Sống chậm
Hè năm nay, Vũ Hải Triều (học sinh lớp 8, trường THCS Tây Sơn, Hai Bà Trưng, Hà Nội) tham gia khóa tu mùa hè ở Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc).
Tham gia khóa tu, Triều được hòa vào nhiều hoạt động phong phú như các hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao, giao lưu văn hóa văn nghệ, trao đổi kỹ năng sống, học ngồi thiền... Em còn được tập ăn chay, khám phá thiên nhiên.
Giới trẻ tham gia khóa tu mùa hè.
“Khi tham gia khóa tu, chúng em phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt của nhà chùa. Luôn cung kính, nghe lời các sư thầy; vui vẻ, hòa nhã, yêu thương và giúp đỡ bạn đồng tu. Bên cạnh đó, mọi người chấp hành đúng giờ các thời khóa tu tập. Không nói thô tục, tranh cãi và đánh nhau. Sinh hoạt hàng ngày cũng có nề nếp: ngủ dậy phải xếp màn, chiếu, gối gọn gàng và ngay ngắn, tắt quạt và đèn khi ra khỏi phòng... Những quy định đó hình thành cho chúng em tính kỷ luật”, Triều cho biết.
Những năm gần đây, trong dịp nghỉ hè, nhiều ngôi chùa đã mở các khóa tu mùa hè dành cho người trẻ tham dự. Rất nhiều học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh quan tâm đến các khóa tu này với mong muốn cho bản thân, cho con em mình có những sinh hoạt ý nghĩa trong giai đoạn tạm rời xa việc học hành tại trường lớp.
Ngay tại Hà Nội, rất nhiều chùa tổ chức khóa tu mùa hè như chùa Phúc Long tức chùa Đống, chùa Tứ Kỳ, chùa Pháp Vân, chùa Bằng... Xa hơn một chút, bạn trẻ có thể tìm đến Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc). Khóa tu thường được tổ chức từ 3 đến 7 ngày hoặc 1 tháng.
Các em được học những giáo lý đầy tính nhân văn của nhà Phật.
Điều Hải Triều ấn tượng nhất là những bữa cơm chay tại chùa. “Trong không gian tĩnh tại, bình yên của chùa chiền, bữa cơm chay khiến ai cũng thấy thảnh thơi, gần gũi với nhau hơn. Tên món ăn cũng mang dấu ấn nhà Phật như xúp thập thiện, chả ram thiền định, chè ngũ giới... Vừa ăn vừa được nghe sư trụ trì hoặc những người trong chùa giải thích ý nghĩa tên của từng món ăn em thấy rất lý thú”, Hải Triều kể.
Nghỉ hè, thay vì cùng bạn bè đi chơi xa, Đỗ Thị Oanh (sinh viên năm 2 khoa Sinh học, Đại học Sư phạm Hà Nội) về quê tham gia khóa tu tại chùa Bình A (Nghĩa Hưng, Nam Định). Oanh thích nhất là những lúc ngồi thiền và nghe các sư thầy giảng giáo lý nhà Phật. Oanh tâm sự: “Đôi lúc, áp lực học hành khiến cho em bị căng thẳng và cảm thấy cuộc sống nặng nề. Với em, những hoạt động tại chùa giúp em cân bằng lại cuộc sống. Đứng ở cửa chùa, em có phút lắng lại, nhìn nhận nhiều điều tốt và thiếu xót của bản thân trong thời gian qua. Và khi hiểu được những khiếm khuyết của cá nhân, em thấy bản thân cần sửa đổi để sống hết mình hơn nữa”.
Hướng thiện
Xu hướng người trẻ lên chùa “học Phật” không còn là mới. Tuy nhiên, khi mà hàng ngày, một bộ phận giới trẻ vẫn đang bị hấp dẫn những trò tiêu khiển không lành mạnh thì việc tìm đến chùa chiền để học đạo lý hay đơn giản hơn chỉ là để tĩnh tâm, cân bằng cuộc sống là một việc có ý nghĩa.
Hải Triều tâm sự: “Những hoạt động tại chùa khiến em sửa được tính mất bình tĩnh. Lòng bao dung, sự hiếu thuận, ý chí vượt khó và tấm lòng biết sống vì người khác là những bài học quý báu mà em thu nhận được từ những bài giảng của các sư thầy. Tụng những bài kinh phúc đức dành cho tuổi trẻ… em cũng thêm hiểu về những vất vả, nhọc nhằn của cha mẹ. Từ đó, em tự dặn lòng mình thời gian tới phải biết nghe lời bố mẹ và chăm chỉ học hành hơn”.
Phật pháp sẽ góp phần giúp các em hướng thiện.
Khóa tu đôi khi chính là cầu nối yêu thương giữa các bạn trẻ và gia đình. Chị Trần Ngọc Anh, mẹ của Hải Triều cho biết: Trở về sau khóa tu, con trai chị đã mở lòng hơn với bố mẹ. Thay vì chỉ say mê với máy tính, ipad mỗi khi được nghỉ như trước đây, Triều tâm sự nhiều về chuyện trường lớp, bạn bè – những chuyện bình thường rất hiếm khi cậu nói cùng phụ huynh.
“Tôi mừng vì con và cha mẹ đã có thể tâm sự với nhau. Theo tôi, khóa tu không chỉ giúp con có một cuộc sống lành mạnh hơn mà còn hướng thiện cho con ngay từ khi cháu ở độ tuổi đang phát triển cả về thể chất lẫn tâm hồn”, chị Ngọc Anh chia sẻ.
Oanh cho rằng, đến chùa em học hỏi được rất nhiều điều mà khi áp dụng vào cuộc sống giúp em giải quyết vấn đề một cách nhẹ nhàng hơn
“Ra đường, em biết thương cảm hơn khi chứng kiến những số phận bất hạnh hay kém may mắn hơn mình… Sắp tới, em sẽ tham gia các hoạt động tình nguyện tại chùa. Em muốn được giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Em nghĩ, đó cũng là cơ hội để em được học thêm Phật pháp từ các sư thầy”, Oanh nói về dự định sắp tới.
Mạnh Phúc
Nguồn bài viết : trực tiếp bóng đá