổ chức chuyến thăm, làm việc của Đoàn công tác Bộ Công an tới Geneva.

Tại đây, các cuộc gặp gỡ của Đoàn công tác với các thành viên của CAT, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế và Chính phủ Thụy Sĩ đã tập trung vào các thực hành tốt nhất nhằm thúc đẩy việc thực thi Công ước CAT.

Mới đây, UNDP và Bộ Công an đã tổ chức các hội thảo cho các cán bộ thực thi pháp luật ở Trung ương và địa phương tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham gia của khoảng 140 đại biểu.

Các hội thảo này tập trung vào các khuyến nghị của Ủy ban CAT dành cho Việt Nam nhằm thúc đẩy việc thực hiện Công ước.

Vai trò là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (2023-2025) là một dấu hiệu khác cho thấy cam kết hợp tác quốc tế nhân quyền của Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ của mình, Việt Nam đã bảo trợ các nghị quyết kỷ niệm 70 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR) và kêu gọi cách tiếp cận dựa trên nhân quyền đối với hành động về biến đổi khí hậu.

Hướng tới tương lai, Việt Nam đã tuyên bố ứng cử cho nhiệm kỳ thứ hai tại Hội đồng Nhân quyền (2026-2028), thể hiện ý định tiếp tục tham gia tích cực vào hệ thống nhân quyền quốc tế.

Chuyên gia UNDP cũng nhấn mạnh giá trị của chuyến thăm Việt Nam vào năm 2024 của Báo cáo viên Đặc biệt về quyền phát triển và khuyến khích các chuyến thăm trong tương lai của các chuyên gia có liên quan để làm sâu sắc thêm đối thoại và hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc.

Nhấn mạnh bối cảnh thế giới và công tác bảo đảm quyền con người trên toàn cầu đã và đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, bà Sabina Stein khẳng định, UNDP hoan nghênh sự tham gia của Việt Nam vào các cơ chế nhân quyền quốc tế, như một tín hiệu khẳng định giá trị của việc bảo vệ và tham gia vào một trật tự dựa trên nhân quyền.

"Việc chuyển hóa cam kết thành hành động đòi hỏi ý chí chính trị, các lộ trình rõ ràng và nguồn lực để thực hiện. UNDP sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong những nỗ lực này, từ cải cách lập pháp và thể chế đến việc xây dựng và thực hiện một Kế hoạch Tổng thể UPR đầy tham vọng. Quan hệ đối tác của chúng ta được xây dựng trên sự tin tưởng và cam kết hướng tới phát triển toàn diện, lấy con người làm trung tâm," bà Sabina Stein nhấn mạnh./.

Việt Nam công bố tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đề nghị các nước ủng hộ ứng cử của Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền, khẳng định mạnh mẽ nếu trúng cử Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia một cách tích cực, xây dựng, có trách nhiệm.

(TTXVN/Vietnam+)
Top