TƯ LIỆU ĐỊA PHƯƠNG

Lệ Lý và những giấc mơ ở Việt Nam

2024-12-21 12:20:38

Nhiều lần trở về Việt Nam tham gia hoạt động xã hội, giao lưu giới thiệu sách và làm phim, nhưng với chuyến về thăm lần này, bà Lệ Lý có một niềm vui đặc biệt là tổ chức xã hội mà bà sáng lập được vinh dự trao tặng Huân chương Hữu nghị của Việt Nam. Sống ở Mỹ đã lâu, nhưng người phụ ấy vẫn nói giọng “đặc sệt” Quảng Nam và còn nhớ rõ những đoạn, lời hát Bài chòi, dân ca miền Trung Nam Bộ...

Bà Phùng Thị Lệ Lý.

Từ Đông Tây hội ngộ...

Phùng Thị Lệ Lý sinh năm 1949 tại một làng quê nghèo ở Hòa Vang, Quảng Nam-Đã Nẵng, (nay thuộc TP.Đà Nẵng). Sang Mỹ từ khi 20 tuổi, nhưng tận 16 năm sau, bà mới trở lại quê hương vào năm 1986.

Về Việt Nam sau bao năm xa cách, Lệ Lý đã thực sự xúc động khi chứng kiến cuộc sống còn thiếu thốn và khổ cực của người dân sau chiến tranh. Bởi vậy, sau khi về Mỹ, bà đã quyết định bán hết tài sản mình đang có để thành lập tổ chức East Meets West Foundation – EMWF (Đông Tây hội ngộ) vào năm 1988.

Có trụ sở chính tại Oakland, California, EMWF hoạt động với mục đích cải thiện sức khỏe và phúc lợi cho cộng đồng những người có hoàn cảnh khó khăn ở Châu Á, đặc biệt tại Việt Nam thông qua các giải pháp phát triển bền vững trong các lĩnh vực nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, y tế và giáo dục.

Bằng uy tín của mình, Lệ Lý kêu gọi thêm các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài tham gia giúp đỡ nạn nhân chiến tranh ở Việt Nam. Từ đó, rất nhiều cựu chiến binh Mỹ, các nhà hảo tâm, các bác sĩ từ Mỹ sang Việt Nam trực tiếp tham gia những hoạt động từ thiện giúp người dân Việt Nam ở những vùng quê nghèo khó.

Đến nay, trải qua 30 năm hoạt động tại Việt Nam, EMWF đã triển khai nhiều chương trình với tổng giá trị viện trợ đạt hơn 113 triệu USD, gồm các hoạt động và dự án trọng tâm như: xây dựng các bệnh viện, trường học và nhà tình thương; xây dựng và nâng cấp hệ thống nước sạch, cải thiện nước sạch và vệ sinh hộ gia đình, cải thiện vệ sinh cộng đồng...

Tổ chức luôn có các chương trình giáo dục hướng nghiệp, cấp học bổng, đào tạo công nghệ thông tin miễn phí cho sinh viên nghèo, tổ chức trại hè tiếng Anh và kỹ năng sống, tài trợ cho một số cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi và người khuyết tật; các chương trình y tế, đào tạo chăm sóc sức khỏe, tài trợ phẫu thuật tim cho trẻ em từ 0-16 tuổi.

Đặc biệt, EMWF còn triển khai một số dự án nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lâu dài như chương trình phòng chống buôn bán người, hỗ trợ các hộ kinh tế khó khăn, cứu trợ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Tổ chức còn giới thiệu, áp dụng nhiều cách tiếp cận mới, góp phần nâng cao hiệu quả và tính bền vững của các chương trình, dự án tại Việt Nam, được các địa phương và người hưởng lợi đánh giá cao.

Bà Phùng Thị Lệ Lý (giữa) cùng các thành viên của tổ chức EMWF nhận Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Việt Nam.

... đến Làng Toàn cầu

Khi EMWF đã hoạt động vững mạnh, bà Lệ Lý đã lập tổ chức mới có tên Global Village Foundation (GVF - Làng Toàn cầu) vào năm 2000 nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc và hỗ trợ người nghèo Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề và phát triển cộng đồng.

Là người sáng lập và Chủ tịch GVF, bà Lệ Lý và các cộng sự đã tổ chức không ít dự án về giáo dục và y tế hướng tới trẻ em ở những vùng quê nghèo, hẻo lánh ở một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam. GVF của bà hoạt động phần lớn ở miền Trung, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề và phát triển cộng đồng. Tổ chức đã vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài nước tài trợ kinh phí, đưa tình nguyện viên từ Mỹ và sinh viên từ Singapore sang Việt Nam làm thiện nguyện.

Lệ Lý đặc biệt dành sự quan tâm tới mô hình xây dựng “Tủ sách lưu động” đưa về các trường tiểu học giúp đỡ trẻ em vùng sâu vùng xa, tổ chức các hội thi đọc sách. Hiện tủ sách với 2.000 đầu sách được tặng một số trường học nghèo. Ngoài ra, số tiền quyên góp từ độc giả và các mạnh thường quân, nhuận bút tác phẩm chuyển thể thành phim cùng với di sản thừa kế... giúp bà thực hiện các công việc từ thiện và trang trải các dự án nhân đạo khác.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, bản thân mới học hết lớp ba nên dễ hiểu điều tâm niệm của Lệ Lý là mong trẻ em Việt Nam không còn mù chữ, nâng cao hoạt động giáo dục và đào tạo để giúp các em trở thành những công dân Việt Nam thông minh, biết yêu nước thương nòi.

Hơn nữa, một ước muốn của bà giờ đây đã trở thành hiện thực là vết thương lòng giữa Mỹ và Việt Nam đã dần được hàn gắn. Đó là niềm vui khi nhìn thấy các thế hệ người Mỹ và người Việt đã ngồi lại với nhau, người dân hai nước kết nối, giao thương và các thế hệ kiều bào về nước ngày càng nhộn nhịp.

Phùng Thị Lệ Lý (Le Ly Hayslip) là tác giả của hai tác phẩm When Heaven and Earth changed places (Khi Đất Trời đảo lộn) và Child of war and woman of peace (Đứa trẻ thời chiến và người phụ nữ thời bình) đã được tờ New York Times bình chọn sách bán chạy nhất ở Mỹ vào đầu thập niên 90 và dịch ra 17 ngôn ngữ. Đạo diễn lừng danh Hollywood, Oliver Stone đã mua bản quyền và chuyển thể hai tác phẩm này làm thành phim Heaven and Earth (Trời và Đất, 1993).

Năm 2006, cuộc đời của bà Lệ Lý là chủ đề chính trong bộ sách 4 cuốn về bốn người Mỹ gốc Á nổi tiếng tại Mỹ mang tên Who is Le Ly Hayslip? (Lệ Lý Hayslip là ai?) của Nhà xuất bản Raintree.

Năm 2007, bộ phim tài liệu Từ chiến tranh đến hòa bình và xa hơn nữa nói về những hoạt động nhân đạo của bà ở Việt Nam do Poloma College thực hiện đã được Hội Điện ảnh Mỹ trao tặng hơn 10 giải thưởng, đặc biệt trong đó có 3 giải Emmy danh giá.

Năm 2008, bà còn vinh dự nhận “Giải thưởng nước Mỹ” (Pride of America) trao tặng 25 người nhập cư vào Mỹ từ năm khai quốc 1776 đến nay và có nhiều đóng góp lớn cho nước Mỹ.

Hà Anh

Top