Giảm tỉ lệ thất nghiệp với mô hình đào tạo nghề của Đức

2025-01-17 20:38:19

Học sinh Đức sẵn sàng làm việc sau khi tốt nghiệp cấp III

“Nước Đức chú trọng đào tạo học sinh cấp III với kỹ năng tương đương như sinh viên đại học Mỹ. Ngay từ khi tốt nghiệp cấp III, các thanh niên Đức đã sẵn sàng làm việc”, ông Obama khẳng định.

Từ năm 2012, tờ báo kinh tế danh tiếng của Anh Financial Times mô tả mô hình đào tạo nghề của Đức là “tiêu chuẩn vàng” đối với các nước.

Mới đây, NPR, trang web của Đài truyền thanh quốc gia Mỹ đưa câu chuyện về Robin Dittmar (18 tuổi), sống ở TP. Hamburg của Đức.

Dittmar từ nhỏ đã đam mê máy bay. Thành tích học tập cấp III không đủ giúp Dittmar theo đuổi ước mơ trở thành phi công nhưng đủ để cậu xin vào thực tập tại công ty Lufthansa Technik, chi nhánh của hãng hàng không Lufthansa lớn nhất châu Âu. Công ty này cung cấp dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa máy bay trên phạm vi toàn thế giới.

Tại nhà máy của Lufthansa Technik, Dittmar học những kỹ năng cơ bản như hàn và khoan. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, cậu bắt đầu được xử lý các thiết bị máy móc. Hai phần ba thời gian mỗi ngày của cậu dành cho công việc này. Một phần ba còn lại là những buổi học nghề cơ khí máy bay ở trường dạy nghề trong thành phố.

Thực tập sinh làm việc trong một nhà máy tại Đức.

Trong suốt thời gian học nghề, Dittmar được Lufthansa Technik trả mức lương 1.000 USD/tháng, bằng 33% thu nhập khởi điểm của một thợ cơ khí có bằng cấp.

Sau khi kết thúc giai đoạn thực tập và học nghề, Dittmar trở thành một thợ cơ khí máy bay giỏi. Đặc biệt, cậu có thể làm việc bất cứ đâu trên thế giới.

Trường hợp của Dittmar là điển hình của mô hình đào tạo nghề tại Đức. Sau khi tốt nghiệp cấp III, các học sinh không muốn vào đại học sẽ đăng ký học một công việc cụ thể tại trường dạy nghề.

Họ chỉ đến trường hai ngày mỗi tuần để học lý thuyết nghề và các môn cơ bản khác như ngoại ngữ và kinh tế. Phần thời gian còn lại là các buổi thực tập tại công ty. Quá trình học nghề và thực tập kéo dài từ 2 - 4 năm, tùy vào các ngành nghề cụ thể. Công ty trả cho học viên mức lương bằng 1/3 thu nhập của người lao động có tay nghề.

Theo số liệu của Chính phủ Đức, khoảng 60% học sinh Đức sau khi tốt nghiệp cấp III lựa chọn con đường như Dittmar. Hệ thống “đào tạo kép” của Đức đào tạo tới 1,5 triệu người mỗi năm, từ thợ làm bánh, thợ cơ khí, thợ mộc cho đến đầu bếp và người chế tạo đàn violin…

Hệ thống của Đức cũng rất linh hoạt. Các học sinh sau khi đăng ký học nghề mà cảm thấy không phù hợp hoàn toàn có thể quay trở lại trường, học một nghề khác, đăng ký thực tập tại một công ty khác.

Với hệ thống này, dễ hiểu tại sao tỉ lệ thất nghiệp ở nước Đức năm 2014 chỉ hơn 5,6%. Tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên tại Đức là 7,5%, thấp nhất châu Âu.

Góp phần lấp khoảng trống đào tạo nghề tại Việt Nam

Khi Huỳnh Thị Thanh Tâm quyết định chọn học nghề cơ khí theo Chương trình đào tạo nghề kỹ thuật công nghiệp (TGA), mọi người trong nhà cô đều phản đối. “Lúc ấy bố em bảo con gái phải làm việc nhẹ nhàng, ai lại chọn nghề cơ khí khô cứng và nặng nhọc như thế”, cô cho biết trong khi tay vẫn không rời khỏi chiếc máy khoan.

Các học viên chương trình TGA của Bosch tại Việt Nam đang thực hành.

Nhưng sau năm học đầu tiên, Tâm thấy quyết định của mình là đúng và bố mẹ cô giờ cũng hết lòng ủng hộ. Tâm hào hứng nói: “Cơ khí không phải nghề nặng nhọc và khô cứng như mọi người nghĩ, mà rất thú vị. Cơ khí chính xác yêu cầu ở người thợ tính tỉ mỉ, kiên nhẫn và ở điểm này thì phụ nữ có ưu điểm hơn cánh đàn ông”.

Trong phòng, một chiếc kệ lớn đặt 24 mẫu mô hình xe tải bằng thép được bài trí một cách trang trọng. Tâm cho biết, đó là kết quả bài thi kiểm tra năm đầu tiên của cô cùng các học viên khác.

Nguyễn Thanh Hiền, một học viên TGA giải thích thêm: “Những mô hình xe tải đó, nhìn thì thấy đơn giản nhưng đó là sản phẩm của cơ khí chính xác. Ngoài việc phải đẹp thì độ chính xác, độ nhẵn bóng... đặt ra là rất nghiêm ngặt và tất cả đều được Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam (AHK) đánh giá và chấm điểm rất kỹ”.

Các học viên được trả lương trong quá trình học và thực hành nghề.

TGA là chương trình đào tạo kép theo tiêu chuẩn Đức, lần đầu tiên được Bosch (công ty của Đức) thực hiện tại Việt Nam. Chương trình kết hợp giữa đào tạo lý thuyết tại trường Cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật LILAMA2 và thực hành tại công ty Bosch Việt Nam.

Khi tốt nghiệp, các học viên sẽ được cấp hai giấy chứng nhận tốt nghiệp từ AHK và LILAMA2. Mỗi năm chương trình tuyển 24 học viên để đào tạo trong ba năm rưỡi với ba phần tư thời gian học thực hành và còn lại là học lý thuyết. Học viên được Bosch Việt Nam trả lương trong suốt thời gian học và khi tốt nghiệp sẽ được công ty ưu tiên tuyển dụng.

Nguyễn Thanh Hiền nói, nghĩ đến cơ hội làm việc ở Bosch sau khi tốt nghiệp là niềm hy vọng và động lực rất lớn cho anh cũng như tất cả những học viên của chương trình TGA.

Một số cơ quan khác của Việt Nam cũng đã ký kết chương trình liên kết đào tạo nghề giữa Việt Nam và các đối tác Đức.

Trong năm 2015, Viện Nghiên cứu Giáo dục Nghề nghiệp ký kết nhiều văn bản ghi nhớ - hợp tác với các trường dạy nghề, dạy tiếng và các doanh nghiệp Đức nghiên cứu nhận chuyển giao các module dạy nghề của Đức thí điểm tại Việt Nam. Đặc biệt, với chương trình tư vấn tuyển sinh - trao đổi chuyên gia, giảng viên, học viên giữa hai bên, học sinh Việt Nam có thể tham khảo chương trình du học Đức với các ngành nghề: nhà hàng khách sạn, đầu bếp, y tá, điều dưỡng viên, xây dựng, cơ khí, phiên dịch tiếng Đức…

Mạnh Phúc

Tổng hợp

Nguồn bài viết : Xổ số miền Bắc hôm quả

Top